Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Văn hóa của đồng bào Chăm H’roi trước nguy cơ mai một

PV - 13:58, 08/10/2018

Người Chăm H’roi định cư ở các huyện miền núi của 2 tỉnh Phú Yên và Bình Định với dân số trên 30.000 người. Người Chăm H’roi có một di sản văn hóa phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn và không có chữ viết riêng nên nhiều nét văn hóa độc đáo của người Chăm H’roi đang có nguy cơ mai một.

Người Chăm H’roi có một kho tàng văn hóa phong phú, giàu bản sắc. Hàng năm có rất nhiều lễ hội diễn ra như lễ đầu phục, lễ đổ đầu, lễ cầu mưa... Mỗi lễ hội có những ý nghĩa và giá trị riêng nhưng nhìn chung đều tưởng nhớ về tổ tiên, cầu mong cho cuộc sống an lành, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, con người khỏe mạnh, cây trồng vật nuôi được tươi tốt, sinh sôi.

Lễ hội cầu mưa của đồng bào Chăm H’roi ở Vân Canh. Lễ hội cầu mưa của đồng bào Chăm H’roi ở Vân Canh.

Bên cạnh những giá trị văn hoá tinh thần, người Chăm H’roi còn lưu giữ những giá trị vật chất rất đáng quan tâm. Những giá trị kiến trúc về nhà sàn, về nghề thủ công truyền thống (dệt, đan lát) và phương kế sinh nhai (sản xuất, săn bắn..) của đồng bào để thích ứng với môi trường nơi đây, chứa đựng những giá trị văn hóa được tích lũy qua bao đời nay.

Tuy nhiên, ngày nay đa phần thế hệ trẻ Chăm H’roi bị cuốn theo tốc độ của văn minh cơ giới, đang tự rời xa nguồn cội. Trẻ em Chăm H’roi không còn hát đồng dao Chăm nữa cả về thơ, tục ngữ, thành ngữ hay câu đố… ít khi được nhắc đến trong sinh hoạt cuộc sống đời thường.

Nghệ nhân Chăm H’roi Lê Văn Ru, làng Hiệp Hội, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh (Bình Định) chia sẻ: Thời bây giờ đã thay đổi, con cháu không biết hát, cũng không biết múa dù học hát dân ca, múa cồng chiêng không quá khó, nhưng phải được luyện tập thường xuyên.

Cái khó là người Chăm H’roi không có chữ viết nên không thể ghi lại những bài dân ca, bài hát ru... mà chỉ có thể truyền miệng nên dễ bị mai một.

Trước những khó khăn trong việc bảo tồn văn hóa Chăm H’roi, các ngành chức năng và đặc biệt là các nghệ nhân Căm H’roi đã bỏ ra nhiều công sức để sáng tạo ra chữ viết Chăm H’roi, truyền dạy cho thế hệ sau. Một trong những người tâm huyết đó, là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian-ông Ka Sô Liễng ở xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa (Phú Yên). Sau nhiều năm nghiên cứu, tháng 6/2010, bộ chữ Chăm H’roi của ông cơ bản hoàn chỉnh. Ông bắt đầu dạy cho người dân trong xã Ea Chà Rang.

Đầu năm 2011, ông mạnh dạn gửi bộ chữ viết Chăm H’roi do mình sáng tạo đến Viện Ngôn ngữ học Việt Nam để thẩm định, với mong muốn bộ chữ viết này được đưa vào giảng dạy cho con em đồng bào Chăm H’roi trong tỉnh.

Còn tại Bình Định, các ngành chức năng cũng ích cực trong việc dạy tiếng và chữ viết Chăm H’roi cho cán bộ công chức đang công tác tại huyện Vân Canh, nơi tập trung sinh sống của đồng bào Chăm H’roi.

Theo ông Trần Kim Vũ, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, chương trình dạy tiếng Chăm H’roi do Sở Nội vụ Bình Định phối hợp với huyện Vân Canh tổ chức. Do người Chăm H’roi không có chữ viết riêng nên tài liệu giảng dạy được các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian biên soạn bằng chữ la tinh, dựa theo âm điệu tiếng nói của người Chăm H’roi.

“Mục đích của việc dạy tiếng Chăm cho cán bộ công chức của huyện, trước hết là để thuận tiện giao tiếp trong quá trình công tác. Đến nay, đã tổ chức được 3 lớp, với hơn 100 cán bộ viên chức tham gia học. Sau khi bộ chữ viết Chăm H’roi được hoàn chỉnh sẽ mở rộng đối tượng học, đặc biệt là dạy cho con em người chăm H’roi, góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc mình”, ông Vũ chia sẻ thêm.

THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Giải Đua ngựa Shanrila Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) được diễn ra với sự tham gia thi đấu của 64 nài ngựa, đến từ 5 tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Tuyên Quang, Sơn La, Yên Bái. Đây là sự kiện thể thao Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024).