Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Tuyên truyền pháp luật bằng tiếng DTTS: Ưu tiên sử dụng đội ngũ tuyên truyền viên người DTTS và người biết tiếng DTTS (Bài 2)

Khánh Thư - 07:25, 02/11/2022

Giai đoạn 2021 – 2030, các chính sách đã chuyển sang đầu tư phát triển để phát huy nguồn lực nội tại của vùng đồng bào DTTS và miền núi, phù hơp với quá trình hội nhập. Để nắm bắt được chính sách, người dân có nhu cầu được phổ biến từ đội ngũ tuyên truyền viên người DTTS, hoặc biết tiếng DTTS.

Tỷ lệ nhận thức đúng về xác định độ tuổi trẻ em tại các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi còn khá thấp. (Ảnh chụp tại Làng le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, Kon Tum)
Tỷ lệ nhận thức đúng về xác định độ tuổi trẻ em tại các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi còn khá thấp. (Ảnh chụp tại Làng le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, Kon Tum)

Nhu cầu lớn

Tháng 8/2020, một báo cáo được Bộ Tư pháp phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) công bố cho thấy, tỷ lệ nhận thức một số vấn đề pháp luật liên quan đến các quyền cơ bản của người DTTS còn khá hạn chế. Mặc dù chỉ khảo sát trong phạm vi không quá rộng (tại 6 tỉnh: Hà Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đăk Nông, Kiên Giang, Đồng Tháp), nhưng báo cáo đã chỉ ra “lỗ hổng” trong nhận thức về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân là đồng bào DTTS.

Báo cáo này dẫn ví dụ, về vấn đề xác định tuổi trẻ em, tỷ lệ nhận thức đúng tại các địa phương khảo sát chỉ đạt tỷ lệ khá khiêm tốn. Trong đó, Hà Giang chỉ đạt 18,4%, Hòa Bình đạt 21,2% tại Hòa Bình, Thanh Hóa đạt 38,5%, Đăk Nông đạt 22,8%, Kiên Giang đạt 24% và Đồng Tháp là 16,7%. Việc nhận thức không đúng độ tuổi trẻ em sẽ dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng trong thực thi Luật Trẻ em và các quy định liên quan; đặc biệt đây có thể là nguồn cơn khiến tảo hôn vẫn là vấn nạn dai dăng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Qua khảo sát, Bộ Tư pháp và UNDP đánh giá, nhu cầu cần truyền thông, PBGDPL của đồng bào DTTS số là rất lớn. Trong đó, người dân có nhu cầu tìm hiểu chính sách, pháp luật liên quan đến 06 nhóm lĩnh vực, bao gồm: hỗ trợ, ưu đãi hộ nghèo; ưu đãi về y tế; chính sách về giáo dục; bình đẳng nam, nữ; hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và trợ giúp pháp lý. Để nắm bắt được các lĩnh vực pháp luật này, người dân có nhu cầu được phổ biến từ đội ngũ tuyên truyền viên người DTTS, hoặc biết tiếng DTTS.

Bộ đội Biên phòng học tiếng đồng bào để “Nghe được dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”. (Ảnh: Lê Hiếu)
Bộ đội Biên phòng học tiếng đồng bào để “Nghe được dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”. (Ảnh: Lê Hiếu)

Như đã phản ánh ở kỳ báo trước, việc sử dụng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật là người DTTS, hoặc biết tiếng DTTS mang lại hiệu quả cao trong PBGDPL. Nhưng theo đánh giá của Bộ Tư pháp, đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật biết ngôn ngữ DTTS, nhất là đội ngũ có kỹ năng, nghiệp vụ, hiểu biết về văn hóa, tập quán sinh hoạt của đồng bào DTTS còn hạn chế.

Trong khi đó, đội ngũ cán bộ công chức cấp xã là người DTTS hiện vẫn còn thiếu về lượng, chất lượng lại chưa đồng đều. Báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10/6/2021 của Ủy ban Dân tộc về tổng kết Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 theo Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12/03/2013 cho thấy, hiện cả nước có 68.781 biên chế là người DTTS, chiếm 11,68% tổng số biên chế cả nước. Cũng theo báo cáo này, trong 10 năm qua có 22.229 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và 10.516 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tin học văn phòng…

Ngày 20/6/2020, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 80-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân. Trong Kết luận, Ban Bí thư tiếp tục yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí, ưu tiên bố trí nguồn lực cho các nhóm đối tượng đặc thù yếu thế, đồng bào DTTS, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 80-KL/TW đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành tại Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh thực hiện các hình thức PBGDPL bằng tiếng DTTS; ưu tiên nguồn lực PBGDPL cho các nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế, DTTS gắn việc thực hiện công tác PBGDPL với việc thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, đề án liên quan.

Xây dựng chính sách đặc thù 

Sau 5 năm thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2021” theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 8/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1163), nhiều địa phương đã chú trọng “gia cố” đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật là người DTTS, hoặc biết tiếng DTTS. Đơn cử như huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), toàn huyện hiện có 124 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, đa phần đều biết tiếng DTTS. Ngoài ra, tại 59 thôn, buôn, tổ dân phố của huyện đều có tổ hoà giải với 365 hoà giải viên, trong đó có 68 người DTTS.

Thực hiện Đề án 1163, nhiều địa phương, đơn vị đã có những mô hình sáng tạo, hiệu quả. (Trong ảnh: Chiến sĩ Đồn Biên phòng Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh kon Tum với mô hình “Tiếng loa biên phòng” - Ảnh: L.T.S)
Thực hiện Đề án 1163, nhiều địa phương, đơn vị đã có những mô hình sáng tạo, hiệu quả. (Trong ảnh: Chiến sĩ Đồn Biên phòng Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh kon Tum với mô hình “Tiếng loa biên phòng” - Ảnh: L.T.S)

Trong Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương tăng cường PBGDPL cho đồng bào DTTS; tham mưu, thực hiện chính sách ưu tiên sử dụng người biết tiếng DTTS, Người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tham gia công tác PBGDPL.

Điều này là hết sức cần thiết, bởi giai đoạn 2021 – 2025, các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đồng thời triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia (nông thôn mới, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi). So với giai đoạn trước thì chương trình nông thôn mới và chương trình giảm nghèo có những cơ chế hoàn toàn khác, cần được tuyên truyền để người dân nắm bắt để chủ động tham gia.

Với riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi thì đây là lần đầu tiên thực hiện, nên sẽ không khỏi bỡ ngỡ, ngay cả với đội ngũ cán bộ cấp xã. Chính vì vậy, ngày 28/7/2022, Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định số 495/QĐ-UBDT phê duyệt Kế hoạch truyền thông về Chương trình này. Một trong những giải pháp được đặt ra trong kế hoạch truyền thông là xây dựng, phát triển, bồi dưỡng mạng lưới cán bộ tuyên truyền viên, báo cáo viên, đội ngũ Người có uy tín, già làng, trưởng thôn, bản nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu bằng nhiều loại hình phong phú.

Để giải pháp này thực thi hiệu quả trong thực tiễn, việc bố trí nguồn lực cho công tác PBGDPL cần phải được các bộ ngành, địa phương chú trọng. Bởi theo đánh giá của Bộ Tư pháp, nguồn lực phục vụ cho tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án liên quan đến PBGDPL cho đồng bào DTTS còn khiêm tốn; một số địa phương, nhất là cấp cơ sở chưa bố trí kinh phí cho công tác này.

Theo đề xuất của Bộ Tư pháp, để đẩy mạnh công tác PBGDPL thì cần sớm xây dựng, ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ các báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật là người DTTS, hoặc biết tiếng DTTS, Câu lạc bộ sinh viên tình nguyện là người DTTS tham gia công tác PBGDPL; xây dựng, hỗ trợ các báo viết bằng ngôn ngữ các DTTS để PBDGPL… Đây là những hoạt động đảm bảo người dân dễ tiếp cận, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân, dễ hiểu, dễ nhớ, vận dụng sáng tạo, lồng ghép việc PBGDPL phù hợp với bản sắc văn hoá, tập quán của từng dân tộc, vùng miền.

Theo Báo cáo số 975/BC-UBDT ngày 21/6/2022 của Ủy ban Dân tộc về tổng kết 5 năm thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2021” theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 8/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2017 – 2021, tại 37/51 địa phương vùng DTTS và miền núi đã tổ chức được 348.016 hội nghị, lớp tập huấn PBGDPL cho khoảng 9.846.083 lượt người tham dự; tổ chức 17 hội thảo cho khoảng 1.530 lượt người tham dự để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm TTPBGDPL; tổ chức 931 hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho hơn 305.956 lượt người tham dự… Ở các địa phương cũng đã xây dựng, nhân rộng 188 mô hình điểm ở các xã, thôn, bản về PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS.

Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh hoạt động TGPL trong đồng bào DTTS.