Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Văn hóa Thái trên đất Tây Nguyên

PV - 16:07, 03/04/2018

Vào Đăk Lăk lập nghiệp từ những năm 50 của thế kỷ trước, nhưng các hộ đồng bào dân tộc Thái đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn giữ gìn và phát huy phong tục, giá trị văn hóa đặc thù của dân tộc mình. Theo đó, họ đã tổ chức phục dựng các loại hình nghệ thuật dân gian trong Lễ hội cổ truyền, trang phục truyền thống, chữ viết…

Đội văn nghệ dân tộc Thái xã Hòa Phú biểu diễn hoạt cảnh cổ Hạn khuống. Đội văn nghệ dân tộc Thái xã Hòa Phú biểu diễn hoạt cảnh cổ Hạn khuống.

 

Cộng đồng người Thái ở xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk chủ yếu từ các tỉnh Sơn La, Lai Châu di cư vào lập nghiệp từ những năm 50 của thế kỷ trước. Hiện tại, toàn xã Hòa Phú có 403 hộ dân tộc Thái, với khoảng 2.000 nhân khẩu sống tập trung ở các thôn 1,4,9 và 10. Đồng bào sống phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp như chăn nuôi và trồng điều, mía, cà phê, lúa nước… Điều đáng trân trọng là đồng bào Thái ở Hòa Phú không chỉ gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn khôi phục được những giá trị văn hóa cổ mà ngay cả ngoài Bắc cũng đang mất dần như Hạn khuống, đàn tính tẩu…

Dù không thể tổ chức tất cả các lễ hội truyền thống như Xíp xí, Lễ hội hái hoa ban, nhưng người Thái ở Hòa Phú đã khôi phục được Hạn khuống và Tết Thái vào rằm tháng Giêng âm lịch. Hơn chục năm trước, người Thái ở xã Hòa Phú tổ chức tết cổ truyền riêng lẻ, thôn nào tổ chức thôn đó. Nhưng nay, đồng bào các thôn góp lại cùng tổ chức chung nên lễ hội Tết Thái ngày càng được bà con trong xã và các vùng lân cận biết đến. Ngày hội Tết Thái là thời điểm để các cô gái Thái khoe trang phục truyền thống, hát những bài hát Thái, điệu múa xòe, nhảy sạp rộn ràng và cùng chơi ném còn.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Thái. Trang phục truyền thống của phụ nữ Thái.

 

Chị Lù Thị Hạnh ở thôn 1 là một người tâm huyết với văn hóa truyền thống dân tộc Thái, chị cũng là người đứng ra khôi phục lại Hạn khuống (tiếng Thái là sàn sân, tức là dựng một cái sàn ở ngoài sân để đêm trăng tròn trai gái trong bản tụ họp hát đối đáp giao duyên là hoạt cảnh cổ) và mang biểu diễn tại các hội thi văn hóa quần chúng. Trong Ngày hội Văn hóa-Thể thao các dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột 2018 vừa qua, tiết mục hoạt cảnh cổ Hạn khuống của đồng bào Thái ở thôn 1 đã giành giải Nhất các cụm.

Chị Hạnh cho biết, nội dung trong hoạt cảnh cổ Hạn khuống là để chơi với trăng, khi trăng tròn, trai gái trong làng dựng Hạn khuống để tìm hiểu nhau, tỏ tình với nhau để cô tiên trên trời nhìn thấy xuống se duyên cho các đôi trai gái. Tuy nhiên, hoạt cảnh này dần đang mai một, ở đây chẳng còn ai nhớ vì yêu thích bản sắc của người Thái nên tôi tìm và lưu giữ để truyền lại cho con cháu, chị em biết đến bản sắc của mình để mai này phát huy.

“Ngày nay, Hạn khuống đang dần mai một, kể cả ngoài Bắc cũng chẳng còn mấy người biết, tôi càng muốn khôi phục và càng khôi phục được nhiều đặc trưng truyền thống càng tốt. Tôi rất vui vì cộng đồng người Thái ở đây vẫn còn duy trì văn hóa truyền thống, nhưng để thế hệ con cháu vẫn lưu giữ và gắn bó với truyền thống của ông bà, tổ tiên thì tôi còn phải nỗ lực nhiều nữa”, chị Hạnh nói.

Ngoài văn hóa phi vật thể, ẩm thực dân tộc Thái với những đặc trưng riêng, cũng đã góp phần phong phú thêm văn hóa ẩm thực của đồng bào DTTS Tây Nguyên. Bà Lò Thị Đôi thôn 1 chia sẻ: Ngày xưa, người Thái di cư vào Tây Nguyên hầu như ai cũng mang theo hạt giống các loại rau, gia vị quê hương Tây Bắc vào trồng để chế biến các món ăn đặc trưng của dân tộc, phụ nữ thì mang theo bộ trang phục truyền thống, khăn piêu đặc trưng của phụ nữ Thái. Vì vậy, những hội, ngày lễ lớn phụ nữ Thái lại cùng nhau chuẩn bị những món ăn truyền thống đãi khách.

Các món ăn của dân tộc Thái tham gia hội thi ẩm thực. Các món ăn của dân tộc Thái tham gia hội thi ẩm thực.

 

Cộng đồng người Thái ở xã Hòa Phú còn gìn giữ ngôn ngữ, chữ viết Thái và mở lớp dạy cho thế hệ trẻ. Ông Tốm Văn Phương, thôn 1 là một trong những người có công lớn trong việc giữ gìn chữ viết, ngôn ngữ của dân tộc Thái ở Đăk Lăk. Ông Phương cho biết: Trong giao tiếp hằng ngày hầu hết người Thái sử dụng ngôn ngữ phổ thông, nhưng khi sinh hoạt trong gia đình, mọi người lại nói bằng tiếng Thái. Trẻ con sinh ra và lớn lên trên quê hương mới vẫn nghe hiểu tiếng Thái, nhưng khả năng diễn đạt rất kém. Các bài hát bằng tiếng Thái lớp trẻ không thuộc, thậm chí không biết.

Với mong muốn bảo tồn văn hóa truyền thống, đầu năm 2016, ông Khương và những người lớn tuổi trong xã thành lập CLB Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Thái. Mỗi tuần 3 buổi, ông Phương và các thành viên trong CLB thay nhau dạy ngôn ngữ, chữ viết dân tộc Thái cho bà con tại nhà văn hóa thôn. Đồng thời, CLB còn có nhiều hoạt động để khôi phục, giữ gìn những nét văn hóa truyền thống như trang phục, nhà ở và các loại hình nghệ thuật khác.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Giải Đua ngựa Shanrila Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) được diễn ra với sự tham gia thi đấu của 64 nài ngựa, đến từ 5 tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Tuyên Quang, Sơn La, Yên Bái. Đây là sự kiện thể thao Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024).