Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Vẻ đẹp tâm hồn của dân tộc Tày qua tục ngữ, thành ngữ

PV - 15:13, 22/08/2022

Cũng như nhiều dân tộc khác, dân tộc Tày có đời sống văn hóa phong phú với những câu tục ngữ, thành ngữ phản ánh nhận thức và quan niệm của nhân dân về lao động, về các hiện tượng thiên nhiên, về ứng xử, đạo đức… bằng ngôn ngữ hiện thực, súc tích, sinh động, giàu tính hình tượng. Kho tàng đó tiêu biểu cho lời ăn tiếng nói và là tài sản tinh thần chung của dân tộc Tày.

Bản sắc dân tộc Tày được phát huy thông qua trang phục truyền thống
Bản sắc dân tộc Tày được phát huy thông qua trang phục truyền thống

Tục ngữ về lao động sản xuất nảy sinh trong quá trình đấu tranh với thiên nhiên của người dân lao động. Đó là những kinh nghiệm lâu đời và có tính chất tập thể rút ra trong quá trình quan sát các hiện tượng thiên nhiên, quá trình dùng sức người biến cải thiên nhiên, quá trình xây dựng kỹ thuật sản xuất. Những kinh nghiệm này được đúc kết, dần dần được phổ biến rộng rãi và trở thành tri thức về khoa học tự nhiên của người dân lao động.

Lao động nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết, khí hậu. Trong lao động sản xuất, người dân luôn chú ý nhận xét, theo dõi các hiện tượng thời tiết, do vậy tục ngữ nói về các hiện tượng thời tiết thể hiện óc nhận xét tinh tế của người dân: Quằng lếch le noòng, quằng thoòng le lẹng (vòng vầng trăng màu xám sắt là mưa, vòng vầng trăng màu sáng đồng là nắng). Hay quan sát thiên nhiên: Phầy mẩy khiềng le đét, phầy mẩy héc le pjân (khi thấy lửa cháy lẹm phần muội đen bám ở kiềng là trời sẽ nắng, khi thấy lửa cháy lẹm ở trôn chảo là trời mưa); Thoong Phung khước le lẹng, Thoong Cánh khước le noòng (khi thác Thoong Phung gào réo thì trời sẽ khô hạn, khi nghe thác Thoong Cánh gào réo thì sẽ có mưa lũ. Hai thác này đều nằm trên sông Quây Sơn); Mật thay xáy chuyên rằng, noòng thuốm khằn nặm qua (khi thấy kiến chuyển tổ thì trời sắp mưa to).

Trong quá trình sản xuất từ đời nọ sang đời kia, người dân tích lũy được nhiều kinh nghiệm về quy luật diễn biến của thời tiết, tổng hợp được tương đối chính xác tình hình khí hậu trong cả năm. Những kinh nghiệm này có nhiều điểm phù hợp với lý luận khoa học, có tác dụng nhất định trong việc đấu tranh với thiên tai để đảm bảo sản xuất có hiệu quả. Slíp co lả bấu tấng hả co thua (mười cây trồng muộn không bằng năm cây trồng sớm, vì trồng sớm kịp thời vụ năng suất sẽ cao hơn). Hay nói về kinh nghiệm và kỹ thuật trồng trọt: Nặm dú cốc lưu niên bấu tấng nặm thượng thiên lồng áp (nước là cần thiết nhất trong sản xuất, nhưng nước mưa là tốt nhất cho sản xuất); Mác phầy út rù đăng lồng chả (quả dâu da đút lọt lỗ mũi thì gieo mạ). Hoặc câu: Nựa bươn chiêng bấu phảy/Khẩy bươn hả bấu nòn (thịt tháng Giêng không tiết kiệm/Ốm đau trong tháng Năm không nằm), ý nói tháng Giêng là tháng đã thu hoạch xong mùa vụ sản xuất trong năm, thời gian nhàn rỗi hơn và cũng là dịp Tết, các món ăn được chuẩn bị nhiều và tốt hơn; tháng Năm là tháng tập trung sản xuất vụ mùa, thời gian không rảnh rỗi, khi ốm đau phải liệu tính đi làm kẻo chậm mùa vụ. Quai chướng chả/vả chướng nà (khôn chăm mạ/dại chăm lúa).

Tục ngữ, thành ngữ phản ánh một số nét chính điều kiện, phương thức lao động và một số đặc điểm của đời sống, bên cạnh đó còn phản ánh những đặc điểm sinh hoạt xã hội và gia đình, sinh hoạt vật chất và tinh thần của người Tày. Có nhiều câu phản ánh những tập tục sinh hoạt hằng ngày về mọi mặt (ăn, ở, mặc, cưới xin, ma chay, hội hè…): Nà bười đuổi chả/Lục mả đuổi nồm (Lúa tốt vì mạ/Con lớn vì sữa mẹ); Khửn đông thắc phjạ, dương nà thư bai (lên rẫy thì mang dao, đi ruộng thì mang cuốc. Đáng chú ý, có nhiều câu mang lối nói ẩn dụ, có tác dụng truyền cảm và thuyết phục mạnh mẽ để nói lên những tư tưởng thâm trầm, những khái quát rộng rãi: phjạ khồm bấu lau đẳm đảy (dao sắc không gọt được chuôi); hăn mò phằng mạ cụng phằng (thấy bò hứng ngựa cũng hứng), câu này có ý chê bai người thiếu chín chắn, thấy người khác làm mình cũng làm theo bất kể việc đó đúng hay sai và có hợp với mình hay không.

Nếu người trí thức thời xưa thường dùng các lời lẽ của thánh hiền để làm chỗ dựa cho ý kiến của mình thì nhân dân lao động dùng những câu tục ngữ, thành ngữ để khẳng định những điều nhận xét, giải thích hoặc khuyên răn theo thế giới quan và nhân sinh quan của mình: Phạ bấu slống ngần, bân bấu slống cúa (trời đất không cho tiền bạc, của cải); Ngần sèn dú tẩư tôm vô sổ, cần rầư mì công khỏ đảy kin (tiền nong của cải ở dưới đất thì nhiều vô kể, ai chăm chỉ chịu khó làm thì được ăn); Pỏ hẩư nà tẩư rườn, đây hơn pỏ hẩư hóm ngần pẻng (bố mẹ cho đám ruộng tốt hơn việc bố mẹ cho một hòm tiền bạc); Cúa tin mừng nặm bó, cúa pỏ mẻ nặm noòng (của cải mình tự làm ra thì có mãi như nước mỏ thường xuyên chảy ra, của cải của bố mẹ thì như nước lũ ập về rồi cạn hết); Tua cáy tốp pích slam pày dắng khăn (con gà vỗ cánh ba lần mới gáy), ý nói trước khi nói ra phải suy nghĩ kỹ; Hết ngày kin bấu lẹo, khột khẻo kin bấu đo (thật thà ăn không hết, gian giảo ăn đâu no).

Đặc biệt, có những câu mới xuất hiện khẳng định tư tưởng tốt đẹp, trong đó nổi bật lên mối quan hệ (biết ơn) giữa lãnh tụ và quần chúng: Kin mác nhằng chứ cốc chứ co/Nhân dân chứ Bảc Hồ mại mại (ăn quả còn nhớ gốc nhớ cây, nhân dân nhớ Bác Hồ mãi mãi).

Tục ngữ, thành ngữ của dân tộc Tày phản ánh khá đầy đủ những đức tính của nhân dân lao động như cần cù, kiên trì, tinh thần lạc quan, óc thực tế, ý thức cao về cái đẹp của tâm hồn, về danh dự, nết thật thà…, vừa tổng kết những kinh nghiệm sống vừa thể hiện lý tưởng sống, có giá trị giáo dục sâu sắc, bao hàm những phần tinh hoa nhất của tính cách dân tộc, truyền thống dân tộc Tày./.

Tin cùng chuyên mục
“Đắk Lắk đã chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên”

“Đắk Lắk đã chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên”

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), diễn ra tối 22/11. Tham dự Lễ kỷ niệm có Mẹ Việt Nam Anh hùng Thái Thị Tài; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr và lãnh đạo các bộ ngành, các tỉnh bạn, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.