Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tìm giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam

Nguyệt Anh - 17:41, 18/11/2021

Chương trình Tập huấn và Hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững” nhằm đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về di sản văn hóa trong thời gian qua; đề xuất giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay.

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới- (Ảnh TL)
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới - (Ảnh TL)

Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng vừa tổ chức Tập huấn ngành Di sản văn hóa năm 2021 và Hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững”. Tham dự Chương trình có đại diện lãnh đạo ngành Văn hoá của 63 tỉnh/thành phố cùng đại diện các cơ quan đơn vị, trường học liên quan tới lĩnh vực bảo tồn, phát huy các giá trị di sản trên cả nước.

Tiến sĩ Kiến trúc sư Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội thảo
Tiến sĩ Kiến trúc sư Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội thảo

Chương trình Tập huấn và Hội thảo khoa học diễn ra trong 2 ngày (17-18/11), các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung: Tầm nhìn và định hướng bảo vệ, phát huy giá trị di tích, di sản thế giới ở Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững; Kinh nghiệm ứng dụng công nghệ trong giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Kinh nghiệm hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đề nghị ghi danh di sản tư liệu khu vực và thế giới của Việt Nam; Trao đổi những nội dung dự kiến đưa vào Kế hoạch xây dựng Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung (Bảo tàng, di tích, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu); Chuyển đổi số và hoạt động trưng bày, truyền thông, giáo dục di sản văn hóa tại bảo tàng; Báo cáo đánh giá việc thực hiện cập nhật cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa Việt Nam trên các hệ thống quản lý thông tin từ năm 2005 đến năm 2020; Các yêu cầu mới trong công tác quản lý, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh…

Tại Hội thảo khoa học chủ đề “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững”, Tiến sĩ Kiến trúc sư Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu nhấn mạnh: Dịch bệnh Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến kết quả hoạt động của ngành. Tuy nhiên, ngành Di sản văn hóa đã cố gắng, nỗ lực vượt qua nhiều trở ngại để hoàn thiện, tham mưu lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 đề án: Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Chương trình xây dựng bản đồ số, quản lý, liên kết dữ liệu di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Chương trình kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa của các dân tộc Việt Nam, giai đoạn 2021-2030; cho phép mở rộng Danh sách hồ sơ khoa học các di sản văn hóa phi vật thể đệ trình UNESCO trong thời gian tới.

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 8 di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, 13 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 7 di sản tư liệu thế giới, 119 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 215 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; 3.581 di tích quốc gia, 10.755 di tích cấp tỉnh; 396 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hệ thống bảo tàng Việt Nam với 184 bảo tàng (gồm 128 bảo tàng công lập và 56 bảo tàng ngoài công lập) lưu giữ và trưng bày gần 4 triệu tài liệu, hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập đặc biệt quý hiếm.

Tin cùng chuyên mục
Tự hào nguồn cội

Tự hào nguồn cội

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình Di sản tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lắng đọng trong tâm thức mỗi người dân niềm tự hào về nguồn cội con rồng cháu tiên, xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt Nam.