Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Văn Quan (Lạng Sơn): Linh hoạt, chủ động, sáng tạo nhằm sớm thoát khỏi huyện nghèo

Tuấn Trình - 18:34, 17/05/2024

Giai đoạn 2021-2025, theo chuẩn nghèo đa chiều, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn vẫn nằm trong danh sách là một trong 74 huyện nghèo của cả nước. Nhằm đưa kinh tế-xã hội huyện tăng trưởng, phát triển, phấn đấu đến năm 2025 huyện Văn Quan thoát khỏi tình trạng huyện nghèo, Đảng bộ, chính quyền Văn Quan đã đề ra nhiều giải pháp, lựa chọn những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong từng lĩnh vực, tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Văn Quan đã tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện đồng bộ các loại quy hoạch, tạo không gian cho phát triển, đồng thời thu hút các nhà đầu tư
Văn Quan đang tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng

Ðầu tư trọng tâm và tầm nhìn quy hoạch

Văn Quan là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm 97%, đây cũng là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh Lạng Sơn. Với mục tiêu đến năm 2030, Văn Quan là huyện phát triển, với mức thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình khá trở lên, với kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hạ tầng đô thị tương đối hoàn chỉnh... Để thực hiện được mục tiêu này, địa phương xác định công tác lập quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng, cần phải được ưu tiên thực hiện. Theo đó, những năm qua, UBND huyện Văn Quan đã tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện đồng bộ về quy hoạch tổng thể, tạo không gian, cơ chế cho phát triển, đồng thời thu hút các nhà đầu tư quan tâm, đầu tư vào các dự án của huyện.

Hiện nay, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện đã được tích hợp vào quy hoạch tỉnh năm 2030, trong đó đã phân định rõ các khu vực phát triển của huyện đi đôi với công tác vận động xúc tiến đầu tư các dự án lớn. Đối với quy hoạch đô thị, huyện đã hoàn thành quy hoạch chung và điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Văn Quan đến năm 2035.

Đối với quy hoạch Nông thôn, đã hoàn thành đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã Điềm He và xã Yên Phúc, huyện Văn Quan. Đến nay, đã có 11/16 xã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng Nông thôn mới được UBND huyện phê duyệt theo thẩm quyền gồm các xã: Khánh Khê, Yên Phúc, Lương Năng, Tràng Phái, Tân Đoàn, Liên Hội, Bình Phúc, An Sơn, Điềm He, Trấn Ninh, Hữu Lễ; có 3/16 xã đang thẩm định, trình phê duyệt (gồm: Tri Lễ, Tú Xuyên, Hòa Bình); 02/16 xã (Đồng Giáp, Tràng Các) đã thực hiện lập đồ án quy chung nhưng không phê duyệt do lộ trình sáp nhập xã trong năm 2024 các xã Khánh Khê, Đồng Giáp và Tràng Các.

Hiện nay, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện Văn Quan đã được tích hợp vào quy hoạch tỉnh Lạng Sơn năm 2030
Hiện nay, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện Văn Quan đã được tích hợp vào quy hoạch tỉnh Lạng Sơn năm 2030

Trên cơ sở quy hoạch, huyện Văn Quan tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng; trong đó tập trung, ưu tiên nguồn vốn để đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục và cơ sở hạ tầng nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025 huyện Văn Quan thoát khỏi tình trạng huyện nghèo.

Theo đó, tổng nguồn vốn đầu tư theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện là 1.069 tỷ đồng (từ các nguồn vốn: Vốn Các Chương trình MTQG, vốn NSĐP tỉnh phân bổ, vốn NSĐP huyện quản lý, vốn hỗ trợ huyện thoát nghèo…). UBND huyện đã phân bổ để thực hiện 56 công trình giao thông, 14 công trình thủy lợi, 28 công trình Giáo dục và Đào tạo, 27 công trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn (trạm y tế, nhà văn hóa, chợ…), 04 công trình hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tạo quỹ đất phát triển và các công trình khác...

Bà Lương Mai Tú, Chủ tịch UBND huyện Văn Qua
Bà Lương Mai Tú, Chủ tịch UBND huyện Văn Quan chia sẻ thông tin với Báo Dân tộc và Phát triển

Những kết quả đáng khích lệ

Bà Lương Mai Tú, Chủ tịch UBND huyện Văn Quan cho biết: Với quyết tâm cao huyện đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành và luôn chủ động, sáng tạo, ứng phó linh hoạt, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, Nghị quyết của tỉnh, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Nghị quyết của HĐND huyện về các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.

Đến nay, Huyện đã thực hiện đạt và vượt 18/18 các chỉ tiêu so với mục tiêu Nghị quyết HĐND huyện đề ra, trong đó có số chỉ tiêu vượt cao như: Thu nhập bình quân đầu người (GRDP) gia tăng đáng kể, từ 33 triệu đồng/người (năm 2020) lên 48 triệu đồng/người (năm 2023 tăng) 45,4%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 16,82% năm 2020 xuống còn 10,64% năm 2023; Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng từ 24.000 triệu đồng (năm 2020) lên trên 30.000 triệu đồng (năm 2023), tăng trên 25%. 

Số xã đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã tăng từ 5/16 xã năm 2020 lên 16/16 xã năm 2023. Số trường học được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, mức độ 2 tăng từ 18 trường năm 2020 lên 25 trường năm 2023.

Huyện cũng đã hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra đưa 01 xã Liên Hội đạt chuẩn NTM; xã Điềm He đạt chuẩn NTM nâng cao; nâng chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới trung bình toàn huyện đạt 12,25 tiêu chí/xã và chỉ tiêu NTM nâng cao đạt 5,5 tiêu chí/xã, có 08 xã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Những kết quả trên, là tiền đề để Văn Quan tiếp tục hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững; nâng cao đời sống người dân và ra khỏi danh sách các huyện nghèo vào năm 2025.

Tin cùng chuyên mục
Triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG ở Gia Lai: Rà soát, phân nhóm các dự án để tháo gỡ vướng mắc (Bài 2)

Triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG ở Gia Lai: Rà soát, phân nhóm các dự án để tháo gỡ vướng mắc (Bài 2)

Mặc dù, từ nguồn lực của các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đã giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Gia Lai có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhiều nội dung, dự án thành phần của các Chương trình còn tồn tại những vướng mắc, bất cập dẫn đến nguồn vốn giải ngân còn thấp. Theo đó, tỉnh Gia Lai cũng đã đánh giá thực trạng, đặt ra mục tiêu cùng với những giải pháp căn cơ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đảm bảo chính sách ban hành kịp thời đi vào cuộc sống.