Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Mũ then cổ – Nét đẹp văn hóa dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn

PV - 09:57, 13/05/2022

Then là một loại hình tín ngưỡng mang tính tổng hợp chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Cùng với đàn tính, chùm sóc nhạc, chiếc mũ đội đầu của người thực hành then cổ có nhiều đường nét, hình tượng, tạo thành sản phẩm văn hóa in đậm bản sắc của đồng bào Tày, Nùng Lạng Sơn.

Các nghệ nhân then sử dụng chiếc mũ then trong một nghi lễ lẩu then
Các nghệ nhân then sử dụng chiếc mũ then trong một nghi lễ lẩu then

Theo kết quả kiểm kê của Viện Âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương có di sản then xây dựng hồ sơ trình UNESCO), hiện nay, Lạng Sơn có hơn 7.000 hiện vật liên quan đến di sản then, trong đó có mũ then. Đây là vật dụng quan trọng của những người làm then, được sử dụng trong các lễ lớn hoặc các kỳ lẩu then.

Ông Hoàng Việt Bình, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh cho biết: Trong tổng thể trang phục then, mũ then là một biểu tượng văn hóa khi tìm hiểu, khám phá về nó khiến cho người chiêm ngưỡng phải suy ngẫm. Tất cả những đường nét, hoa văn, màu sắc kết tinh sự khéo léo, tài hoa của đồng bào Tày, Nùng Xứ Lạng.

Mũ then có nhiều tên gọi như: “Mũ Sluông”, “mũ tướng”, “mũ vương mạng”, “mũ đồng cân”… Chiếc mũ then có hình dáng như hai mái nhà úp (tiếng Tày gọi là “ăn đình”) đội lên đầu. Ở Lạng Sơn, mũ then thường có hai kiểu là mũ sáp và mũ thêu. Trong tổng thể trang phục dùng trong nghi lễ then, chiếc mũ đóng vai trò quan trọng, tạo điểm nhấn và thể hiện uy lực của các thầy then khi hành lễ. Theo quan niệm, người thầy khi bắt đầu làm then sẽ được cấp cho chiếc mũ, đàn tính, chùm xóc nhạc để hành nghề và chỉ được sử dụng cho các kỳ lẩu then, đón tướng, các nghi lễ nhỏ không được phép dùng.

Một chiếc mũ then cổ của thầy then
Một chiếc mũ then cổ của thầy then

Màu sắc chủ đạo của mũ là màu đỏ, theo quan niệm của đồng bào Tày, Nùng, màu đỏ tượng trưng của may mắn, bình an, tượng trưng cho sự linh thiêng của tín ngưỡng. Điểm khác biệt của mũ then Xứ Lạng so với các địa phương khác nằm ở họa tiết hoa văn trên mũ, tùy theo độ khéo tay của người làm và yêu cầu của từng dòng then nhưng phổ biến thường là tứ linh (long, lân, quy, phượng); Phật ngồi thuyết pháp; tiên đánh đàn; quân binh phi ngựa… Mặt sau của mũ then có gắn nhiều tua vải được kết nối từ rất nhiều mảnh ghép sặc sỡ với đủ ngũ sắc: Xanh, đỏ, tím, vàng, trắng.

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Hương, thôn Ích Hữu, xã An Sơn, huyện Văn Quan cho biết: Những dải tua dài gắn sau mũ là dấu hiệu để phân biệt thứ bậc cao hay thấp của thầy then. Hiện nay, tôi đã được 17 dải, đây cũng là số dây cao nhất của dòng then chúng tôi. Với chúng tôi, chiếc mũ có ý nghĩa quan trọng, là một trong những đồ vật thiêng giúp chúng tôi hành nghề, sau mỗi dịp lễ sử dụng tôi đều bọc vải đỏ cất lên cao.

Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy di sản then, trong đó, bao gồm cả trang phục nói chung và mũ then nói riêng. Cụ thể, năm 2020, sở đã giao Bảo tàng tỉnh tổng kiểm kê trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, trong đó, có trang phục dùng trong các hoạt động tín ngưỡng, hành lễ của thầy then dân tộc Tày, Nùng gồm: Mũ, áo, dây đai… cùng đó, trưng bày các mũ then tại nhà trưng bày để giới thiệu, quảng bá đến khách tham quan.

Song song với đó, sở cũng hướng dẫn UBND các huyện, thành phố đưa mũ then và các trang phục, đồ hành lễ khác liên quan đến tín ngưỡng Then trưng bày, quảng bá tại các sự kiện văn hóa trong và ngoài tỉnh thường niên như: tuần văn hóa, thể thao và du lịch; liên hoan hát then đàn tính toàn quốc; chương trình Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc… Gần đây nhất, tháng 5/2022, trong khuôn khổ Lễ hội Kỳ Hoa, các nghệ nhân then đã trình diễn nhiều tiết mục đặc sắc, phô diễn những chiếc mũ đẹp mắt, đặc sắc.

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa then, trong đó có chiếc mũ then. Cùng với đó, tăng cường nghiên cứu giá trị, tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu về trang phục, đồ nghề hành lễ của đội ngũ thực hành then cổ trên địa bàn tới du khách. Đặc biệt, chúng tôi sẽ đẩy mạnh sưu tầm những chiếc mũ cổ giàu tính nghệ thuật đang lưu hành trong dân gian để lưu giữ, phát huy.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.