Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Về thăm đồng bào dân tộc Brâu ở làng Đăk Mế

PV - 15:17, 04/04/2019

Dân tộc Brâu là một trong 5 dân tộc rất ít người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hiện nay, dân tộc Brâu có khoảng 655 người, sinh sống tại làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Dân tộc Brâu hiện còn lưu giữ những bản sắc văn hóa riêng.

Nhà rông của dân tộc Brâu ở làng Đăk Mế. Nhà rông của dân tộc Brâu ở làng Đăk Mế.

Độc đáo nhà rông

Cách thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi chừng 15km, làng Đăk Mế tọa lạc nơi ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia, chỉ cách cửa khẩu Bờ Y khoảng chục cây số. Làng Đăk Mế ngày nay khang trang, quy củ nằm giữa rừng xanh bạt ngàn. Xung quanh nhà rông của làng là trường học, hàng quán và nhà ở của bà con xây dựng hướng về phía ngôi nhà rông linh thiêng, thể hiện sự quy tụ, đoàn kết sức mạnh cộng đồng.

Đối với đồng bào dân tộc Brâu, nhà rông luôn là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của cả làng nên nhà rông được đặt ở vị trí trung tâm, trên nền đất cao, không gian thoáng đãng. Nhà rông được dựng và trang trí bằng chính công sức, tài nghệ của mọi cư dân trong làng. Nhà rông là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, là bộ mặt, niềm tin và sự kiêu hãnh của cả làng. Trong tâm thức của người Brâu, nhà rông còn là không gian linh thiêng, nơi quy tụ sức mạnh tâm linh. Vì vậy, nhà rông thường diễn ra những nghi thức quan trọng của làng như lễ hội cồng chiêng, lễ trỉa lúa, mừng được mùa, mừng lúa vào kho…

Trưởng thôn Thao Lợi cho biết: Nhà rông của dân tộc Brâu có tên gọi Năm-Rôn. Trước khi dựng nhà, già làng xem xét chọn vị trí trang trọng nhất làng để dựng. Nhà rông của người Brâu có kiến trúc độc đáo gồm “mẹ và hai con”. Ở giữa là nhà rông “mẹ” nơi để các chức sắc làng, già làng sinh hoạt, bàn việc làng, hai bên nhà rông “con” để các hộ trong làng sinh hoạt, dệt thổ cẩm.

Nhà rông cao chừng 17m có 2 tầng mái, gồm 8 cột lớn và 12 cột phụ. Mái nhà rông dựng đứng, cao vút lên trời biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết của cộng đồng dân tộc Brâu. Nhà rông không chỉ là nơi sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí mà còn là nơi đón tiếp khách quý, điều hành việc làng, tập trung lực lượng bảo vệ làng. Tập quán của dân tộc Brâu khi vào làng, nhà mới phải tổ chức cúng thần đất, thần núi, thần nước mong cho chỗ ở êm đẹp, lâu dài và có cuộc sống hạnh phúc, đầm ấm.

Trang phục truyền thống của dân tộc Brâu. Trang phục truyền thống của dân tộc Brâu.

Giữ gìn văn hóa

Nói đến văn hóa người Brâu không thể không nhắc đến trang phục truyền thống. Trang phục truyền thống của dân tộc Brâu rất đơn giản, màu sắc cùng với những họa tiết hoa văn tinh tế. Đồng bào Brâu quan niệm, hoa văn trên trang phục của người đàn ông thể hiện sự mạnh mẽ với hình hàng rào, mũi tên. Còn họa tiết trên trang phục của phụ nữ thường nhẹ nhàng với hình hoa, thực vật, các ký tự chữ cái… Màu sắc trang phục của dân tộc Brâu không cầu kỳ, sặc sỡ.

Một năm, người Brâu có 4 lễ hội chính gồm: lễ hội vào mùa phát rẫy, trỉa lúa, mừng lúa mới và lễ hội Tết. Cũng như nhiều cộng đồng dân tộc ít người khác, dân tộc Brâu cũng bị văn hóa, đời sống hiện đại xâm nhập nhưng những bản sắc văn hóa vốn có của dân tộc Brâu như, phong tục tập quán, lễ hội, trang phục truyền thống, nhạc cụ dân tộc… vẫn được người Brâu giữ gìn.

Nổi bật và độc đáo trong văn hóa truyền thống của người Brâu là: chiêng tha và chiêng gon. Đối với dân tộc Brâu chiêng tha không chỉ là nhạc cụ, mà còn được coi là thần linh, là tổ tiên của dân tộc Brâu. Vì vậy, khi diễn ra những lễ hội quan trọng chiêng tha luôn là vật chính của lễ hội. Bộ chiêng luôn được đặt ở vị trí trang trọng lúc diễn xướng và cất giữ.

Nhận thức được giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc Brâu; vị trí quan trọng của địa phương nằm trong vùng trọng điểm giao lưu văn hóa, kinh tế với 2 nước bạn Lào và Campuchia, huyện Ngọc Hồi đã xây dựng Đề án đầu tư, bảo tồn và phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Brâu. Thông qua Đề án, từng bước triển khai các giải pháp về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc Brâu gắn với du lịch.

Theo ông Thao Lợi, thôn Đăk Mế hiện có 271 hộ, 923 người, trong đó dân tộc Brâu có 160 hộ với 655 người. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những năm gần đây, cuộc sống của đồng bào Brâu ở làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi có nhiều đổi thay tích cực về mọi mặt.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.