Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Vị sư cả của đồng bào Khmer

Như Tâm - 10 giờ trước

Sinh ra tại huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, nhưng gần cả cuộc đời ông gắn bó với Cà Mau. Là vị sư sãi tiêu biểu trong cộng đồng Phật giáo Nam tông, cuộc đời của ông là một minh chứng sống động cho phương châm "Tốt đời, đẹp đạo", không chỉ là một vị sư tu hành với tấm lòng từ bi mà còn là người con hiếu thảo và là một chiến sĩ cách mạng kiên trung.

Ông Lâm Nuôl (bìa phải) là một trong những cá nhân được Uỷ ban Dân tộc (nay là Bộ Dân tộc và Tôn giáo) tặng Bằng khen nhân dịp Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ 4, năm 2024
Ông Lâm Nuôl (bìa phải) là một trong những cá nhân được Uỷ ban Dân tộc (nay là Bộ Dân tộc và Tôn giáo) tặng Bằng khen nhân dịp Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ 4, năm 2024

Cứ vào các dịp lễ lớn của đồng bào Khmer, chúng tôi có dịp được gặp ông Lâm Nuôl. Lần gần đây nhất là tại Họp mặt mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2025. Ở tuổi 86, ông vẫn nhanh nhẹn, chỉ có tai hơi lãng, trò chuyện với mọi người phải nói lớn tiếng.

Tại buổi Họp mặt, ông Triệu Quang Lợi, nguyên Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau (nay là Sở Dân tộc và Tôn giáo) chia sẻ, lúc tôi còn công tác, ông Lâm Nuôl là Người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer của TP. Cà Mau. Trước đó, ông Lâm Nuôl đã ghi dấu ấn trong cộng đồng và công tác chính trị, đặc biệt là trong những giai đoạn lịch sử quan trọng. Năm 1966, ông Lâm Nuôl về Cà Mau công tác ở Hội Ðoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, là Sư cả trụ trì chùa Tam Hiệp, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời. Đến cuối tháng 4/1975, ông là Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Cà Mau với nhiệm vụ mặt trận chính trị, binh vận.

Sau giải phóng, ông Lâm Nuôl hoàn tục, tiếp tục công tác ở Ban Khmer vận Cà Mau, rồi đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau. Ông là Ðại biểu Quốc hội liên tiếp 3 khoá (VI, VII và VIII). Uy tín, tiếng nói và cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của ông Lâm Nuôl được đồng bào Khmer ở Cà Mau coi là tấm gương sáng, là niềm tự hào của dân tộc.

Khi chúng tôi nhắc đến câu chuyện cả đất nước đang chuẩn bị chào đón Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, ông Lâm Nuôl say sưa ôn lại những kỷ niệm. Ông nhớ về Đảng, về Bác Hồ. Ông kể, lúc Bác Hồ qua đời, bà con Khmer vùng Trần Văn Thời đã tề tựu rất đông tổ chức Lễ truy điệu Bác. Hôm đó, nỗi niềm tiếc thương vô hạn của bà con đối với Vị Cha già kính yêu của dân tộc đã thấu tận đất trời, nhoà đi trong cơn mưa tầm tã.

Rồi ông nhắc đến những đóng góp của đồng bào Khmer ở Cà Mau cho sự nghiệp cách mạng, về những người đồng chí, đồng đội đã gắn bó máu thịt với ông trong từng chặng đường đã qua. Người đầu tiên ông chia sẻ là Đại đức Hữu Nhem.

Khi ông về Cà Mau thì Ðại đức Hữu Nhem là Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, cùng sát cánh với nhau hoạt động. Ngày 10/7/1966, địch dùng máy bay AD6 “còng cọc” ném bom tại chùa Tam Hiệp. Ðại đức Hữu Nhem hy sinh khi trú ẩn dưới căn hầm trong chánh điện chùa Tam Hiệp.

“Đại đức là người rất có uy tín, đấu tranh hết sức mạnh mẽ. Lúc Mỹ - Diệm đem đầu đạn pháo bắn phá tại khu vực chùa Khmer Cao Dân, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, Đại đức lên gặp trực tiếp đại diện chính quyền Ngô Ðình Diệm để đấu tranh. Đại đức chỉ thẳng mặt bè lũ tay sai gây tội ác, nợ máu với đồng bào, tay Đại đức cầm đầu đạn có in dòng chữ USA lên làm bằng chứng. Tụi giặc yếu thế, rối rít xin lỗi, kinh hãi trước khí chất của vị sư Khmer”, ông Lâm Nuôl nhớ lại.

Ông Lâm Nuôl thường xuyên đến chùa Monivongsa, phường 1, TP. Cà Mau, cũng là nơi đặt Văn phòng của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Cà Mau để đọc báo và nắm thông tin về công tác dân tộc - tôn giáo
Ông Lâm Nuôl thường xuyên đến chùa Monivongsa, phường 1, TP. Cà Mau, cũng là nơi đặt Văn phòng của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Cà Mau để đọc báo và nắm thông tin về công tác dân tộc - tôn giáo

Kể tiếp về câu chuyện của mình, ông Nuôl cho biết: Năm 1972, ông được giao nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam về chính sách hoà hợp, hoà giải, đoàn kết dân tộc. Đến cuối tháng 4/1975, không khí chiến thắng đã lan toả sâu rộng, đồng bào náo nức, phấn chấn.

“Trong bối cảnh đó, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Cà Mau liên tục mở ra các hội nghị, lớp chỉnh huấn học tập cho các đối tượng sư sãi, nòng cốt là đồng bào DTTS. Tôi là người phụ trách chuẩn bị chương trình, dịch thuật tài liệu sang tiếng Khmer và chủ trì triển khai các công việc. Rồi có lệnh dừng các lớp, chuẩn bị tiếp quản. Ban Khmer vận và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước được phân công tiếp quản các mục tiêu là chùa Phường 1, khu Cao Thắng và Ty Miên vụ của chế độ cũ…”, ông Nuôl chia sẻ.

Với giọng chậm lại, ông kể tiếp: Tại chùa Rạch Giồng, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, chúng tôi tập hợp lực lượng, phân công nhiệm vụ, di chuyển bằng xuồng máy tiến về thị xã Cà Mau. Đúng vào sáng ngày 1/5/1975, có mặt tại chùa Phường 1 (chùa Monivongsa, Phường 1, TP. Cà Mau hiện nay). Tại đây, có 42 cán binh chế độ cũ đã tập trung sẵn ở đó, súng đạn, quân trang, quân dụng chất đống và chiếc xe Jeep để bàn giao cách mạng. Cán binh người Khmer là nội tuyến của ta ở thị xã cũng đã chuẩn bị sẵn ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc trương lên nhanh chóng…

“Trong lòng bừng lên nỗi vui mừng khôn tả, tôi soạn gấp bài nói để phóng thanh trên loa bằng tiếng Khmer, kêu gọi binh lính chế độ cũ đầu hàng hoàn toàn, không gây nợ máu và thông báo về ý nghĩa ngày toàn thắng, về chủ trương hoà hợp, đoàn kết dân tộc của cách mạng. Người Khmer ở khắp nơi tại Cà Mau cùng với đồng bào trong tỉnh mở hội chiến thắng tưng bừng”, ông Nuôl tự hào nói. 

Tin cùng chuyên mục
Người cựu binh rong ruổi chiến trường xưa tìm đồng đội

Người cựu binh rong ruổi chiến trường xưa tìm đồng đội

Tham gia chiến đấu trên mặt trận B3 - Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chứng kiến biết bao đồng đội ngã xuống, hy sinh để đổi lấy hòa bình, độc lập, cựu chiến binh Đặng Văn Phong, trú huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh rong ruổi khắp các chiến trường xưa kết nối đồng đội, tìm mộ các liệt sĩ đưa về đoàn tụ gia đình.