Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Văn hóa Ba Na trên vùng cao Vĩnh Thạnh

PV - 11:55, 02/03/2018

Cũng như các dân tộc anh em chung sống trên dãy Trường Sơn, người Ba Na ở Vĩnh Thạnh (Bình Định) trong quá trình tồn tại và phát triển đã kiến tạo cho mình một bản sắc văn hóa riêng biệt. Ngày nay, cho dù đã có nhiều sự thay đổi, phát triển, nhưng đồng bào Ba Na vẫn luôn có ý thức cao trong việc giữ gìn bản sắc của dân tộc mình.

Từ giữ hồn thổ cẩm

Từ bao đời nay, người Ba Na ở Vĩnh Thạnh vẫn giữ nguyên cách dệt thổ cẩm bằng tay truyền thống. Mỗi người thợ dệt thổ cẩm ở đây chính là một họa sĩ trang trí, cái tinh tế của người dệt và sự sáng tạo hiện lên rõ nét qua từng sản phẩm.

Đường nét cổ kính, họa tiết truyền thống của người Ba Na quyện với những hoa văn tân kỳ, được thăng hoa bằng những màu sắc rực rỡ: xanh mơ, xanh chuối, xanh dạ quang, đỏ, hồng... đã làm cho những bộ váy, những chiếc áo, tấm chăn... ở đây toát lên được cái “hồn thiêng” của người Ba Na.

Phụ nữ làng Hà Ri giữ gìn nghề dệt thổ cẩm. Phụ nữ làng Hà Ri giữ gìn nghề dệt thổ cẩm.

 

Hiện nay, làng Hà Ri, xã Vĩnh Kim là một trong những làng dệt thổ cẩm nổi tiếng nhất còn tồn tại. Các loại trang phục được làm ra của làng nghề này đã được giới thiệu qua các hội chợ trong nước. Đặc biệt trong các mùa lễ hội văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số miền núi cấp huyện, cấp tỉnh trong nhiều năm qua, những trang phục thổ cẩm theo nguyên gốc và trang phục cải tiến đã làm tăng thêm vẻ đẹp và không khí sôi động qua các chương trình Hội thi người đẹp vùng cao, phong tục vùng cao...

baodantoc_tcbaodantoc_det

Hà Ri cũng là một trong 5 làng nghề truyền thống của tỉnh được quy hoạch phát triển làng nghề gắn với du lịch. Theo đó, làng Hà Ri được xây dựng thành làng nghề dệt vải thổ cẩm và sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ thổ cẩm, phục vụ tiêu dùng cho người dân trong vùng, phục vụ du lịch và tiến tới xuất khẩu.

Việc đầu tư xây dựng các làng nghề dệt thổ cẩm cùng với cảnh quan sạch đẹp và những nét văn hóa đặc trưng, làng Hà Ri hoàn toàn có thể trở thành một địa chỉ hấp dẫn với du khách.

Đến tình yêu âm nhạc truyền thống

Đối với người Bana, cồng chiêng là biểu tượng của sự linh thiêng, cao quý và là tài sản có giá trị nhất trong đời sống vật chất. Cồng chiêng có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Ba Na, có mặt trong mọi nghi lễ cộng đồng cũng như của từng gia đình, cá nhân.

Các Nghệ nhân Ba Na huyện Vĩnh Thạnh biểu diễn nhạc cụ truyền thống tại Ngày Hội Văn hóa thể thao các dân tộc tỉnh Bình Định năm 2017. Các Nghệ nhân Ba Na huyện Vĩnh Thạnh biểu diễn nhạc cụ truyền thống tại Ngày Hội Văn hóa thể thao các dân tộc tỉnh Bình Định năm 2017.

 

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Ba Na-Yang Danh: “Cồng chiêng có mặt trong mọi nghi lễ cộng đồng cũng như của từng gia đình, cá nhân. Người Ba Na không đơn thuần coi cồng chiêng là nhạc cụ mà coi đó là phương tiện giúp con người giao tiếp với thần linh!”.

baodantoc_bana3

 

Già làng Đinh Chương ở xã Vĩnh Sơn khẳng định: “Ngày xưa đa số các gia đình Ba Na đều có cồng chiêng, đó là tài sản quý. Cồng chiêng càng cổ và có âm thanh hay càng quý, một bộ cồng chiêng tốt có thể đổi được tới vài chục con trâu”.

Âm vang cồng chiêng luôn gắn bó chặt chẽ với các cuộc vui, với đời sống tâm linh, nghi lễ của họ. Cồng chiêng theo suốt đời người, từ lúc sinh ra tiếng cồng chiêng đã cung cấp cho những đứa trẻ tín hiệu đầu tiên về văn hóa tộc người, rồi theo họ lớn lên, say đắm trong những lúc vui buồn, kể cả những lúc đau khổ nhất, đến khi vĩnh biệt cuộc đời, tiếng cồng chiêng cũng linh thiêng đưa họ về với tổ tiên. “Nghe tiếng chiêng, những người trong làng hiểu rằng, ở phía đó đang có việc gì để đến chia buồn hoặc chung vui”, già làng Đinh Chương chia sẻ thêm..

Không chỉ có cồng chiêng, người Ba Na còn có nhiều nhạc cụ khác như đàn T’rưng, đàn Blơng khơng... Sau bữa cơm chiều, các bok, các bá lại lấy những nhạc cụ truyền thống tự chế để tấu lên những bài dân ca quen thuộc. Khi âm thanh của các nhạc cụ được trỗi lên, các yá các mí lại cất lên những bài dân ca của người Ba Na.

“Nếu như dệt thổ cẩm thể hiện sự tài hoa của dân tộc Ba Na qua bàn tay người thợ dệt thì cồng chiêng cùng với các loại nhạc cụ truyền thống lại thể hiện tâm hồn nghệ sĩ nên trong mỗi người Ba Na đều có một tình yêu lớn dành cho văn hóa truyền thống và luôn ước vọng giữ gìn”, nhà nghiên cứu văn hóa Ba Na-Yang Danh bộc bạch.

PHƯƠNG LÊ

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.