Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Văn Quan (Lạng Sơn): Dự án 6 góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hoá các dân tộc

Huy Anh - 08:58, 02/11/2024

Thời gian qua, thực hiện Dự án 6 - Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) đã tiếp thêm nguồn lực để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Việc đầu tư, hỗ trợ được thực hiện qua các dự án về xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức các lớp dạy hát then - đàn tính, hỗ trợ các hoạt động văn hóa, tạo điều kiện để văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy trong cuộc sống hiện đại.

Thiếu nữ Tày biểu diễn tiết mục hát then - đàn tính tại rừng hồi xã Liên Hội, huyện Văn Quan
Thiếu nữ Tày biểu diễn tiết mục hát then - đàn tính tại rừng hồi xã Liên Hội, huyện Văn Quan

Văn Quan là huyện miền núi, nằm ở phía Tây Nam tỉnh Lạng Sơn. Huyện có 4 thành phần dân tộc chính: Tày, Nùng, Kinh, Hoa. Trong đó, dân tộc Tày, Nùng chiếm 97% dân số toàn huyện.

Với nguồn vốn đầu tư tập trung vào xây dựng cơ sở vật chất; tổ chức các hoạt động văn hóa vùng đồng bào DTTS, Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG 1719, đã mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện.

Bà Hà Thị Thanh Thúy, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Văn Quan cho biết: Nhằm triển khai có hiệu quả Dự án 6 trên địa bàn, thời gian qua, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện dự án, chia làm nhiều giai đoạn; đồng thời, đầu tư có trọng điểm.

Nổi bật, Phòng Văn hóa Thông tin đã tích cực phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức thành lập các Câu lạc bộ (CLB) dân ca, dân vũ tại cộng đồng, vừa để tập hợp những người am hiểu, đam mê thực hành di sản, vừa bảo tồn, phát huy, truyền dạy cho những người trẻ.

Theo đó, từ năm 2021 đến nay, từ nguồn vốn của Dự án 6, huyện Văn Quan đã hỗ trợ 12 CLB văn nghệ hoạt động tại các thôn, tổ dân phố, với kinh phí 279 triệu đồng. Riêng trong năm 2024, huyện đang thực hiện hỗ trợ cho 12 CLB văn nghệ thôn, nghệ nhân ưu tú tổ chức 5 lớp truyền dạy tại các xã, thị trấn và 3 bộ trang thiết bị nhà văn hoá thôn, tổng kinh phí 537 triệu đồng (nguồn vốn giao cho UBND các xã, thị trấn làm chủ đầu tư).

Đồng thời, huyện cũng thực hiện hỗ trợ cho 12 CLB văn nghệ thôn (mỗi CLB 36 triệu đồng) thuộc địa bàn các xã: Liên Hội, Tri Lễ, Hoà Bình, Tú Xuyên, Hữu Lễ, Bình Phúc, Yên Phúc, Khánh Khê, Lương Năng, Điềm He, Tràng Phái, thị trấn Văn Quan. 

Kết quả: Đã hỗ trợ mua sắm trang phục, đạo cụ, trang thiết bị cho 6 CLB văn nghệ tại các xã: Yên Phúc, Bình Phúc, Tri Lễ, Khánh Khê, Tràng Phái, thị trấn Văn Quan. Còn 6 CLB đang thực hiện quy trình mua sắm, hỗ trợ CLB theo quy định. Huyện cũng tích cực hỗ trợ nghệ nhân tổ chức 5 lớp truyền dạy hát then đàn tính (mỗi lớp 8 triệu đồng) tại các xã: An Sơn, Tri Lễ, Tú Xuyên, Liên Hội và thị trấn Văn Quan).

Nhiều CLB bảo tồn dân ca được thành lập, đã tạo nên phong trào hát dân ca sôi sôi nổi trên địa bàn. Điển hình như CLB Sinh hoạt văn hoá dân gian các dân tộc Tày, Nùng xã Điềm He, huyện Văn Quan được thành lập đầu tháng 7/2023, đã thu hút 75 thành viên từ 5 - 75 tuổi. Lúc mới thành lập, hầu như các thành viên đều chưa biết đàn, hát. Bằng sự hỗ trợ, động viên của cấp ủy, chính quyền địa phương và tình yêu với dân ca, đến nay, toàn bộ thành viên CLB đều thành thạo các điệu hát then - đàn tính.

Bà Hoàng Thị Chuyền, 71 tuổi, thành viên CLB cho biết: “Tôi thích hát then từ lâu và cũng tự mày mò học nhưng hát chưa được hay và thành thạo. Từ ngày tham gia CLB, tối đến là tôi thu xếp việc gia đình để đến sinh hoạt cùng chị em. Nhờ đó, đến nay tôi đã biểu diễn thành thục một số bài then và đệm đàn tính chuẩn theo sự hướng dẫn của các nghệ nhân”.

Các nghệ nhân biểu diễn các làn điệu hát then - đàn tính tại Bãi Đá Nhảy- Một trong 4 điểm du lịch của huyện nằm trong tuyến du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn.
Các nghệ nhân biểu diễn các làn điệu hát then - đàn tính tại Bãi Đá Nhảy- một trong 4 điểm du lịch của huyện nằm trong tuyến du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn

Song song với công tác hỗ trợ phong trào hát dân ca và phát triển các CLB dân ca, hát then - đàn tính, huyện cũng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho các thiết chế văn hoá tại địa bàn. Cụ thể, năm 2024, huyện đã hỗ trợ trên 60 triệu đồng mua sắm 3 bộ trang thiết bị nhà văn hoá các thôn: Bản Hẻo, Còn Pù, xã Trấn Ninh và phố Nà Lộc, thị trấn Văn Quan.

Nhờ những giải pháp thiết thực, đến nay huyện văn Quan đã thành lập mới được gần 30 CLB, đội văn nghệ quần chúng tại các xã, thị trấn, thôn, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các làn điệu Then của dân tộc, nâng tổng số CLB trên địa bàn huyện lên hơn 50 CLB, thu hút hàng nghìn hội viên tham gia.

Không chỉ đem lại hiệu quả trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc, việc thực hiện Dự án 6 trên địa bàn huyện gắn với phát triển du lịch còn tạo nên những sản phẩm du lịch mới vô cùng hấp dẫn. Cụ thể, Văn Quan có những di sản văn hoá đậm đà bản sắc với những lễ hội tiêu biểu như: Lễ hội lồng tồng Tu Đồn diễn ra vào ngày mùng 4 tháng Giêng hằng năm; Lễ hội Khòn Khẻ (ngày mùng 7 tháng Giêng); Lễ hội bản Giềng (ngày 13 tháng Giêng) và Hội chợ Ba Xã (ngày 27 tháng 3 âm lịch)… Tạo điều kiện cho các CLB hát then - đàn tính, hát sli, lượn, phong slư được giao lưu, trải nghiệm, trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút du khách dịp đầu xuân.

Công tác bảo tồn di sản văn hoá dân tộc được quan tâm đầu tư, đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo riêng biệt, thu hút du khách khi đến với Văn Quan. Đặc biệt, Văn Quan là huyện có 4 điểm tham quan trong tuyến du lịch Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn gồm (Bãi đá nhảy, Vị thuốc chữa lành, xã Điềm He; Rừng hồi xứ Lạng xã An Sơn; Nhà thờ họ Hà thổ ty, xã Bình Phúc); thời gian qua, huyện đã tích cực triển khai các hoạt động xây dựng và phát triển các địa điểm này. Trong tương lai, đây sẽ là những điểm lý tưởng cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.

Có thể thấy, Dự án 6 đã và đang đóng góp tích cực vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS tại huyện Văn Quan. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao hơn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn văn hóa, tạo điều kiện để văn hóa truyền thống được kế thừa và phát triển bền vững.