Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

“Về với cát bụi” vì mắc bệnh… bụi phổi: Trách nhiệm của doanh nghiệp và cơ quan chức năng (Bài 3)

Việt Thắng - Khánh An - 10:02, 25/07/2023

Công ty TNHH Châu Tiến, Công ty TNHH Châu Hồng hay công ty Than Khe Bố chỉ là phần nổi của tảng băng “bụi phổi”, còn rất nhiều trường hợp chưa được phát hiện. Từ thực tế này, cần làm rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp và vai trò của các cơ quan chức năng liên quan như ngành Lao động Thương binh và Xã hội, tổ chức công đoàn. Đồng thời cần có một đợt tổng kiểm tra, rà soát không chỉ riêng một vài doanh nghiệp có nguy cơ về bệnh này.

Các triệu chứng của bệnh bụi phổi Silic thường mất nhiều năm để phát triển và người bệnh có thể không nhận thấy bất kỳ vấn đề nào. Các triệu chứng cũng có thể tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, ngay cả khi không còn tiếp xúc với bụi silic. Các dấu hiệu đầu tiên của bệnh bụi phổi Silic có thể là ho dai dẳng, thỉnh thoảng kèm theo đờm, khó thở, hụt hơi. 

Khai thác khoáng sản là lĩnh vực nhiều nguy cơ gây bụi phổi cho người lao động
Khai thác khoáng sản là lĩnh vực nhiều nguy cơ gây bụi phổi cho người lao động

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An, trong 5 năm (từ 2018 - 2022), phòng khám bệnh nghề nghiệp của Trung tâm này đã tiến hành khám, phát hiện và giám định được 13 trường hợp người lao động bị bệnh bụi phổi Silic và bụi phổi than nghề nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH). 

Bệnh bụi phổi silic là tình trạng xơ hóa phổi do hít phải bụi có chứa silic. Silic là một tinh thể nhỏ trông giống như pha lê, được tìm thấy trong cát, đá hoặc quặng khoáng sản như thạch anh. Theo thời gian, những tinh thể silic này sẽ tích tụ trong phổi và đường thở của người bệnh. Tình trạng này kéo dài khiến người bệnh bị khó thở, suy hô hấp, ở mức độ nặng có thể tử vong. Đây là căn bệnh tiến triển không hồi phục (không thể chữa khỏi), ngay cả khi người bệnh đã ngừng tiếp xúc với bụi

Nhìn vào con số này cho thấy, tỷ lệ người lao động được hưởng chế độ bệnh bụi phổi này rất thấp so với số lượng người lao động, hiện đang làm việc trong môi trường lao động có nhiều yếu tố tác hại nghề nghiệp, nguy cơ cao như khai thác chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An. 

Nguyên nhân là do không được ký hợp đồng lao động, không được đóng BHXH nên rất nhiều công nhân, đặc biệt là những công nhân làm việc tại các mỏ khoáng sản không được khám sức khỏe định kỳ, không được giám định nghề nghiệp để được hưởng chế độ BHXH cũng như bồi thường của chủ sử dụng lao động. Như anh Cần lẫn anh Tàu và nhiều người khác tại Công ty TNHH Hà An, dù làm việc tại đây suốt nhiều năm, đều không có hợp đồng lao động, không được đóng BHXH. Chính vì thế, sau khi bị bệnh họ đều không được Công ty hỗ trợ gì, hay được hưởng chế độ dù bệnh bụi phổi thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp. Trong quá trình làm việc, họ cũng không được Công ty tổ chức đưa đi khám sức khỏe định kỳ, nên không thể phát hiện bệnh kịp thời.

Còn ông Nguyễn Văn Thọ - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Quỳ Hợp, thì cho rằng, hàng năm, đoàn liên ngành của huyện thường xuyên đi kiểm tra, trong đó có nội dung về an toàn lao động. Tuy nhiên, mỗi năm cũng chỉ kiểm tra được khoảng 10 - 15 doanh nghiệp, trong khi đó, trên địa bàn có đến vài trăm doanh nghiệp. Đặc biệt là, 80 mỏ khai thác khoáng sản và nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến khoáng sản.

“Khi đi kiểm tra thì hầu như chỗ nào cũng vi phạm về an toàn lao động hầu hết do ý thức của công nhân. Dù Công ty đã trang bị bảo hộ nhưng họ không sử dụng. Khi chúng tôi đi kiểm tra, dù công nhân làm việc ở mỏ đá rồi hầm lò, nguy cơ đá rơi cao nhưng hầu hết đều không đội mũ bảo hiểm”, ông Thọ nói và cho hay, ngoài ra, còn có nhiều doanh nghiệp theo quy định phải đưa công nhân đi khám sức khỏe hàng năm, nhưng không thực hiện.

Không hợp đồng lao động, công nhân quá thiệt thòi

Một tình trạng đáng báo động hiện nay là, rất nhiều doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm cho bộ khung quản lý. Còn hầu hết công nhân không có hợp đồng lao động, hoặc nhiều doanh nghiệp lách luật bằng cách chỉ ký hợp động lao động 29 ngày.  Bởi theo quy định, hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên là phải đóng BHXH. Chính vì thế, khi phát hiện bị bệnh, thì công nhân chính là người thiệt thòi, không được chính sách hỗ trợ dù bụi phổi thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp.

Theo ông Lê Tuấn Anh - Trưởng Khoa Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An), nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa nắm rõ quy định: Mọi cơ sở lao động đều phải định kỳ quan trắc môi trường lao động, lập và định kỳ bổ sung hồ sơ quản lý về vệ sinh lao động, hồ sơ quản lý sức khỏe cho người lao động và bệnh nghề nghiệp. 

Ngoài ra, bản thân người lao động chưa nắm rõ các quyền lợi, chủ quan trong việc sử dụng bảo hộ lao động trong quá trình làm việc. Trong khi, các chi phí khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp, giám sát môi trường lao động… phải tự chi trả nên các doanh nghiệp thường không thực hiện đầy đủ các các hoạt động này.

Trước thực trạng này, ông Tuấn Anh đề xuất, phải tăng cường công tác hướng dẫn thông tin - giáo dục - truyền thông về các cơ sở pháp lý trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người lao động tới người sử dụng lao động và người lao động. Đẩy mạnh công tác hoạt động liên ngành, thanh tra chuyên ngành để hướng dẫn, giám sát các đơn vị triển khai, lập kế hoạch thực hiện tốt công tác khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp, quan trắc môi trường lao động. Đối với những đơn vị không thực hiện phải có chế tài xử lý vi phạm nghiêm khắc, nhằm nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ sức khỏe cho người lao động.

Cảnh bụi bay mù mịt trong giờ làm việc ở Công ty TNHH Châu Tiến
Cảnh bụi bay mù mịt trong giờ làm việc ở Công ty TNHH Châu Tiến

Những biệp pháp để công nhân phòng tránh

Trao đổi với bác sĩ Thái Đình Lâm - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Nghệ An, ông cho biết, các công nhân từng làm việc ở Công ty TNHH Châu Tiến bị bụi phổi đều từng điều trị tại đây. Tuy nhiên, do phát hiện muộn nên rất khó khăn để cứu chữa. 

“Các bệnh nhân đều được chuyển ra Bệnh viện Phổi Trung ương để tiến hành rửa phổi nhưng không hiệu quả. Chỉ có 2 trường hợp còn có thể rửa được, nhưng các hạt bụi bột đá nhỏ mịn bám vào thành phổi không thể sạch sau khi rửa”, ông Lâm nói và khuyến cáo, bệnh bụi phổi nếu phát hiện muộn thì khả năng cứu sống rất nhỏ. 

Do đó, các chủ doanh nghiệp, công đoàn các cấp phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn lao động, điều kiện làm việc cho công nhân, đặc biệt là các ngành nghề có nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp, mắc bệnh bụi phổi. Bên cạnh đó, các công nhân cần tự bảo vệ mình và tuân thủ việc bảo hộ lao động.

“Để phòng tránh bệnh bụi phổi, việc đeo khẩu trang là rất quan trọng; không phải chỉ đeo khẩu trang bình thường mà phải đeo loại khẩu trang phù hợp, đeo đúng cách. Các công nhân làm việc trong môi trường bụi bẩn phải kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/lần để phát hiện bệnh sớm, nhằm điều trị kịp thời”, ông Lâm nói.

Ngày 12/5, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra Công ty TNHH Châu Tiến. Nội dung kiểm tra gồm công tác chấp hành pháp luật về bệnh nghề nghiệp; môi trường lao động; tổ chức quan trắc môi trường lao động; chính sách BHXH, bảo hiểm y tế cho người lao động. Dự kiến đến cuối tháng 7 việc kiểm tra sẽ hoàn thành.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.