Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Vàng đen và những phận đời không đỏ: Hàng loạt công nhân nhiễm bệnh (Bài 1)

Nhóm PVĐT - 11:59, 07/01/2021

Khoảng 12 trường hợp công nhân bị dị ứng với dầu nhũ hóa gây ghẻ, lở; 72 công nhân mắc bệnh bụi phổi..., đối tượng nhiễm bệnh chủ yếu là lao động người DTTS. Nguyên nhân do đâu? Do chất lượng dầu nhũ hóa gây ra; do thiết bị bảo hộ lao động không đạt chuẩn hay vì nguyên nhân chủ quan nào? Dù chưa có câu trả lời, hay kết luận thỏa đáng của các cơ quan chức năng, nhưng đó là thực tế đang diễn ra tại một số công ty than trên địa bàn Quảng Ninh, trong đó nổi lên là ở Công ty Cổ phần Than Mông Dương, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Ông Nguyễn Tiến Sách, Trưởng phòng Tổ chức Lao động và ông Lê Trọng Cường, Chánh Văn phòng Công ty Cổ phần Than Mông Dương (từ trái qua) đã hứa sẽ cung cấp tài liệu và bố trí để phóng viên xuống hầm lò khảo sát thực tế. Nhưng đã gần 2 tháng trôi qua phóng viên vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía ông Cường!
Ông Nguyễn Tiến Sách, Trưởng phòng Tổ chức Lao động và ông Lê Trọng Cường, Chánh Văn phòng Công ty Cổ phần Than Mông Dương (từ trái qua) đã hứa sẽ cung cấp tài liệu và bố trí để phóng viên xuống hầm lò khảo sát thực tế. Nhưng đã gần 2 tháng trôi qua phóng viên vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía ông Cường!

Báo Dân tộc và Phát triển tiếp nhận thông tin bạn đọc, phản ánh việc một số công ty than thuộc TKV, trong đó có Công ty Cổ phần Than Mông Dương, đang sử dụng nhiều lao động là người DTTS. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách cho công nhân chưa đúng theo quy định của Bộ luật Lao động; đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn toàn lao động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm bệnh, gây tai nạn nghề nghiệp.

Để xác minh thông tin, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã đến làm việc và khảo sát tại 10 Công ty than đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Qua các buổi làm việc, phóng viên tiếp nhận rất nhiều thông tin phản ánh từ công nhân. Trong đó, có hiện tượng nhiều công nhân bị bệnh bụi phổi và bệnh da liễu.

Anh V.H.N, sinh năm 1992, là công nhân khai thác của Công ty Cổ phần Than Mông Dương. Trong lúc chia sẻ với phóng viên, anh liên tục gãi chân, tay bởi bị ngứa, lở do dị ứng với dầu nhũ hóa. 

Anh V.H.N cho biết, công nhân khai thác đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số, như dân tộc Dao, Mông, Tày... Bản thân anh N đã làm công nhân tại công ty được gần 8 năm. Làm thợ khai thác, trong môi trường độc hại, quần áo của anh lúc nào cũng ướt đẫm như bị mưa ngoài trời, dẫn đến anh bị lở ngứa nhiều năm nay. Ngày trước bị nhẹ, nhưng dạo này nặng hơn, anh bị ngứa cả hai tay. Đặc biệt là 2 chân, ngứa lở lên tận đùi. Để minh chứng, anh N bỏ tất và vén quần cho chúng tôi xem. Nhìn 2 bàn chân của anh N, chúng tôi thật ái ngại bởi từng mảng da tróc vảy, lở loét! Vậy mà anh nói, lần này anh bị như vậy là nhẹ!...

Anh V.H.N nhìn xuống đôi chân mình và nói, nếu tôi muốn khỏi bệnh chỉ có cách là nghỉ không làm ở mỏ nữa.
Anh V.H.N nhìn xuống đôi chân mình và nói, nếu tôi muốn khỏi bệnh chỉ có cách là nghỉ không làm ở mỏ nữa.

“Chắc da em nhạy cảm và bị dị ứng bởi dầu nhũ hóa. Em không biết loại dầu này tên là gì mà chỉ biết đây là loại dầu của tập đoàn. Loại dầu này đổ vào các cột chống thủy lực. Nhất là những cột chống thủy lực đơn, khi đổ vào và 2 đến 3 ngày sau dầu có mùi thối, khoảng 1 tuần sau thay dầu thì mùi thối khủng khiếp, thối như mùi rác thải", N. chia sẻ.

Ngày 11/11/2020, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Than Mông Dương. Ông Nguyễn Tiến Sách, Trưởng phòng Tổ chức Lao động Công ty cho biết: Hiện Công ty có 3.409 CBCNV, trong đó có 568 lao động là người DTTS, chủ yếu là dân tộc Sán Dìu, Dao, Tày, Mông, Mường…

Ông Sách khẳng định: Về chế độ chính sách, đảm báo an toàn lao động, Công ty thực hiện đúng theo chế độ chính sách quy định của Nhà nước chăm lo cho người lao động. Như cấp phát trang bị bảo hộ lao động đầy đủ. Nghề gì trang bị bảo bộ theo nghề ấy đúng quy định của Luật Lao động, thậm chí còn tốt hơn quy định.

Liên quan đến câu hỏi công nhân tại công ty có mắc bệnh nghề nghiệp không, ông Sách cho rằng: Hiện công ty đang có 72 người mắc bệnh bụi phổi. Nguyên nhân là do môi trường làm việc nặng nhọc trong hầm lò, có những lúc không thể ngăn được bụi, mặc dù Công ty có trang bị khẩu trang Cophen của Nhật. Và trong năm 2020 này có khoảng 11 đến 12 trường hợp phải chuyển việc sang vị trí làm việc khác, bởi bị dị ứng do dịch dầu nhũ hóa.

Khi phóng viên đặt câu hỏi: Theo bạn đọc phản ánh, thì dầu nhũ hóa có mùi thối làm ảnh hưởng tới sức khỏe của công nhân và gây ô nhiễm môi trường? Ông Nguyễn Tiến Sách cho biết: “Có người thấy thối, có người không. Với tôi, thi thoảng đi kiểm tra không thấy mùi thối gì”!.

Cũng với những vấn đề bạn đọc phản ánh, trong buổi làm việc ngày 10/11/2020 tại Công ty than Thống Nhất, ông Hoàng Nhật Thắng, Phó Giám đốc công ty, phụ trách công tác an toàn khẳng định: “Có mùi thối là do quá trình nó bơm vào trong cột thì thông thường có hệ thống tuần hoàn. Và dầu nhũ hóa nó tuần hoàn về trạm bơm và kiểu gì thì nó cũng sẽ có những chỗ hở, nó rò rỉ ra môi trường. Và vì lâu ngày nên nó có mùi thối, mùi thum thủm một tý”. 

Tại buổi làm việc, ông Thắng còn cho biết, loại dầu này có tên là COMINLUB. Như vậy, qua thông tin tìm hiểu được thì cả công nhân và cán bộ lãnh đạo của công ty than đều thừa nhận, dầu nhũ hóa có mùi thối và có nhiều công nhân bị dị ứng với loại dầu này.

Câu hỏi đặt ra là, loại dầu mà các công ty than đang sử dụng, có phải là nguyên nhân chính dẫn tới ô nhiễm môi trường và nhiều công nhân mắc bệnh da liễu? Bởi theo như ông Nguyễn Tiến Sách, Trưởng phòng Tổ chức Lao động Công ty Cổ phần Than Mông Dương  khẳng định: “Bảo hộ lao động, cấp phát trang bị cho công nhân đầy đủ và còn tốt hơn quy định của Bộ Luật Lao động”, thì tại sao 72 công nhân của Công ty vẫn mắc bệnh bụi phổi?.

Báo Dân tộc và Phát triển xin chuyển câu hỏi trên tới Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV), tới Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường và các cơ quan chức năng để kiểm tra, làm rõ nhằm đảm bảo sức khỏe cũng như môi trường làm việc cho công nhân tại vùng than.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Bệnh bụi phổi là tình trạng tích lũy của bụi trong phổi và phản ứng của nhu mô phổi đối với sự xuất hiện của bụi; bệnh bụi phổi than là bệnh do hít phải nhiều bụi than do tiếp xúc lâu ngày với bụi than!  Khi mắc bệnh bụi phổi sẽ dẫn đến tình trạng xơ hóa phổi tiến triển không hồi phục, dẫn đến các biến chứng khác như phổi tắc nghẽn mạn tính, tâm phế mạn...; bệnh nhẹ thì dùng các thuốc chống xơ hóa, súc rửa phổi toàn bộ; nặng thì có thể phải ghép phổi.

Cách phòng tránh: cơ giới hóa, tự động hóa quá trình khai thác than, hạn chế tiếp xúc của công nhân với bụi than, sử dụng đồ bảo hộ lao động đạt chuẩn, khám sức khỏe định kỳ và súc rửa phổi với những công nhân tiếp xúc lâu dài với bụi than.

Bác sỹ chuyên khoa 2 Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng khoa Bệnh phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương


Tin cùng chuyên mục
Dự án treo ở Vân Đồn (Quảng Ninh) - Hàng trăm hộ dân "đi cũng dở, ở không xong"

Dự án treo ở Vân Đồn (Quảng Ninh) - Hàng trăm hộ dân "đi cũng dở, ở không xong"

Đã gần chục năm nay, hàng trăm hộ dân chủ yếu là người DTTS ở xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đang phải sống trong cảnh "đi cũng dở, ở không xong" do nằm trong quy hoạch Khu công viên phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp. Theo thời gian, đặc biệt là ảnh hưởng cơn bão số 3, nhiều nhà cửa, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được tu sửa, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân địa phương.