Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Về Vĩnh Long đốt đuốc đi xem hát bội

Như Ý-Hồng Diễm - 10:37, 08/07/2022

Đốt đuốc đi xem hát bội ở cù lao An Bình, huyện Long Hồ, là sản phẩm du lịch ấn tượng, đặc sắc được ngành du lịch Vĩnh Long đưa vào khai thác phục vụ du khách từ 2016, nhằm tái hiện đời sống tinh thần của người Nam bộ xưa một cách chân thật, mộc mạc.

Du khách được trải nghiệm cầm đuốc lá dừa xem hát bội ở cù lao An Bình
Du khách được trải nghiệm cầm đuốc lá dừa đi cả cây số trong đêm đến đình thần ở cù lao An Bình xem hát bội

Hát bội là loại hình nghệ thuật sân khấu, thường được biểu diễn ở các võ ca đình thần vào dịp Lễ hội Kỳ yên ở các tỉnh Tây Nam bộ. Với đặc trưng là tính ước lệ để chuyển tải các tuồng tích. Người dân Nam bộ đã dựa vào những tích xưa để lồng vào đó các câu chuyện mang tính nhân văn, đạo đức, đề cao các giá trị làm người như: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Đặc biệt là giáo dục lòng yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm, bài trừ những cái xấu. Cùng với đờn ca tài tử, hát bội là món ăn tinh thần được đông đảo người dân Nam bộ các thế hệ yêu thích.

Tuy nhiên, với sự phát triển của các loại hình nghệ thuật hiện đại, loại hình nghệ thuật này đang dần vắng bóng trên sân khấu, bởi lẽ thiếu người xem và thiếu cả người diễn. 

Có nhiều ý kiến cho rằng, nên đưa hát bội diễn ở nhà văn hóa để duy trì và phục dựng. Song điều đặc biệt của loại hình này, là không thể rời xa võ ca đình thần và chỉ có thể diễn ở đình thần (Ngôi đình làng thờ Thần Thành hoàng), mới thể hiện hết cái hồn của một loại hình nghệ thuật. Vì thế việc giữ gìn và đưa hát bội vào làm sản phẩm du lịch của Vĩnh Long, vừa bảo tồn văn hóa truyền thống vừa là điểm nhấn níu chân du khách trong và ngoài nước tìm đến Vĩnh Long.

Điểm đặc sắc của sản phẩm du lịch này không chỉ ở chỗ lời ca tiếng hát, mà còn cả một sự cộng hưởng khi du khách được phiêu bồng xuôi dòng Cổ Chiên, những đêm tối ánh trăng soi rọi xuống dòng nước óng ánh, gió thổi hương hoa bưởi, hoa xoài, mùi ổi chín ngoài vườn hòa quyện, tạo nên một không gian yên bình hiếm có.

 Không chỉ có thế, để du khách tận hưởng hết không khí “hồi đó”, du khách còn được trải nghiệm trong tay cầm ngọn đuốc dừa, huơ huơ chút ánh sáng héo hắt để soi đường đi tới đình thần xem hát bội.

Sau khi đến đình thần, du khách hòa mình cùng người dân nơi đây, thắp một nén hương tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân mở cõi về vùng đất phương Nam và cầu mong được sự bình an cho gia đình, cùng trò chuyện với bà con thân thiện nơi đây, cùng giao lưu và trao đổi những câu chuyện kể về tình đất và tình người, trước khi được xem hát bội.

Các vở diễn trong những tuồng hát bội, thường là những câu chuyện kinh điển về một thuở đi mở cõi, các vị anh hùng đấu tranh bảo vệ đất nước, tình yêu xóm làng, tình yêu đất nước,.. được các nghệ nhân ca diễn xuất thần. Từ đôi mắt, gương mặt, điệu bộ hòa cùng tiếng trống chầu dưới mái đình làng, sự chuẩn bị rất cầu kỳ từ trang điểm, trang phục, dàn dựng sân khấu cho đến âm thanh nhạc cụ…tạo ra một không gian xưa, những hoài niệm về những ngày ấu thơ theo chân mẹ chân bà đi xem hát bội ở đình thần.

Nghệ nhân biểu diễn hát bội tại võ ca đình thần
Nghệ nhân biểu diễn hát bội tại võ ca đình thần

“Khi guồng quay của cuộc sống hiện đại đang từng ngày tách ta ra khỏi những nét quê mộc mạc, thì nay khi chạm tay vào bó lá dừa những kí ức của một thuở thiếu thời ùa về, những câu chuyện xưa kể mãi chẳng hết suốt dọc đường đi. Không gian này, khung cảnh này làm mình nhớ ngày xưa quá!” chị Đỗ Thị Kim Dung du khách đến từ Long An chia sẻ cảm xúc.

Không chỉ được xem hát bội, điều vô cùng thích thú với một du khách đó là phần học cách biểu diễn, tìm hiểu các đặc trưng và trải nghiệm với các động tác ngay trên sân khấu. Hát bội là nghệ thuật kết hợp của ca, kịch và các động tác biểu diễn. 

Chị Nguyễn Diễm Trinh du khách đến từ Hậu Giang thích thú: “Mình cũng sinh ra và lớn lên ở miền Tây, nhưng chưa lần nào mình được xem hát bội, cũng như là được trải nghiệm cầm đuốc lá dừa. Mọi thứ đều rất mới mẻ, dọc đường đi mình nghe nhiều cô chú nhắc chuyện ngày xưa, làm mình tò mò muốn tìm hiểu ngày xưa vui như thế nào, đáng nhớ như thế nào mà những thế hệ trước đều muốn một lần quay lại.”

Theo ông Nguyễn Khắc Khoan, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Vĩnh Long: “Đốt đuốc lá dừa đi xem hát bội”, là sản phẩm du lịch mới lạ, tạo ra trong không gian văn hóa đình làng Nam bộ khiến nhiều du khách tò mò thích thú khi trải nghiệm. Đây cũng là dịp để tìm lại giá trị văn hóa giá trị nghệ thuật trong không gian văn hóa đình làng Nam bộ xưa, cũng là cơ hội cho giới trẻ hôm nay ít nhiều biết được những giá trị di sản văn hóa mà ông cha ta đã để lại, nhớ về một thời các bậc tiền nhân đi mở cõi. Đối với những người trẻ là một một sự trải nghiệm quý giá, một kỷ niệm đẹp dưới mái đình làng

Hiện tỉnh đang xây dựng hát bội trở thành điểm nhấn đặc trưng cho du lịch Vĩnh Long. Để quảng bá loại hình văn hóa phi vật thể, nghệ thuật hát bội đến với du khách, trung tâm cũng đang nỗ lực kết nối tour tuyến với các đơn vị lữ hành, để du khách có thể trải nghiệm sản phẩm độc đáo này.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.