Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Vai trò của Người có uy tín tỉnh Lâm Đồng ngày càng được khẳng định

Minh Thu - 08:36, 31/08/2024

Giai đoạn 2023 - 2027, toàn tỉnh Lâm Đồng có 451 Người có uy tín trong đồng bào DTTS được UBND tỉnh ra quyết định công nhận. Phát huy vai trò, vị thế của mình, đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều cống hiến cho quê hương bằng nhiều việc làm cụ thể.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tôn vinh các cá nhân có thành tích xuất sắc trên mọi lĩnh vực trong Lễ tôn vinh “Gương sáng đời thường” tỉnh Lâm Đồng lần thứ II. (Ảnh: Nguyễn Dũng).
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tôn vinh các cá nhân có thành tích xuất sắc trên mọi lĩnh vực trong Lễ tôn vinh “Gương sáng đời thường” tỉnh Lâm Đồng lần thứ II. (Ảnh: Nguyễn Dũng)

“Mong muốn bà con có cuộc sống tốt hơn”

Đó là quan điểm sống và cống hiến của ông Ma Reng, Người có uy tín xã Ka Đô, huyện Đơn Dương. Từ nhiều năm qua, ông Ma Reng luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào ở địa phương. Là Trưởng thôn, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn, Người có uy tín Ma Reng luôn được người dân Ka Đô tin yêu, quý trọng.

Với cầu nối là những Người có uy tín, bà con vùng đồng bào DTTS ngày càng đoàn kết và hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Những Người có uy tín có nhiều đóng góp quan trọng trong việc ổn định tình hình an ninh, chính trị, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở vùng đồng bào DTTS.

Ông Dơ Woang Ya GươngPhó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng

Bằng uy tín của mình, ông Ma Reng đã nhiều lần tham gia hòa giải những tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ trong một bộ phận Nhân dân ở địa phương, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, bình yên cho thôn, xóm. Cùng với đó, ông Ma Reng còn nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, tích cực vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập. “Tất cả đều vì mong muốn bà con có cuộc sống tốt hơn”, ông Ma Reng chia sẻ.

Ở xã Đạ M’rông, huyện Đam Rông, 14 năm là Người có uy tín, ông Đa Cát Hà Dương đã thể hiện là tấm gương đi đầu trong phát triển kinh tế và giúp bà con thôn Liêng K’Rắk II vươn lên thoát nghèo. Là người đầu tiên của thôn được UBND huyện Đam Rông hỗ trợ tằm giống nuôi thử nghiệm, sau khi thành công với lứa tằm đầu tiên, ông Hà Dương đã truyền đạt lại cho con cháu và hướng dẫn bà con trong thôn kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm; cung cấp cây dâu giống để bà con cùng trồng.

Vườn dâu của gia đình ông Đa Cát Hà Dương để dành làm giống cho người dân trong thôn.
Vườn dâu của gia đình ông Đa Cát Hà Dương để dành làm giống cho người dân trong thôn

“Đến nay, thôn Liêng K’Rắk II có hơn 80% hộ dân biết nghề trồng dâu, nuôi tằm, thu nhập từ nuôi tằm cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa và ngô, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, nhà cửa xây dựng khang trang, con cái được học tập đến nơi, đến chốn” - ông Hà Dương phấn khởi thông tin.

Cùng với đó, ông Hà Dương còn hợp đồng với một số doanh nghiệp trồng khoai lang xuất khẩu, giúp bà con có thêm cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống từ nông sản địa phương.

Nỗ lực đóng góp công sức xây dựng quê hương

Ở khắp các thôn, làng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, 451 Người có uy tín trong đồng bào DTTS đang ngày ngày nỗ lực, cùng đồng bào DTTS đóng góp công sức xây dựng quê hương.

Như bà Triệu Thị Sa và ông Đa Cát Tư ở huyện Lâm Hà và huyện Đam Rông là những Người có uy tín tiêu biểu, nỗ lực tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy lùi hủ tục, chung tay xây dựng đời sống văn hóa. Hay như ông Păng Ting Uôk, Người có uy tín ở huyện Lạc Dương; ông Ma K’Lá, ở huyện Đức Trọng; ông K’Brès ở huyện Di Linh; ông K’Quyn ở huyện Bảo Lâm; ông Ka Hiên ở huyện Đạ Huoai đều là những Người có uy tín có nhiều đóng góp tích cực trong công cuộc phát triển vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng.

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 451 người có uy tín (Ảnh: Văn Báu).
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 451 người có uy tín. (Ảnh: Văn Báu)

Theo ông Dơ Woang Ya Gương - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng: Với cầu nối là những Người có uy tín, bà con vùng đồng bào DTTS ngày càng đoàn kết và hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Những Người có uy tín có nhiều đóng góp quan trọng trong việc ổn định tình hình an ninh, chính trị, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở vùng đồng bào DTTS.

Để phát huy vai trò Người uy tín trong đồng bào DTTS, hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng đều phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ già làng, Người có uy tín. Tổ chức các đoàn đưa Người có uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các địa phương; thăm hỏi, tặng quà Người có uy tín vào những dịp Lễ, Tết; thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với Người có uy tín. Từ đó, đã kịp thời động viên, khích lệ Người có uy tín phát huy vai trò, trở thành những tấm gương tiêu biểu để đồng bào DTTS tin tưởng, nghe và làm theo.

Cùng với đó, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, chính quyền các địa phương đặc biệt chú trọng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng từ Người có uy tín - một trong những kênh thông tin quan trọng để có hướng giải quyết phù hợp một số vấn đề trong vùng đồng bào DTTS.

“Điều này thể hiện sự tôn trọng, quan tâm của chính quyền địa phương đến những Người có uy tín. Qua đó, củng cố mối quan hệ, tình cảm, niềm tin giữa Nhà nước, Người có uy tín và người dân”, ông Dơ Woang Ya Gương cho biết.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng đã tham gia hòa giải trên 1.800 cuộc; cảm hóa 648 đối tượng hòa nhập cộng đồng; tham gia tố giác trên 100 tội phạm; vận động tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm 287 cuộc. Người có uy tín đã cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, phản bác tin đồn xấu phục vụ yêu cầu công tác bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương; tham gia đầy đủ cuộc họp, đề xuất nhiều ý kiến hay với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, đặc biệt là công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên.


Tin cùng chuyên mục
Tháo gỡ những vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng DTTS và miền núi phía Nam

Tháo gỡ những vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng DTTS và miền núi phía Nam

Việc triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã cho thấy nhiều kết quả rõ rệt. Thế nhưng, để Dự án có thể thực sự đi vào cuộc sống, vẫn cần các cấp, các ngành vào cuộc, tháo gỡ nhiều vướng mắc ở một số nội dung.