Vẻ đẹp nguyên sơ, bình dị
Từ hàng trăm năm trước, cộng đồng người Mnông R’lâm hội tụ về đây khai lập buôn làng. Hầu hết các buôn sống ven hồ Lắk có hơn 95% là người Mnông R’lâm. Dù các buôn sống quanh thị trấn Liên Sơn trong bán kính khoảng vài cây số, nhưng vẫn giữ vẻ đẹp nguyên sơ của cao nguyên đại ngàn.
Bao đời nay, đồng bào Mnông ven hồ Lắk vẫn làm lúa nước và đánh bắt thủy sản bằng thuyền độc mộc. Người Mnông sinh sống ven hồ Lắk xem chiếc thuyền độc mộc không chỉ là phương tiện lao động tạo ra thu nhập và thực phẩm hằng ngày, mà còn là tài sản khẳng định vị thế xã hội trong cộng đồng buôn.
Nhiều năm làm nghề thầy cúng trong các lễ tục của buôn, thầy cúng Y Sớ Ênuôl ở buôn Jun, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk bộc bạch: Để làm một chiếc thuyền độc mộc đẹp đòi hỏi cả một quá trình chuẩn bị và thực hiện tỉ mỉ, công phu. Phải vào rừng tìm gỗ sao, thân to và thẳng. Trước khi chặt cây, phải cúng Yang, xin phép thần rừng. Sau khi thủ tục cúng tế xong mọi người mới tổ chức chặt cây. Với mong muốn có sự may mắn, an toàn cho gia chủ và chiếc thuyền, nên trước khi hạ thủy thường tổ chức cúng thủy thần hay còn gọi là lễ cúng hạ thủy thuyền.
Ngày nay, thuyền độc mộc trở thành một di sản vô cùng quý giá và cũng là phương tiện phục vụ du khách lướt quanh hồ Lắk thơ mộng, ngắm phong cảnh hữu tình với thảm thực vật phong phú của đại ngàn. Hình ảnh chiếc thuyền độc mộc mảnh mai trên mặt hồ trở thành nét đẹp văn hóa của người Mnông nơi đây.
Ông Nguyễn Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk chia sẻ: Thuyền độc mộc là một loại thuyền truyền thống có lịch sử từ lâu đời của đồng bào Tây Nguyên. Đồng bào dân tộc Mnông sống ven hồ Lắk vẫn còn giữ nhiều chiếc thuyền độc mộc nhiều năm tuổi. Mỗi chiếc thuyền cũng chính là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang đậm dấu ấn sáng tạo cá nhân của người chế tác. Ngoài tri thức dân gian được tích lũy về chọn lựa gỗ, quy trình chế tác, cách thức sử dụng, người Mnông huyện Lắk còn những nghi lễ, phong tục tập quán thể hiện cách ứng xử giữa con người với tự nhiên, rừng và sông nước.
Vẹn nguyên bản sắc văn hóa
Buôn Jun, thị trấn Liên Sơn là một trong những buôn cổ bình yên, đậm văn hóa truyền thống của người Mnông R’lâm bên hồ Lắk. Dạo quanh buôn Jun, ngắm những nếp nhà sàn cổ xưa nằm san sát, có những ngôi nhà sàn vài chục năm tuổi, chứa đựng giá trị bản sắc văn hóa của người Mnông.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Y Luyết Ênuôl, Trưởng buôn Jun cho biết: Buôn hiện có 117 hộ, 450 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Mnông chiếm 95% dân số toàn buôn. Hiện nay, người dân buôn Jun còn khoảng 60 ngôi nhà sàn truyền thống, với kiến trúc độc đáo mang đậm văn hóa của người Mnông. Bên cạnh đó, còn gìn giữ nhiều bộ cồng chiêng quý, chóe cổ và hệ thống nghi lễ độc đáo. Đặc biệt, trong buôn còn 4 - 5 người am hiểu về lễ cúng và có 1 thầy cúng thực hành nhiều nghi thức cúng.
Từ hàng trăm năm trước, cộng đồng người Mnông R’lâm hội tụ về đây khai lập buôn làng. Hầu hết các buôn sống ven hồ Lắk có hơn 95% là người Mnông R’lâm. Dù các buôn sống quanh thị trấn Liên Sơn trong bán kính khoảng vài cây số, nhưng vẫn giữ vẻ đẹp nguyên sơ của cao nguyên đại ngàn.
Tương tự, nằm thấp thoáng bên cánh đồng lúa rộng lớn, xanh tốt, buôn cổ M’Liêng, xã Đắk Liêng lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người Mnông R’lâm. Bao đời nay, người dân trong buôn vẫn gắn bó với nguồn nước hồ Lắk và rừng thiêng. Nhiều cây cổ thụ trong buôn, trong đó có cây cổ thụ hơn 200 năm tuổi ngay đầu buôn cành lá sum suê luôn được người dân chung tay bảo vệ, chăm sóc. Những ngôi nhà sàn truyền thống nằm liền kề nhau càng làm buôn M’Liêng mang vẻ đẹp thanh bình, cổ kính.
Buôn Trưởng buôn M’Liêng Y Poan Buôn Krông chia sẻ: Kinh tế của bà con chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trồng lúa nước là chính. Buôn M’Liêng hiện nay đang lưu giữ nghề dệt thổ cẩm, tổ chức một số lớp truyền dạy cồng chiêng. Tất cả các bộ cồng chiêng được Nhà nước hỗ trợ đều được lưu giữ tại nhà bảo tồn văn hóa cộng đồng.
Nhận thức được giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc là vốn quý, những năm trở lại đây, Ban Tự quản buôn, già làng và Người có uy tín trong buôn vẫn thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con tiếp tục duy trì, gìn giữ nét đẹp truyền thống để cho con cháu mai sau. Đặc biệt, dân làng cùng nhắc nhở nhau bảo tồn bản sắc dân tộc để làm du lịch cộng đồng…