Đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có nhiều bước chuyển mạnh mẽ nhờ Chương trình MTQG 1719 (Ảnh minh họa).Đầu tư toàn diện
Ông Phan Thanh Hà, Giám đốc Sở Dân tộc & Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, ngân sách địa phương bố trí cho các dự án thuộc Chương trình luôn đạt và vượt kế hoạch. Các công trình cấp nước sinh hoạt, hạ tầng giao thông, kênh mương thủy lợi đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt, tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Quả đúng như nhận định của ông Phan Thanh Hà, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư 518,8 tỷ đồng cho hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống vùng đồng bào DTTS, trong đó ngân sách địa phương đối ứng 67,8 tỷ đồng. Tỉnh cũng sắp xếp, bố trí phân bổ gần 244 tỷ đồng đã được tỉnh phân bổ để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt, trong đó ngân sách tỉnh bố trí gần 32 tỷ đồng.

Triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, ngân sách địa phương bố trí cho các dự án thuộc Chương trình luôn đạt và vượt kế hoạch. Các công trình cấp nước sinh hoạt, hạ tầng giao thông, kênh mương thủy lợi đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt, tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Ông Phan Thanh HàGiám đốc Sở Dân tộc & Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên khẳng định
Cùng với đó, Thái Nguyên đã thực hiện quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư với tổng vốn đầu tư hơn 90 tỷ đồng; đầu tư 374,4 tỷ đồng để phát triển nông, lâm nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, trong đó tỉnh đối ứng gần 49 tỷ đồng để thực hiện các Dự án, Tiểu Dự án thành phần của Chương trình MTQG 1719… Điều này đã cho thấy nỗ lực vượt bậc của tỉnh Thái Nguyên trong việc ưu tiên nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Với huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, từ nguồn vốn trên 233 tỷ đồng của Chương trình MTQG 1719, từ năm 2024 đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng 45 công trình cơ sở hạ tầng; hỗ trợ máy móc, nông cụ sản xuất cho 1.248 hộ nghèo thiếu đất sản xuất; hỗ trợ bồn chứa nước cho 1.154 hộ nghèo; bàn giao 1.121 con bò giống thuộc dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng; tổ chức 3 lớp xóa mù chữ; hỗ trợ trang thiết bị cho 132 nhà văn hóa tại các xã; hỗ trợ hoạt động 23 đội văn nghệ thôn, bản; xây dựng 1 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian của dân tộc Khơ Mú tại xã Nong Lay…
Báo cáo của UBND huyện Thuận Châu cho thấy, nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các dự án của Chương trình MTQG, tính đến hết năm 2024, tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 5,61%; 100% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 99% số học sinh trong độ tuổi học tiểu học, trung học cơ sở được đến trường.
Nông dân ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai trồng dưa hấu để nâng cao thu nhập (Ảnh minh họa).Tạo động lực cho vùng đồng bào DTTS phát triển bền vững
Nhờ triển khai quyết liệt Chương trình MTQG 1719, gần 4 năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã chủ động thực hiện vượt mức đối ứng nhằm bảo đảm tiến độ và hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình. Bốn năm qua, ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Thái Nguyên, đã có hằng trăm công trình hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi ở các địa phương trong tỉnh. Các dự án cấp nước sinh hoạt, xây dựng đường giao thông, kênh mương thủy lợi, trường học, trạm y tế... góp phần nâng cao điều kiện sống và phát triển sản xuất cho người dân miền núi, vùng cao.
Tỉnh Thái Nguyên đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025, thu nhập bình quân của đồng bào DTTS tăng gấp đôi so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm; giảm 50% số xã, xóm đặc biệt khó khăn; 96% người dân miền núi, vùng cao được sử dụng nước hợp vệ sinh; hoàn thiện hệ thống trường nội trú, bán trú; duy trì tỷ lệ 8% học sinh DTTS học tại trường phổ thông dân tộc nội trú...
Còn với tỉnh Lào Cai, nhờ các giải pháp quyết liệt, linh hoạt trong thực hiện Chương trình MTQG 1719, đến nay, Lào Cai đã hỗ trợ 245 hộ người DTTS thuộc diện hộ nghèo làm nhà ở, 277 hộ chuyển đổi nghề; đầu tư được 27 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và 8.166 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; đầu tư 02 dự án sắp xếp dân cư tập trung, sắp xếp được 152 hộ dân cư xen ghép; đầu tư 416 công trình cơ sở hạ tầng, gồm 173 công trình đường giao thông nông thôn, 39 công trình trường học, 13 công trình cấp nước sinh hoạt, cấp nước cho gần 1.500 hộ dân, 3 công trình thủy lợi… Cùng với đó, các dự án hỗ trợ sản xuất từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719 đã góp phần giúp đồng bào DTTS phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp có hiệu quả rất cao.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh mới đây, theo báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện nguồn vốn các chương trình MTQG, lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Lào Cai cho biết: Tổng vốn kế hoạch ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình MTQG trong năm 2025 là 2.073.422 triệu đồng. Đến ngày 14/5/2025, tỉnh đã giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương là 208.161 triệu đồng, đạt 10% Kế hoạch giao (Trong đó, nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 đạt 9,4% Kế hoạch). Trong năm 2025, tỉnh Lào Cai dự kiến khởi công mới 51 công trình, trong đó đã phê duyệt đầu tư 33 công trình. Đến nay UBND tỉnh đã phân bổ 100% số vốn đến các cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện theo đúng quy định; UBND cấp huyện đã phân bổ chi tiết đạt 86% kế hoạch vốn giao. Đã giải ngân đạt 15,9% Kế hoạch.
Có thể khẳng định, việc triển khai đồng bộ các Dự án, Tiểu Dự án thành phần của Chương trình MTQG 1719 không chỉ nâng cao chất lượng sống, mà còn góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với quyết tâm cao và sự chỉ đạo sâu sát từ các địa phương, Chương trình MTQG 1719 đã và đang mang lại những đổi thay tích cực, tạo động lực mạnh mẽ cho vùng đồng bào DTTS trên hành trình phát triển bền vững, toàn diện.