Thông qua việc gia nhập các hiệp định quốc tế, Việt Nam ngày càng cởi mở hơn cả về lĩnh vực kinh tế, xã hội lẫn văn hóa. Thế nhưng, đáng tiếc là mặt trái của kinh tế thị trường, của hội nhập thế giới đã làm cho những thang giá trị có phần bị lệch lạc trong những năm qua. Nhiều biểu hiện xuống cấp của đạo đức, của lối sống hiện ra rõ tới mức đáng báo động. Đồng tiền chi phối rất nhiều lĩnh vực, đôi khi làm lung lay tới từng gia đình Việt Nam. Tình nghĩa vợ chồng, đạo nghĩa cha mẹ và con cái không phải không có lúc chao đảo. Quy luật của vật chất chi phối cả vào chốn tâm linh, vào bệnh viện và trường học.
Câu chuyện chùa Ba Vàng chưa lâu, hay câu chuyện nâng điểm thi những ngày này thực sự là một biểu hiện đau đớn, lung lay niềm tin vào những môi trường mà đáng lẽ phẩm giá và sự trung thực phải được đề cao nhất… Thực trạng văn hóa ở vào thời kỳ hội nhập này đáng tiếc không thể phủ nhận rằng, nó có những biểu hiện của xuống cấp, suy đồi…
Nhiệm vụ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc đã trở nên hết sức cấp bách. Trong đó, phải nhận biết được yêu cầu đặc trưng của văn hóa Việt Nam ở thời kỳ hội nhập là gì? Có lẽ dù hội nhập thế nào, dù thế giới phẳng đến đâu thì có những giá trị vẫn không thể nào khác được.
Thời kỳ hội nhập phải là thời kỳ mà văn hóa trở thành nguồn lực phát triển với tinh thần cộng đồng. Nghĩa là nhờ vào văn hóa mà tạo dựng kỷ cương xã hội, chứ không phải là một xã hội bị quy luật của thị trường chi phối chỉ biết có tiền và lợi nhuận.
Khác với những năm đầu của thời kỳ đổi mới, sang đến thời kỳ hội nhập này cũng không phải chỉ dừng lại ở một nền văn hóa Việt Nam “đậm đà bản sắc dân tộc”. Văn hóa của thời kỳ hội nhập là một nền văn hóa bản lĩnh Việt Nam nhân văn, nhân đạo, nhân nghĩa, nhân ái. Một nền văn hóa trí tuệ để tạo ra những con người mới vừa đủ bản lĩnh và phẩm chất để hội nhập vừa biết trân trọng và gìn giữ những giá trị dân tộc.
THIÊN ĐỨC