Lễ cầu an, cầu phúc là một sinh hoạt dân gian gắn bó mật thiết với cộng đồng người Tày. Đây là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng đặc sắc, một sinh hoạt văn hóa dân gian không thể thiếu của đồng bào Tày huyện Phú Lương, Thái Nguyên và người Tày vùng cao phía Bắc, mỗi khi Xuân về.
Ngay từ sáng sớm, các thành viên trong gia đình phân công nhau mỗi người một việc để cùng chuẩn bị các vật phẩm dâng lễ. Để làm tốt công tác chuẩn bị thường có thầy phụ lễ hướng dẫn giúp các gia đình. Lễ gồm 3 loại: Lễ tam sinh (gà, lợn quay, vịt...); lễ chay (bánh giày, bánh dợm, bánh ngải), thanh bông hoa quả (hoa, quả chuối).
Thầy cúng bắt đầu thực hiện nghi lễ cầu phúc, cầu an. Trong nghi lễ cầu an, cầu phúc tùy thuộc thầy là dòng Pựt, Then hay Mo… thì nhạc cụ thực hiện và bài cúng cũng theo dòng đó. Cũng có những thầy sẽ thực hiện được cả 3 phần Pựt, then, Mo.
Tại Lễ Cầu an có Nàng hương (chậu slay), chàng Khóa. Trước kia, chậu slay hay còn gọi là Nàng hương, người sẽ giúp lễ thầy, phải luôn là người thùy mỵ, nết na, trong trắng và đặc biệt phải chưa chồng (nhằng slao).
Lễ được tổ chức vào cuối tháng Giêng, đầu tháng 2 Âm lịch hàng năm. Đây là dịp để mọi người tụ họp, giao lưu thể hiện niềm thành kính với thần linh, tổ tiên, biểu đạt ước vọng trong sáng của con người về một cuộc sống hạnh phúc, an bình, no ấm.
Thầy cúng thực hiện nghi lễ tâm linh của phần Mo.
Sau khi nghi lễ kết thúc, thầy cúng sẽ buộc chỉ vào cổ tay cho từng thành viên trong gia đình và những người có mặt với ý niệm sợi chỉ sẽ như một vật thiêng bảo vệ, mang an lành đến cho người được buộc chỉ.
Nghi lễ hoàn tất, thầy cúng tiến hành nghi thức hóa vàng. Lễ cầu phúc, cầu an, cầu lộc của đồng bào Tày cầu chúc cho dân làng và mọi người một năm mới may mắn, làm ăn tấn tới, mạnh khỏe, bình an.