Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Văn hóa Tây Nguyên trong dòng chảy thời gian

PV - 10:45, 14/08/2018

Tôi đặt mình trong dòng tâm thức của những người con Tây Nguyên để được buồn vui cùng nỗi vui buồn của họ. Những giá trị văn hóa cổ truyền đang đứng trước nguy cơ phai nhạt nhưng trong tâm hồn cư dân miền Tây Nguyên vẫn mãi lưu tồn tình yêu tha thiết với làng buôn của mình trong cảm thức níu giữ nền văn hóa ngàn đời của ông cha truyền lại. Một tình yêu đan xen trong niềm tiếc nuối những gì đang dần rời bỏ.

Bài 1: Ngày ấy đâu rồi?

1 Đêm ấy, cái đêm khá lâu rồi, tôi ngủ lại buôn làng người Mạ. Nằm giữa sàn nứa trong ngôi nhà dài của vợ chồng người già K’Noi và Ka Lý, tôi hiu hiu giấc trong âm hưởng đại ngàn. Bên ngoài vách nứa là tiếng gió vờn qua những trảng cỏ tranh, là tiếng thú đi hoang. Giữa khuya tỉnh giấc, tôi mở mắt nhìn về giữa sàn, bếp lửa khơi lên từ đầu hôm vẫn âm ỉ cháy. Bà Ka Lý ngồi đó trầm ngâm. Những tàn lửa tí tách lóe sáng soi lên ánh mắt người đàn bà Mạ, mông lung và thẳm sâu. Cách dăm lát nứa sàn, ông K’Noi tựa vách im lìm. Giữa vòm ngực trần vạm vỡ của ông là chiếc chiêng đồng lên nước bóng loáng. Già K’Noi mân mê chiếc chiêng trong tay. Tôi nằm im không dám trở người, sợ làm hỏng mất khoảnh khắc phiêu du của đôi vợ chồng người già giữa đêm rừng già. Chiếc chiêng đồng, ngọn lửa và sống động những xúc cảm trong tâm tưởng của họ. Bà Ka Lý lặng lẽ ngắm ngọn lửa. Già K’Noi vung nhẹ bàn tay vỗ lên mặt chiêng. Tiếng đồng trong không gian khuya thập thùng dịu tai và dư âm kỳ lạ…

Đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên biểu diễn cồng chiêng và múa xoang trước mái nhà rông. Ảnh Ngọc Ánh Đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên biểu diễn cồng chiêng và múa xoang trước mái nhà rông. Ảnh: Ngọc Ánh

Bao lâu rồi, tôi mãi không quên hình ảnh đầy gợi cảm và bí ẩn trong đêm rừng Lộc Bắc. Đêm ấy có tiếng chiêng dịu dàng quấn quyện cùng ngọn lửa ấm trong ngôi nhà dài. Để rồi, tôi nhớ những ngày chưa xa đó, thỉnh thoảng những đêm rừng Tây Nguyên lại gặp những cư dân sơn cước và bếp lửa âm vang tiếng chiêng. Không gian đại ngàn thưở ấy còn nhuốm màu huyền bí che chở những buôn làng, những dãy nhà dài “dài như tiếng chiêng” và những con người bên ngoài mộc mạc mà huyền ảo trong hồn.

Mới đây quay trở lại, ông K’Noi đã về với rừng Yàng, rừng xưa nay tan hoang, những ngôi nhà dài hầu như biến mất, buôn làng người Mạ giờ là những dãy nhà xây “đồng phục” như phố. Câu chuyện của tôi với bà Ka Lý cùng trở về với hồi ức lửa và chiêng trong xa xăm của miền mơ tưởng. Bà cùng tôi hoài niệm về những câu chuyện đã qua của làng buôn mình, của không gian rừng một thủa ngay chính trên xứ sở quê hương ngàn đời của bà. Chỉ mới mấy năm thôi mà chuyện cũ như đã ứng với câu nói của một triết gia cổ đại: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”.

Chung tâm trạng với bà Ka Lý, già Ha Đời người Cơ-ho ở Lạc Dương (Lâm Đồng), than thở: “Mình sống hơn tám mươi mùa rẫy ở ngay buôn làng mình, chưa đi đâu khỏi buôn mà thấy nhớ cái ngày xưa ở nơi này quá!” Còn già Ywan R’tung, ở buôn Sa Luk của người M’nông bên dòng K’rông Ano (Đăk Lăk) nói với tôi như một tiếng thở dài: “Buôn làng giờ khá giả, nhưng mà buồn lắm! Ít khi được ngồi cùng nhau uống rượu cần rồi hát Ot Ndrong, cùng đánh cái chiêng, thổi cái khèn bầu. Rừng không còn, nhà dài không còn, bếp lửa cũng không còn. Con cháu giờ lo làm ăn, ít nhớ chuyện xưa của ông bà và cũng không thích nghe người già kể chuyện…”

2 Già Ha Đời nói đúng, nhiều người già giờ sống ở buôn làng mà lại nhớ buôn làng, vì làng buôn mỗi ngày mỗi khác, không giống với ngày xưa. Làng ở Tây Nguyên (boom trong tiếng M’nông, buôn trong tiếng Ê-đê, plai trong tiếng Jrai, veil trong tiếng Cơ-tu…) là một đơn vị cơ bản trong xã hội cổ truyền và còn lưu dấu đậm nét cho đến ngày nay. Người ta thường nói, người Tây Nguyên có tính cộng đồng rất cao, thì đó là tính cộng đồng làng, thậm chí “tính làng” còn sâu đậm và cụ thể hơn cả ý thức tộc người. Làng Tây Nguyên từng là một thiết chế xã hội bền vững và quy củ. Làng được điều hành bằng “hội đồng già làng”, là tập hợp những người hiền minh. Hội đồng già làng quản lý và điều hành mọi hoạt động của làng bằng một “hệ thống luật pháp” cổ truyền đặc biệt: “luật tục.” Làng Tây Nguyên là một kết cấu “làng rừng”, một không gian thực hành văn hóa và tín ngưỡng lý tưởng cho các tộc người, nó bao hàm: một cộng đồng cư trú, một cộng đồng sở hữu và lợi ích, một cộng đồng tâm linh, một cộng đồng văn hóa…

Thế mà, những buôn làng người Mạ ở huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) vốn là hình mẫu về bảo tồn văn hóa cổ nhưng chỉ mấy năm quay lại, những ngôi nhà dài truyền thống đẹp như sử thi đã biến mất hẳn; tìm người hát Yalyău cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Mấy cụ ông, cụ bà từng thổi khèn bầu M’bướt cho tôi nghe nay đã về rừng Yàng và mang theo biết bao tri thức tộc người. Tân Châu, xã Anh hùng thời kỳ đổi mới ở huyện Di Linh (Lâm Đồng), một trong những địa chỉ giàu có nhất vùng Tây Nguyên, bởi chuyên canh chè và cà phê. Ở xã có tới 64% đồng bào DTTS, người dân không thiếu thứ gì của xã hội hiện đại, nhưng cái thiếu rõ nhất lại là một không gian văn hóa bản địa mà vùng đất đa sắc tộc này cần phải có như xưa từng có. Xứ Đồng Nai Thượng của người X’tiêng ở tận tít trên đỉnh núi Bờ Xa Lu Xiêng, nơi đầu nguồn Đồng Nai ngày xưa đậm đặc hồn cốt núi rừng, nay thì những người trẻ chỉ còn biết cầm Kinh Thánh mà quên dần tên các vị Yàng trong tín ngưỡng đa thần.

Kết cấu làng tan rã, không gian thực hành văn hóa mai một. Làng không còn như ngày xưa, nơi ngày xưa cha ông truyền đời cho con cháu ký ức lịch sử và văn hóa của chính mình và dân tộc mình. Dòng ký ức ấy giờ đây đang đứng trước nguy cơ đứt gãy. Già Ha Đời, già R’tung, già Ya Loan, già K’Brịt, nghệ nhân múa Ma Bio, hay người làm đàn chapi cuối cùng Chamalé Âu… mà tôi từng gặp đều có chung tâm trạng hoài niệm và tiếc nuối cái “ngày xưa” chưa thật đã xa.

3 Không chỉ người già nhớ hồn cốt buôn làng. Những người trẻ tâm huyết với văn hóa “ông bà” cũng có chung tâm trạng. Tôi đã gặp nhạc sĩ Y phôn K’Sor, nhà nghiên cứu Linh Nga Niê K’Đăm, ca sĩ K’razăn Đich, nghệ nhân K’razăn K’Plin…và lắng nghe tâm tình của họ. Họ, một thế hệ lớn lên trong những nỗi niềm băn khoăn. Họ muốn được “hát giữa mọi người không ngại ngần” như khẳng định về sự tồn tại với thời cuộc hiện đại đang biến động từng ngày. Họ cũng đang tìm cách níu giữ những khoảnh khắc huyền thoại. Họ muốn đổi thay và phát triển nhưng lại chưa biết tìm con đường nào để không đánh mất bản sắc văn hóa của dân tộc mình, không đánh mất những gì mà cha ông ngàn đời nay tích góp, lưu giữ như những di sản vô giá trước vòng quay nghiệt ngã của thời gian.

Những đứa con của đại ngàn yêu biết bao những ngôi nhà dài, những bến nước xưa, những bức tượng nhà mồ đầy ma lực, tiếng chiêng khắc khoải hay những đêm khan huyễn hoặc giữa hai miền mơ thực. Họ khao khát được đắm chìm trong ngôn ngữ tộc người, trong dòng chảy văn hóa xứ sở. Họ đi ra với rộng dài đất nước, tiếp xúc với những nền văn hóa khác. Họ tìm đến cái mới và thích nghi dần với đời sống hiện đại. Nhưng nơi họ trở về với chính tâm thức của mình vẫn là làng buôn, nương rẫy, núi rừng, với thiên nhiên bí ẩn mà gần gũi. Đêm đêm, bên bếp lửa nhà sàn, giữa những người đồng tộc, khi cần rượu trên chiếc chóe cổ ngấm men lúa mẹ nồng nàn vít xuống là lúc tiếng chiêng ngân lên những giai điệu thiết tha. Những người con Tây Nguyên như gửi nỗi lòng về với những cánh rừng, nương rẫy, những con suối xa, những buôn làng gần. Trong đôi mắt màu nâu ánh lên giấc mơ trở về với những mùa suốt lúa thơ mộng ngày xưa. Lúa suốt xong, khi bàn chân đạp lên cuống rạ, lòng bỗng nao nao vì thiên nhiên đã mang hồn lúa đi về phía rừng Yàng…

Những chàng trai, cô gái Ê-đê, Ba-na, M’nông, Mạ, Cơ-ho…uống dòng nước nguồn của những con sông K’rông Nô, K’rông Ana, Serepok, Đa Dâng, Đa Nhim không thể lớn lên, không thể vững vàng khi rời bỏ cội nguồn, xa lạ với không gian văn hóa mà ông cha đã dày công gìn giữ và bồi đắp. Thế nhưng, nỗi lo lắng là có thực. “Sự thực dụng đôi khi đã làm cho văn hóa truyền thống bị biến thể lệch lạc, rồi phai nhạt dần. Biết vậy và buồn, nhưng cuộc sống đổi thay, thật khó cưỡng lại…”, ca sĩ Krazăn K’Dick nói.

* * *

“Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi, cho tôi tìm lại…” Lời hát ấy của một nhạc sĩ người Kinh mà cũng nói thay tâm trạng của những người con trên đại ngàn Tây Nguyên. Không gian huyền thoại đang dần dần trở về với thời dĩ vãng. Sợi dây thắt chặt một cộng đồng văn hóa hình như đang lơi lỏng, tuột dần theo nhịp sống hiện đại. Người già ngậm tẩu ngồi im lìm bên bậc cầu thang mà lòng nao nao buồn nhớ tháng ngày đã xa. Lứa trẻ hoang mang, khó tìm đường theo cánh chim phí bay về cội nguồn. Nghệ nhân đàn chapi Chamalé Âu nói một câu xót xa: “Người trẻ không ai biết làm đàn, chơi đàn chapi. Chắc chỉ ít lâu nữa, người già Raglay theo Yàng, tiếng đàn chapi chỉ còn được nhắc đến trong bài hát của cái ông gì đó nhạc sĩ người Kinh…”.

UÔNG THÁI BIỂU

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.