Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Vang mãi tiếng chiêng Mường Thàng

PV - 21:55, 30/01/2018

Cao Phong không chỉ nổi tiếng về đặc sản cam, quýt mà còn được biết đến với nghệ thuật văn hóa chiêng của người Mường. Chiêng Mường Thàng – nét văn hóa đặc sắc đang được đồng bào gìn giữ và phát huy.

Nằm cách không xa thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, nhưng bản Mường Thàng, xã Xuân Phong vẫn giữ nguyên được nét văn hóa đặc sắc của người Mường. Đối với người dân bản ở đây chiêng luôn gắn liền với cuộc sống bao đời nay.

Bà Bùi Thị Thin, xóm Rú 5, xã Xuân Phong năm nay đã qua tuổi 75, nhưng bước chân bà Thin vẫn nhanh nhẹn. Trong trang phục truyền thống dân tộc Mường với chiếc khăn trắng và bộ xà tích bạc. Bà bảo, mình là người Mường phải giữ lấy văn hoá của dân tộc.

Bà Bùi Thị Thin đang hướng dẫn cách đánh chiêng Mường. Bà Bùi Thị Thin đang hướng dẫn cách đánh chiêng Mường.

 

Ham mê tiếng chiêng từ thuở ấu thơ, nhiều lần đi theo các bà, các mẹ tập, 12 tuổi, bà Thin đã có thể tấu chiêng các bài đi đường, chúc phúc… Khi đã thành thạo, Bà lại cầm tay truyền dạy từ cách xách chiêng đến tiết tấu các bài, trước hết cho con cháu trong nhà rồi đến các cháu trong làng. Giờ đã có mấy đứa chắt nhưng mỗi khi nghe tiếng chiêng hội bà vẫn thấy rạo rực, phấn chấn, bước chân như nhanh hơn, khỏe hơn.

Nói rồi bà Thin cầm chìa khóa mở tủ lấy ra 3 chiếc chiêng cổ. Bà kể rằng: Đời ông của bà đã thấy những chiếc chiêng này. Hồi xưa, bữa ăn có lúc không cơm, con trâu là đầu cơ nghiệp nhưng vẫn đem đổi để lấy đủ bộ chiêng 12 chiếc đúc bằng đồng thau. Riêng chiếc chiêng cái phải đổi hẳn một con trâu đực đầu đàn, chiêng con cũng phải 1 con bò. Mấy năm nay, con cháu dựng vợ gả chồng ra ở riêng không có chiêng, bà đã chia để chúng học đánh, để giữ lấy văn hóa truyền thống. Bà vui vì nhiều cháu cũng biết đánh chiêng hay.

Cô gái Mường Bùi Thị Thiệp ở xóm Rú 6 cũng mê chiêng. Thuở còn chăn trâu, Thiệp cũng theo các bà đi tập chiêng, 17 tuổi đã biết đánh chiêng. Giờ Thiệp là cháu dâu của bà Thin và là một trong những hạt nhân của đội chiêng 24 người xóm Rú 5. Được chọn tham gia lễ hội chiêng Mường tỉnh, diễu hành đường phố, biểu diễn trên sân khấu chính Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, chị Thiệp vui và tự hào vì được góp sức nhỏ bé lập nên kỷ lục Guiness cho màn chiêng lớn nhất Việt Nam lần thứ 2, tự hào bản sắc dân tộc.

Ngày xuống đồng, lên nương, tối gặp nhau tập chiêng rồi duyên dáng trong mỗi dịp hội làng, hội tỉnh. Mỗi điệu chiêng tấu lên làm rộn ràng lòng người, khơi dậy niềm tự hào dân tộc để rồi cùng nhắc nhau hãy giữ gìn để tiếng chiêng mãi ngân vang. Bản Mường thiếu tiếng chiêng như mất đi hồn cốt. Đây cũng chính là lý do mà Đảng uỷ xã Xuân Phong phải ra nghị quyết về gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Năm 2009, xã lưu giữ được trên 300 chiếc chiêng, năm nay, số lượng đã tăng lên hơn 400 chiếc. Tất cả 12 xóm đều có đội chiêng và thường xuyên tham gia các lễ hội của xóm, huyện, tỉnh. Những sự kiện quan trọng, các nghệ nhân ở Xuân Phong luôn là nòng cốt. Lễ kỷ niệm 130 năm thành tỉnh, riêng Xuân Phong có 200 tay chiêng.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cao Phong, ông Bùi Đăng Khoa chia sẻ: Nếu năm 2007, toàn huyện chỉ có khoảng 300 - 400 chiếc chiêng, đến nay, theo thống kê ban đầu đã có gần 3.000 chiếc tại tất cả 13 xã, thị trấn. Tại Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, huyện Cao Phong có 800/1.600 nghệ nhân tham gia. Trong đó, các xã Dũng Phong, Đông Phong, Xuân Phong… là những nòng cốt, nghệ nhân biểu diễn ở các sân khấu chính.

MINH THỨ - CẨM LỆ

Tin cùng chuyên mục
Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Lễ Cấp sắc là nghi lễ thể hiện nhân sinh quan, tín ngưỡng, văn hóa của người Dao. Trong đó, “đặt tên âm và lên đèn” là một trong những nghi thức rất quan trọng, khi đó người thụ lễ được đặt pháp danh (tên âm). Sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao được công nhận là con cháu Bàn Vương, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên.