Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Vai trò của Người có uy tín - Nhìn từ góc độ nêu gương: Hết lòng vì bản làng (Bài 2)

Thúy Hồng - 15:03, 03/11/2022

Người có uy tín là lực lượng quần chúng đặc biệt, giữ vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào các DTTS; là nhịp cầu nối giữa Đảng với dân, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ đường biên mốc giới, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống… Để xứng đáng với những nhìn nhận này, Người có uy tín đã khẳng định được vai trò trách nhiệm, đặc biệt là tinh thần nêu gương...

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh tặng quà lưu niệm cho Người có uy tín tỉnh Cao Bằng nhân dịp Người có uy tín về thăm Hà Nội
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh tặng quà lưu niệm cho Người có uy tín tỉnh Cao Bằng nhân dịp Người có uy tín về thăm Hà Nội

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách kịp thời động viên, khuyến khích, phát huy vai trò Người có uy tín. Trong giai đoạn mới, yêu cầu mới, cần quan tâm hơn nữa tới lực lượng quần chúng đặc biệt này; tạo động lực để họ phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong cộng đồng.

Gắn liền với cuộc sống của đồng bào, đội ngũ Người có uy tín luôn có mặt cùng chính quyền tuyên truyền, giải quyết các vấn đề liên quan đến đồng bào, như khi dịch bệnh bùng phát, Người có uy tín không quản ngại khó khăn tích cực tham gia tuyên truyền vận động người dân phòng chống dịch Covid-19; tham gia giải quyết những vụ việc phức tạp phát sinh từ cơ sở, hòa giải mâu thuẫn trong Nhân dân; vận động Nhân dân tích cực phát triển kinh tế, đẩy lùi cái đói, cái nghèo, bài trừ các hủ tục, tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống mới…

Cùng bà con đẩy lùi cái đói, cái nghèo

Trong quá trình hoạt động, Người có uy tín luôn thể hiện vai trò trách nhiệm, đặc biệt là đề cao tính tiên phong gương mẫu để bà con noi theo. Minh chứng như trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nhiều Người có uy tín là tấm gương sáng. Nhiều mô hình làm kinh tế có hiệu quả được nhiều người học tập, làm theo; tích cực vận động, giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế hộ gia đình, tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới.

Điển hình như ở huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, có ông Lăng Văn Vảng, dân tộc Nùng, 62 tuổi, Người có uy tín thôn Pò Cại, xã Tân Mỹ, rất tích cực nêu gương trong chuyển đổi cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và chăm chỉ lao động để thoát nghèo và từng bước trở thành hộ khá giả ở địa phương. 

Ông Vảng kể, nhận thấy quả hồng vành khuyên là một loại quả đặc trưng của địa phương được thị trường ưa chuộng, ông đã tập trung mở rộng diện tích trồng. Đồng thời tích cực tham gia các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật do xã phối hợp tổ chức để áp dụng vào thực tiễn, nhờ đó năng suất và chất lượng quả hồng ngày càng được nâng cao. 

Hiện nay, gia đình ông Vảng có khoảng 3 ha hồng, với hơn 1.000 gốc, mỗi năm cho thu hoạch gần 10 tấn quả. Với giá bán dao động 15.000 - 20.000 đồng/kg, gia đình ông Vảng có thu nhập khoảng 200 triệu đồng/vụ hồng.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh trò chuyện với Người có uy tín huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh trò chuyện với Người có uy tín huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, mà ông Vảng còn chia sẻ kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây hồng đạt năng suất chất lượng cho bà con trong thôn, trong xã học làm theo. Hiện nay, ông đang cùng cấp ủy thôn Pò Cại vận động bà con thành lập HTX để hình thành chuỗi liên kết phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng quả hồng.

Không riêng gì ông Lăng Văn Vảng, theo thông tin của Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) tổng hợp, trong vùng đồng bào DTTS có trên 500 mô hình phát triển kinh tế có thu nhập ổn định từ 50 - 100 triệu đồng/năm… mà chủ sở hữu là của Người có uy tín. 

Bên cạnh đó, ở nhiều vùng đất chúng tôi đến gặp biết bao Người có uy tín là tấm gương sáng, có nhiều đóng góp tích cực trong các phong trào ở địa phương. Như ông Chảo Láo Lở, dân tộc Dao, thôn Sùng Hoáng, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã hiến gần 1.500 m2 đất cho địa phương xây dựng trường học; ông Hứa Văn Lỵ, dân tộc Nùng ở bản Trại Tre, xã Đồng Vương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã hiến 1.000 m2 đất vườn để làm đường giao thông nông thôn; ông Bàn Văn Biền, dân tộc Dao, trưởng thôn Lùng Vài, Xã Phương Độ, Tp. Hà Giang, tỉnh Hà Giang đã vận động gia đình tự nguyện hiến hơn 200 m2 đất để làm đường giao thông liên thôn và chi 40 triệu đồng mua 200 m2 đất để làm Nhà Văn hóa cho thôn Lùng Vài…

Người có uy tín tỉnh Sơn La thăm quan mô hình phát triển kinh tế tại Phú Thọ
Người có uy tín tỉnh Sơn La thăm quan mô hình phát triển kinh tế tại Phú Thọ

Hạt nhân giữ gìn bình yên cho thôn bản

Ông Vì Văn Vầu, dân tộc Xinh Mun, Người có uy tín ở bản Tà Ẻn, xã Xã Phiêng Khoài huyện Yên Châu, Sơn La là một ví dụ. Trước đây, bản Tà Ẻn xã Phiêng Khoài có 108 hộ với 304 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Xinh Mun trình độ dân trí vẫn còn thấp, kinh tế chậm phát triển đời sống của Nhân dân còn nhiều khó khăn, trong bản còn nhiều hủ tục và tệ nạn xã hội. 

Với vai trò là Người có uy tín, ông Vì Văn Vầu đã tích cực vận động quần chúng tham gia xây dựng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Cá nhân ông tham gia tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở bản, vận động bà con phòng chống ma túy; đồng thời, ông trực tiếp giải quyết một số vụ việc phức tạp về an ninh trật tự ở cơ sở. Hiện nay, trong bản không có trường hợp nào mắc tệ nạn về ma túy, hàng năm đều được công nhận bản đạt tiêu chuẩn 4 không về ma túy.

Còn đối với bà con ở thôn Nà Tồng, xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn luôn coi ông Lê Văn Thân như người ruột thịt, bất kể việc lớn việc nhỏ, kể cả lúc nửa đêm đều gọi ông đến giải quyết. Người dân ở thôn Nà Tồng vẫn nhớ vào năm 2018, vợ chồng anh H.V.K mâu thuẫn, đánh nhau lúc 12 giờ đêm, bị thương đưa đi viện cấp cứu. Vì không chịu được cảnh này, hai bên nội ngoại chấp thuận cho vợ chồng anh H.V.K ly hôn. Nhưng sau khi nghe ông Thân phân tích, khuyên bảo, vợ chồng anh H.V.K đã hiểu ra vấn đề, quay lại chung sống hòa thuận, cùng nhau làm lụng, nuôi dạy con cái.

Trước đây, thôn Nà Tồng ở giáp biên, bà con trong thôn là người DTTS, trình độ, nhận thức còn hạn chế, dễ bị kẻ xấu lợi dụng nhằm xuyên tạc, chia rẽ khối Đại đoàn kết dân tộc. Sợ bà con trong thôn bị kẻ xấu lợi dụng, ông Thân thường xuyên cùng lực lượng Biên phòng và cán bộ thôn, xã đến từng nhà dân trong thôn bản để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông đã tham gia vận động được 43 hộ đăng ký tự quản 7 km đường biên, cột mốc. Bản thân ông và gia đình nêu gương đăng ký tự quản đoạn đường biên giới dài gần 1 km.

Bà Hoàng Thị Mừng, người dân trong thôn Nà Tồng nhận xét: Ông Thân rất nhiệt tình, hết lòng vì bản làng và bà con. Bất kể lúc nào, kể cả nửa đêm, ở đâu nhà ai có việc là có mặt ông. Vì vậy, bà con trong thôn rất tín nhiệm và thường lắng nghe những ý kiến của ông để làm theo. Bà còn cho biết năm 2018, ông Thân được vinh danh là 1 trong 5 Người có uy tín tiêu biểu của tỉnh tham dự chương trình “Điểm tựa bản làng” được tổ chức tại Hà Nội

Không chỉ là hạt nhân giữ bình yên cho bản làng, đi đầu phát triển kinh tế - xã hội, những Người có uy tín đang giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, "tiếp lửa", trao truyền niềm tự hào và đam mê văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.

Tin cùng chuyên mục
Tham vấn tác động của Dự án kênh đào Phù Nam - Techo đến Đồng bằng sông Cửu Long

Tham vấn tác động của Dự án kênh đào Phù Nam - Techo đến Đồng bằng sông Cửu Long

Theo các chuyên gia, nhà khoa học, việc triển khai Dự án kênh đào Phù Nam - Techo của Campuchia sẽ tác động đến môi trường và hệ thống nước sông Mê Kông, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Vì vậy, việc tham vấn, đánh giá độc lập về dự án được quan đặc tâm đặc biệt, từ đó chuyển tải các ý kiến đến Ủy hội sông Mê Kông quốc tế và phía Campuchia.