Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Vật dân tộc khó tìm lại chỗ đứng

PV - 11:29, 05/09/2018

Gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người dân lao động Việt Nam từ xa xưa, các sới vật là nơi không thể thiếu trong các ngày hội của làng. Theo thời gian, trò chơi dân gian này trở thành một môn thể thao yêu thích và được đưa vào thi đấu tại các kỳ Đại hội Thể dục, thể thao. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, môn vật dân tộc lại bị gạch tên khỏi danh sách, điều đó khiến cho vật dân tộc ngày càng mất dần chỗ đứng trong các môn thể thao truyền thống của người Việt hiện nay.

Vật dân tộc Các đô vật đọ sức trên sới vật tại Giải vô địch trẻ và thiếu niên vật dân tộc toàn quốc lần thứ XX (tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 8/2018).

Một nét đẹp văn hóa

Khởi nguồn từ xa xưa, môn thể thao vật dân tộc có sức sống mạnh mẽ, gắn bó với lối sống sinh hoạt, lao động của người dân Việt Nam. Theo đó, vào dịp hội làng, các sới vật thường được tổ chức tại đình làng, hoặc các miếu đền, thu hút hàng trăm người dân đến xem và cổ vũ. Tiếng trống thúc giục rộn ràng hòa lẫn tiếng reo hò, tiếng vỗ tay cổ vũ cho các doanh đô, kèo vật, tạo không khí sôi động, tươi vui trong những ngày hội. Những keo vật dân tộc không chỉ góp phần thắt chặt tình đoàn kết của người dân, hy vọng về một năm mới tốt đẹp, một vụ mùa bội thu mà còn tôn vinh và lưu giữ nét đẹp sinh hoạt truyền thống đặc sắc của dân tộc.

Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch Hội đồng Trọng tài vật dân tộc Việt Nam cho biết: “Vài chục năm trước đây, môn vật dân tộc như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày hội làng, ngày đầu xuân năm mới… của người dân vùng quê Bắc bộ. Những địa phương nổi tiếng về môn vật dân tộc như các tỉnh: Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… thường xuyên tổ chức những sới vật để các doanh đô thi đấu. Có những nơi, mỗi xã thành lập được một sới vật, như huyện Gia Lâm (Hà Nội) có 31 xã thì có 25 sới vật được tổ chức. Điều đó thấy rằng, phong trào thi đấu môn vật dân tộc rất mạnh và sôi nổi”.

Không chỉ là một trò chơi truyền thống, vật dân tộc còn trở thành môn thể thao yêu thích được đưa vào thi đấu. Đã có nhiều giải đấu dành riêng cho môn thể thao vật dân tộc như: Giải vô địch toàn quốc, Giải vô địch trẻ và thiếu niên vật dân tộc toàn quốc, cúp Tạp chí Nông thôn… Điều đó để thấy, môn vật dân tộc không chỉ là một trò chơi, mà hoàn toàn có đủ điều kiện để trở thành một môn thể thao

Chưa được chú trọng  quan tâm

Theo thống kê của Vụ Thể dục Thể thao quần chúng, Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện trên cả nước chỉ còn 15 đội vật dân tộc thuộc các tỉnh, thành, ngành khác nhau. Sở dĩ số lượng đi xuống là do những năm gần đây, môn vật dân tộc không có tên trong các môn thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc và Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc. Việc môn vật dân tộc bị gạch tên khỏi danh sách là do các cơ quan quản lý chỉ chú trọng vào các môn thể thao mang tính quốc tế và có khả năng giành huy chương tại các giải đấu lớn. Điều này khiến môn vật dân tộc không được các tỉnh, ngành chú trọng đầu tư và phát triển.

Chỉ tính riêng ở Giải vô địch trẻ và thiếu niên vật dân tộc toàn quốc cũng đang dần “xuống dốc” cả về số lượng lẫn chất lượng. Giải vô địch trẻ và thiếu niên vật dân tộc toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1996, với số lượng lên tới vài chục đoàn tham gia. Nhưng từ năm 2010 khi môn thể thao vật dân tộc không được đưa vào thi đấu ở Đại hội Thể thao toàn quốc thì chỉ còn 8-10 đội tham gia, trong khi đó cũng không đủ các hạng cân.

Theo ông Hùng, môn vật dân tộc không chỉ đi xuống về số lượng, mà chất lượng các doanh đô cũng không được như trước, những kỹ thuật trong thi đấu dần bị biến mất như những miếng gồng, miếng sường... Nguyên nhân lớn là do chính các thầy dạy cũng không hiểu hết về ý nghĩa của từng động tác trong vật dân tộc. Nếu trước đây, mở đầu cuộc đấu là nghi thức xe đài mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của vùng miền, thì nay được hiểu là một hình thức khởi động.

Em Trần Văn Dân, 17 tuổi, ở xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cho biết: “Em bắt đầu tham gia tập luyện môn vật dân tộc để thi đấu cách đây 3 năm. Hiện nay, hội làng quê em vẫn tổ chức thi vật, nhưng chủ yếu đều là những gương mặt quen thuộc chứ không thấy có những gương mặt mới. Nhiều em nhỏ rất thích được tập luyện để thi đấu, nhưng không biết học ở đâu”.

Rõ ràng môn thể thao vật dân tộc đang ngày bị mai một không phải do khán giả quay lưng mà chính là do vật dân tộc không còn được đầu tư, quan tâm để thế hệ trẻ có cơ hội học tập thi đấu.

MINH HỒNG

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.