Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Văn hóa Ê Đê qua bộ truyện song ngữ của nhóm học sinh DTTS

Lê Hường - 08:11, 20/08/2024

Nhóm học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Cư M’gar, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk đã sáng tác bộ truyện tranh song ngữ Tiếng Việt - Ê Đê, giới thiệu về phong tục, tập quán, truyền thống yêu nước, văn hóa, con người, ẩm thực… của người Ê Đê. Thông qua bộ truyện, nhóm học sinh muốn truyền thông điệp bảo tồn, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc đến các thế hệ học sinh DTTS.

Em H’Rên và các cô giáo trong trường đọc bộ truyện tranh song ngữ Việt - Ê Đê
Các cô giáo và em H’Rên Niê Kđăm cùng xem lại bộ truyện tranh song ngữ Việt - Ê Đê

Yêu bản sắc văn hóa của dân tộc mình, nên khi nghe các thầy cô hướng dẫn khơi gợi, nhóm học sinh DTTS Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Cư M’gar đã có hành động, việc làm cụ thể để gìn giữ, phát huy văn hoá dân tộc là sáng tác bộ truyện tranh song ngữ Việt - Ê Đê. 

Nhóm tác giả bộ truyện này gồm 15 bạn, mỗi bạn một nhiệm vụ tìm và tổng hợp các tài liệu liên quan về bản sắc văn hóa Ê Đê, tham khảo hội họa, biên tập, chuyển song ngữ… Sau đó, tất cả cùng nghiên cứu để vận dụng cho quá trình sáng tác bộ truyện tranh song ngữ.

Sau hơn 6 tháng miệt mài, dày công nghiên cứu, thể hiện tác phẩm, với sự hỗ trợ của thầy cô giáo trong trường, bộ truyện “Bảo tồn quảng bá bản sắc dân tộc Ê Đê đã hoàn thành. Bộ truyện gồm 6 tập: Cuộc sống của người dân Tây Nguyên với 5 truyện nhỏ; Mùa xuân ơi tới đi (phỏng theo truyện ngắn “Mùa xuân ơi tới đi" của nhà văn Linh Nga Niê Kđăm); Bác Hồ với Tây Nguyên (phỏng theo hồi kí “Trích hồi kí Khát vọng Tây Nguyên” của ông Y Ngông Niê Kđăm); Đi bắt nữ thần mặt trời (dựa theo sử thi Êđê: Bài ca chàng Đam Săn); Những anh hùng dân tộc người Ê Đê; Một số phong tục, tập quán của người Ê Đê.

Em H’Rên Niê Kđăm chia sẻ: Em tham gia thực hiện bộ truyện song ngữ “Bảo tồn quảng bá bản sắc dân tộc Êđê” khi em đang là học sinh lớp 9 năm học 2023 - 2024. Thông qua hình thức sáng tác bộ truyện tranh, chúng em muốn nhắn nhủ đến các bạn học sinh ý thức bảo tồn và quảng bá văn hóa dân tộc Ê Đê nói riêng và bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung. Khi đọc bộ truyện tranh, chúng em hy vọng các bạn sẽ cảm nhận được sự gần gũi, thân thuộc và cảm giác thích thú, từ đó khơi dậy niềm say mê khám phá, quý trọng bản sắc văn hóa của dân tộc Ê Đê cũng như dân tộc của mình. Em và các bạn mong muốn phát triển dự án này về buôn làng nơi mình sinh sống và tiếp tục sáng tác về các DTTS khác.

Bộ truyện thể hiện nội dung tập trung vào những phong tục, tập quán, truyền thống yêu nước, anh hùng, văn hóa, con người, ẩm thực, một số tác phẩm sử thi, trường ca… của người Ê Đê một cách chân thực, gần gũi.

Đồng hành và hướng dẫn chính cho nhóm tác giả, cô Phan Thị Minh Lệ, giáo viên Ngữ văn chia sẻ: Trong quá trình lên ý tưởng và sáng tác tác phẩm, nhóm nhận được sự hỗ trợ, tư vấn, đặc biệt là sự quan tâm, động viên của Ban Giám hiệu Nhà trường; sự hỗ trợ của các cán bộ am hiểu văn hoá và giảng viên dạy tiếng Ê Đê Trường Đại học Tây Nguyên. Để thực hiện được dự án, các học sinh phải nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc về văn hóa dân tộc Ê Đê. Qua bộ truyện, đã giúp các bạn học sinh phát huy được những năng lực, phẩm chất sẵn có của mình.

Nhóm tác giả của bộ truyện tranh song ngữ, không chỉ có học sinh dân tộc Ê Đê mà còn có nhiều thành phần dân tộc khác nhau. Nhóm tác giả đã tổ chức thành các câu lạc bộ theo sở trường riêng: CLB sáng tác, CLB Hội hoạ, biên tập, chuyển song ngữ… Để tạo nên sản phẩm này các em học sinh đã vận dụng kiến thức nhiều môn học như: Ngữ văn, Mĩ thuật, Tin học, ngôn ngữ tiếng Ê Đê Bộ truyện là kết quả của dạy - học Stem.

Cô Vương Thị Hương, Phó hiệu trưởng nhà trường giới thiệu về các tác phẩm song ngữ trong bộ truyện tranh
Cô Vương Thị Hương, Phó Hiệu trưởng Nhà trường (áo xanh) giới thiệu về các tác phẩm song ngữ trong bộ truyện tranh

Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Cư M’gar chủ yếu học sinh DTTS. Ngoài thực hiện nhiệm vụ như các trường THCS khác, giáo dục đặc thù, đi sâu vào bảo tồn phát huy văn hoá dân tộc thiểu số, đó là nhiệm vụ trọng tâm của trường. Dự án “Bảo tồn quảng bá bản sắc dân tộc Ê Đê thông qua bộ truyện tranh song ngữ tiếng Việt - tiếng Ê Đê” đạt giải Nhì cấp tỉnh cuộc thi Khoa học kỹ thuật khởi nghiệp dành cho học sinh trung học được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức tháng 1/2024.

Cô Vương Thị Hương, Phó Hiệu Trưởng Nhà trường cho biết: Hiện Bộ truyện tranh được Nhà trường đưa lên hệ thống số. Mỗi cuốn truyện sẽ có một mã QR, quét mã có chức năng nghe, đọc. Qua đó, truyền tải, lan toả nét đẹp văn hoá Ê Đê, đặc biệt giá trị đạo đức về truyền thống văn hóa dân tộc, về truyền thống đoàn kết, yêu nước, một lòng với Đảng, với Bác Hồ của người Ê Đê nói riêng cũng như các dân tộc khác nói chung.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.