Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Vị bánh bò tuổi thơ

Phùng Hải Yến - 18:01, 22/07/2021

Miếng bánh bò trong tâm thức tôi chứa cả một bầu trời tuổi thơ, một miền ký ức mãi mãi không mờ phai trong tâm trí.

Xuống chợ
Xuống chợ (Ảnh TL)

Đã thành thói quen, mỗi khi đến bất cứ chợ phiên nào, dù là chợ phiên San Thàng, Sìn Hồ hay Dào San (tỉnh Lai Châu), sau khi ngắm nghía chán chê các sản vật núi rừng, tôi thường ghé vào góc chợ, mua miếng bánh bò bằng vài nghìn bạc lẻ. Chiếc bánh xốp xốp, vuông vắn được chị bán hàng dân tộc Dao hoặc dân tộc Hoa cắt gọn ghẽ đưa cho tôi. Cầm chiếc bánh trên tay, tôi chợt rưng rưng lệ, ngậm ngùi nhớ đến tuổi thơ nơi vùng quê nghèo khó ngày nào...

Ngày ấy, tôi cũng như tất cả những đứa trẻ vùng cao thường bíu lấy chiếc lù cở của mẹ xuống chợ. Bánh bò là món quà quê giản dị, ngọt ngào nhất. Những chiếc bánh có màu trắng của gạo mới, sắc ngả nâu của đường phên, vị bánh không ngầy ngậy, chỉ hơi ngòn ngọt đầu lưỡi. Chiếc bánh tơi xốp tan nhẹ khi đưa vào miệng, gợi cả mùa lúa vàng óng ả ruộng đồng.

Theo mẹ xuống chợ
Theo mẹ xuống chợ (ảnh minh họa)

Nhớ cái háo hức trẻ con hồi ấy, tôi đứng ở cổng nhà bà Dính bán bánh, xoe tròn mắt nhìn bà gồng lưng đẩy cái cối xay gạo rồi dùng vải sạch lọc bột. Bột ấy lại được bà trộn đường phên, ủ, ngâm qua đêm. Sáng ra mới bỏ vào nồi hấp. Mẻ bánh được buộc kín trong vải, đến phiên chợ, mở ra vẫn nóng hổi, thơm lừng, hấp dẫn. Để có được những mẻ bánh ấy, người làm bánh đã bỏ bao công sức, tỉ mẩn, cẩn thận trong từng công đoạn nhỏ: Đường phên phải được rây thật mịn, bột ủ không nhão, cũng không đặc quá, thời gian ngâm bột vừa độ để bột nở...

Đặc sản bánh bò vùng Tây Bắc
Đặc sản bánh bò vùng Tây Bắc

Bánh bò chỉ có mặt trong những buổi chợ phiên đông người. Ngày thường, chợ lèo tèo chẳng mấy khi có ai nên chỉ cuối tuần các gia đình mới làm bánh đem bán. Vị bánh bò thanh tao đặt cạnh các hàng bánh rán, bánh mật ngọt lừ, phở, tào phớ mỡ màng... bỗng trở thành hương vị không thể thiếu ở góc ẩm thực  mỗi chợ phiên. Lũ trẻ con lẽo đẽo theo chân mẹ như chúng tôi, mỗi khi đi qua góc ấy, cũng chỉ trỏ món này, món kia cho mẹ thấy. Bánh bò là thứ quà quê dân dã, bình dị như chính những nguyên liệu tạo nên miếng bánh. Thế mà vẫn hút hồn bao ánh mắt đến chợ phiên... Bố mẹ tôi khi đi chợ thì bán rau, quả nhà trồng được, lúc về chợ lại tranh thủ mua hàng sinh hoạt hàng ngày. Hình như ai đến chợ cũng thế: Vừa là kẻ bán, lại là người mua. Bán những thứ nhà mình tự trồng, tự làm được và mua thêm những thứ cần thiết về.

Những hôm mẹ không đưa tôi đi chợ được, thế nào lúc về, tôi lục lù cở mẹ cũng thấy món quà quê dân dã ấy. Có lúc, tôi để túi bánh trên chiếc bàn tròn trong bếp và ngắm nghía mãi chẳng nỡ ăn. Lớn lên rồi, xa quê, nhớ đến bánh bò, tôi nghĩ người làm bánh không hẳn chỉ là tạo ra một món ăn để bán. Miếng bánh bò trong tâm thức tôi chứa cả một bầu trời tuổi thơ, một miền ký ức mãi mãi không mờ phai trong tâm trí.

Một thoáng chợ phiên vùng cao
Một góc chợ phiên vùng cao

Giờ đây tôi đã trưởng thành, đến các chợ vẫn có thói quen mua bánh bò, nhưng cái háo hức ăn miếng bánh bò xốp dẻo, thơm mùi đường phên không còn nữa. Mặc dù cách làm bánh bò vẫn thế, người làm bánh bò cũng là người đó. Mới thấy thời gian phút chốc đã xa lắm rồi thời trẻ con mỗi ngày cùng bạn bè cắt cỏ, chăn trâu trên đồi, thời lẽo đẽo theo mẹ đi hái chè và nũng nịu đòi quà khi mẹ đi bán hàng ở chợ về... Thời ấy, từ nhà tôi đến chợ là khoảng cách rất xa khi đếm nhịp bước chân. Còn bây giờ, chỉ phóng xe máy cái vèo, loáng cái tôi đã có mặt ở chợ.

Mải ưu tư, ngắm nhìn chiếc bánh trên bàn, tôi không để ý con trai tôi đã đứng cạnh từ khi nào. Mãi cho đến lúc con choàng tay qua vai tôi, nũng nịu: “Bố mới đi chợ về à, cho con ăn bánh”. Tôi gật đầu, quay lại. Thấy một trời ngắt xanh tuổi thơ tôi hiện về trong ánh mắt thơ ngây của con trai yêu dấu...Bánh bò ơi!

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.