Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Vang mãi câu hát soọng cô

PV - 11:32, 16/11/2018

Tham gia Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh vùng Đông Bắc lần thứ X vừa qua, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc đã biểu diễn nhiều tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Một trong những tiết mục tạo được điểm nhấn là phần đối đáp làn điệu soọng cô của Câu lạc bộ (CLB) hát soọng cô thôn Trung Mầu, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. CLB là kết quả của sự hồi sinh, bảo tồn các làn điệu dân ca cổ nói chung và làn điệu hát Soọng cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu nói riêng.

Để hiểu hơn về ý nghĩa của những làn điệu soọng cô cũng như hoạt động của CLB, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng bà Trần Thị Năm, Chủ nhiệm CLB hát Soọng cô thôn Trung Mầu. Bà Năm giải thích, soọng cô là làn điệu dân ca truyền thống của người Sán Dìu, phương tiện để truyền tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Sán Dìu trong cuộc sống. Nội dung các bài hát soọng cô giàu tính dân tộc, phản ánh cuộc sống lao động của nhân dân, thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước, tình cảm lứa đôi…

Soọng cô CLB hát Soọng cô thôn Trung Mầu biểu diễn tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh vùng Đông Bắc lần thứ X.

Theo truyền thống, tục hát soọng cô thường diễn ra vào dịp nông nhàn, sau khi thu hoạch vụ mùa vào tháng 11, tháng Chạp âm lịch hoặc trong các dịp lễ hội, Tết đến Xuân về, đám cưới, hát giao duyên, đón bạn bè, anh em… Mỗi cuộc Soọng cô có thể kéo dài 5-7 ngày, có khi tới 15 ngày, từ làng này qua làng khác, cuộc vui không chỉ của một gia đình mà của cả làng, cả xóm. Trình tự cuộc hát thường bắt đầu từ “hát làm quen”, đến “hát chào hỏi”, “hát mời nhau uống nước, ăn trầu”, “hát tâm tình đôi bên nam nữ”, “hát sang canh gà gáy”, “hát chia tay”… Cứ như vậy, cuộc hát đối đáp đến nửa đêm thì ông bà chủ nhà lại dọn cơm ra mời những người tham gia hát cùng ăn. Chủ khách chúc rượu nhau vui vẻ, rồi cuộc vui lại tiếp tục đến sáng…

Với đồng bào dân tộc Sán Dìu, làn điệu soọng cô dường như đã trở thành hơi thở, tiếng nói trong đời sống hàng ngày. Được thành lập từ năm 2013, CLB hát Soọng cô thôn Trung Mầu đang hoạt động rất sôi nổi, hiệu quả. "Mỗi tháng, CLB sinh hoạt hai lần, vào ngày thứ 5 của tuần đầu tháng và tuần cuối tháng, chưa kể những đợt đi hát giao lưu, đi biểu diễn phục vụ các sự kiện lớn của địa phương. Quy định là vậy, nhưng các buổi tối, anh chị em CLB thi thoảng vẫn tập trung hát và truyền dạy cho các cháu nhỏ trong thôn. CLB đã thành lập được hơn 5 năm. Đến nay, số hội viên đã có gần 80 người cả nam và nữ. Tất cả đều là người dân tộc Sán Dìu", bà Trần Thị Năm thông tin.

Ông Trần Duy Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên cho biết: "Cũng như các địa phương khác có đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống trên địa bàn huyện và tỉnh, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, xây dựng, thành lập các CLB hát soọng cô. Đến nay, xã có 3 CLB với gần 200 hội viên tham gia. Các cô, các bác đều tự nguyện tham gia sinh hoạt và đóng góp kinh phí”.

Không chỉ ở xã Trung Mỹ, hiện trên địa bàn tỉnh có 27 CLB hát soọng cô, tập trung tại những địa bàn có đông đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống như: xã Trung Mỹ (huyện Bình Xuyên), xã Ngọc Thanh (TP. Phúc Yên) và phần lớn các xã trên địa bàn huyện Tam Đảo. Các CLB đã tập hợp được những hạt nhân văn nghệ, trong đó có nhiều gương mặt trẻ đầy triển vọng để tiếp thu tinh hoa truyền thống và lưu giữ cho thế hệ mai sau. Ngoài duy trì sinh hoạt thường xuyên, các CLB còn thường xuyên tham gia biểu diễn, giao lưu với các CLB ở trong và ngoài tỉnh để học hỏi, sưu tầm các làn điệu cổ, giới thiệu rộng rãi tới nhân dân trong và ngoài tỉnh về nét văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Dìu tại Vĩnh Phúc…

Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, để bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống hiện Sở đang xây dựng, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến 2030”.

HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục
Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Tạo “sân chơi ” cho người trẻ (Bài 2)

Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Tạo “sân chơi ” cho người trẻ (Bài 2)

Thú chơi đồ cổ không chỉ góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về những truyền thống tốt đẹp, những tinh hoa mà cha ông để lại. Chính vì vậy, việc tạo ra những sân chơi cho các nhà sưu tầm cổ vật và tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động mua bán cổ vật sẽ giúp những người trẻ trở thành "cánh tay nối dài"của ngành di sản văn hóa nước nhà.