Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Khu định cư 61 “thay áo mới”

P.V - 10:30, 09/07/2021

Được Trung ương và các cấp địa phương quan tâm hỗ trợ đầu tư, đến nay hệ thống hạ tầng khu định cư 61 ấp Thạch Màng khang trang, đầy đủ. Người dân cũng nhận thức tốt việc thay đổi phương thức canh tác phát triển sản xuất và xây dựng nếp sống mới.

Hiện vườn cao su của gia đình chị Thị He đã đem lại nguồn thu ổn định 5 - 7 triệu đồng/tháng
Hiện vườn cao su của gia đình chị Thị He đã đem lại nguồn thu ổn định 5 - 7 triệu đồng/tháng

Những hộ đồng bào DTTS ở khu định canh, định cư thuộc tổ 5 hay còn gọi là khu 61 thuộc ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú (Bình Phước) từng chịu cuộc sống “3 không”: Không đất sản xuất, không nhà cửa, không việc làm ổn định. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng chính sách định canh, định cư dành cho đồng bào DTTS, đến nay đời sống người dân nơi đây từng bước vươn lên ổn định…

An cư, lạc nghiệp

Cách đây 9 năm, gia đình chị Thị He là 1 trong 61 hộ được hưởng chính sách định canh, định cư của Đảng, Nhà nước về đây sinh sống. Sau 1 năm, Nhà nước làm đường, xây dựng nhà rồi kéo điện sinh hoạt đến từng hộ.

Khi có nhà xây, được cấp 9 sào đất sản xuất và hỗ trợ cây giống, gia đình chị Thị He đầu tư trồng cao su. Sau nhiều năm chịu khó chăm sóc, vườn cao su hiện đã cho thu hoạch 2 năm nay, đem về nguồn thu 5 - 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, gia đình còn có khoản thu nhập từ việc chồng chị đi cạo mủ cao su thuê trong vùng. Cuộc sống gia đình chị He cũng như nhiều hộ dân nơi đây đang dần khấm khá và từng bước vươn lên. “Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, nay gia đình tôi cũng như người dân nơi đây đã có cuộc sống ấm no, con cái được đến trường. Tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ chúng tôi”, chị He nói.

Năm 2012, gia đình chị Thị Bé được Nhà nước cấp đất sản xuất cùng căn nhà 40m2 nên đã về khu định canh, định cư 61 sinh sống. Khi đó, vợ chồng chị chỉ có vỏn vẹn 4 triệu đồng trong tay. Ngoài đầu tư trồng điều trên diện tích hơn 7 sào, hằng ngày vợ chồng chị đi làm thuê kiếm sống, tích cóp dần rồi mở tiệm tạp hóa nhỏ. Đời sống bà con ngày một nâng cao, tạp hóa gia đình chị cũng dần mở rộng và phát triển. Giờ đây, tài sản gia đình chị đã lên đến hàng tỷ đồng, tích cóp tiền mua thêm đất…

“Hồi đó, vợ chồng tôi vất vả lắm, làm ngày, làm đêm không đủ xoay xở cuộc sống. Từ ngày về đây sinh sống, cơm áo, gạo tiền không phải lo nữa. Tôi cảm ơn Nhà nước, chính quyền quan tâm cấp miếng đất và cất nhà để vợ chồng tôi an cư lạc nghiệp”, chị Thị Bé xúc động nói.

Ông Nguyễn Thạnh Quế, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ấp Thạch Màng chia sẻ: “Sau gần 10 năm định cư và phát triển, diện mạo khu 61 đã và đang “thay da đổi thịt”, khoác lên mình diện mạo mới, nhiều hộ đã vượt khó vươn lên làm giàu. Khu định cư 61 hộ này, ngay từ ngày đầu thành lập được huyện, các cấp chính quyền quan tâm rất nhiều. Bên cạnh đó, bà con nơi đây cũng rất ý thức chịu khó làm ăn. Chúng tôi có thể khẳng định rằng đến thời điểm này, khu 61 hộ đã từng bước thay đổi. Đời sống bà con được nâng lên rất nhiều so với trước đây.

Chính sách hợp lòng dân

Khu định canh, định cư 61, ấp Thạch Màng được huyện Đồng Phú xây dựng từ năm 2012 với tổng diện tích 54,7 ha, gồm đất ở và đất sản xuất. Việc bố trí định canh, định cư được thực hiện theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ di dân định canh, định cư cho đồng bào DTTS. Từ năm 2014, huyện Đồng Phú đã đầu tư xây dựng 11km đường giao thông với kinh phí 4,4 tỷ đồng và 6,3km đường nhựa vào khu định canh, định cư trị giá 11 tỷ đồng; đầu tư hơn 600 triệu đồng xây dựng hệ thống nước sạch và nhà sinh hoạt cộng đồng...

Một góc làng định canh, định cư 61 ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú (Bình Phước)
Một góc làng định canh, định cư 61 ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú (Bình Phước)

Bên cạnh chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, thời gian qua Đồng Phú còn chú trọng công tác tập huấn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; đào tạo nghề, giới thiệu việc làm… Nhờ đó, người dân khi đến khu định canh, định cư đã từng bước thích nghi với đời sống mới, cách làm và cách nghĩ mới. Sau gần 10 năm đầu tư và phát triển, đến nay cuộc sống của người dân đã có nhiều khởi sắc. Ngoài hạ tầng giao thông, điện, nước đầy đủ, nhà cửa người dân nơi đây cũng trở nên khang trang với đầy đủ tiện nghi như quạt, tivi, tủ lạnh... Nhiều hộ ngoài làm rẫy còn chăn nuôi, mở tiệm tạp hóa, sửa chữa xe đạp, xe gắn máy, nhiều hộ đã có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Lợi Mai Xuân Long chia sẻ: “Được Trung ương và các cấp địa phương quan tâm hỗ trợ đầu tư, đến nay hệ thống hạ tầng khu định cư 61 ấp Thạch Màng khang trang, đầy đủ. Người dân cũng đã nhận thức tốt việc thay đổi phương thức canh tác phát triển sản xuất và xây dựng nếp sống mới”.

Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã Tân Lợi, từ những đổi thay đó, cấp ủy đảng và chính quyền xã đã quyết định chọn ấp Thạch Màng thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2021. Hiện các tổ tư vấn về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, cơ sở hạ tầng đã được thành lập để cùng với người dân chung tay thực hiện.

Việc bố trí định canh, định cư cho những hộ đồng bào DTTS nghèo không nhà ở, không đất sản xuất, không việc làm dần đi vào ổn định cuộc sống là một chính sách hợp lòng dân. Không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà còn thể hiện tinh thần đùm bọc, tương thân tương ái của dân tộc ta./.