Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Vườn thuốc quanh ta

Vị thuốc quý từ cây phèn đen

Như Ý - 09:15, 14/06/2021

Phèn đen còn có tên gọi khác là mực, mỗ, tạo phan dệp, chè nộc, diệp hạ châu mạng… có vị chát, tính mát. Là một loại cây quý phèn đen được người dân sử dụng như một bài thuốc trị nhiều căn bệnh, trong đó có không ít căn bệnh khó chữa, được xem là một trong những vị thuốc vô cùng quý giá trong dân gian từ xưa đến nay. Sau đây xin giới thiệu một số bài thuốc chữa bệnh tiêu biểu từ cây phèn đen.

Phèn đen được xem là một trong những vị thuốc vô cùng quý giá trong dân gian từ xưa đến nay.
Phèn đen được xem là một trong những vị thuốc vô cùng quý giá trong dân gian từ xưa đến nay.

Chữa bệnh thuỷ đậu: Hái một nắm phèn đen (toàn bộ thân, lá và rễ cây), rửa sạch và phơi cho ráo nước. Cho vào ấm đun cùng 300ml nước với lửa vừa cho đến khi cô đặc lại chỉ còn khoảng 1 chén nhỏ. Hoà tan ½ thìa cafe muối trắng vào nước thuốc. Dùng nước thuốc thu được cho trẻ uống một chén nhỏ, còn lại dùng bông tăm chấm thuốc lên các nốt thuỷ đậu trên da. Dùng thuốc nhiều ngày cho đến khi bệnh thuỷ đậu khỏi hẳn thì ngưng.

Chữa thận hư: Dùng cây phèn đen, cây muối, cây quýt gai, cây nổ mỗi loại 20g. Lấy 1.5 lít nước sắc cùng thuốc đến khi còn lại một nửa thì chia thành nhiều phần và uống hết trong ngày.

Trị kiết lỵ: Dùng lá phèn đen tươi giã nát, thêm nước, lọc. Dùng mạch nha, ý dĩ, cam thảo đất đã phơi khô, đem tán bột, mỗi thứ đều nhau, độ 1/2 thìa cà phê, uống với nước phèn đen.

Chữa đại tiện phân lỏng do nhiệt: Phèn đen ngọn có lá 40g, đậu đen sao vàng 40g. Cho vào nồi đổ 800ml nước đun sôi kỹ còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày, uống liền 3-5 ngày.

Hỗ trợ chữa trĩ: Lá phèn đen 1 nắm, lá trắc bách diệp 1 nắm, lá huyết dụ 5 lá. Tất cả rửa sạch, thái nhỏ, sao vàng hạ thổ. Cho vào ấm, đổ 800ml nước, sắc đặc còn 200ml nước. Uống ngày 150ml, còn lại đổ thêm nước đun kỹ dùng để rửa ngâm trĩ ngày 1 - 2 lần. Mỗi liệu trình từ 5-10 ngày.

Trị gai cột sống: Lấy Phèn đen khô 30g, lá lốt 30g, lá bưởi bung 20g, cỏ xước 20g và rễ gấc 10g. Rửa sạch tất cả các hỗn hợp trến sau đó để ráo nước. Lấy những nguyên liệu tươi như bưởi bung, lá lốt, cỏ xước và rễ gấc đem đi sao khô. Sau khi sơ chế xong đem tất cả hỗn hợp ở trên vào ấm sắc và đổ khoảng 1,5 – 2 lít nước vào đun trong khoảng thời gian 2 tiếng rồi tắt bếp để nguội. Nên uống thuốc 3 lần mỗi ngày và sau mỗi bữa chính khoảng 30 phút để hiệu quả đem lại là tốt nhất.

Chữa bị sưng đau do ngã va đập: Lấy 30g lá phèn đen giã nát đắp vào vùng bị tổn thương trong vòng 30 phút. Làm 3 ngày liền đến khi hết sưng đau.

Chữa bệnh xương khớp: Chuẩn bị 30g dược liệu phèn đen khô (dùng toàn bộ cây), 30g lá lốt, 20g lá bưởi bung, 20g rễ cây gấc, 20g cỏ xước. Trừ phèn đen, tất cả nguyên liệu tươi còn lại đem rửa sạch, sao vàng. Cho tất cả vị thuốc vào ấm đun với 2 lít nước trong 2 tiếng. Mỗi ngày uống hết một thang thuốc trên, chia thành 3 phần và uống sau khi ăn no 30 phút.

Trị mụn nhọt, thanh lọc, đào thải độc tố: Dùng lá phèn đen và lá bèo ván rửa sạch, giã nát rồi đắp lên da nhiều lần sẽ khỏi. Để thải độc, giải độc rượu bia, giải độc tố tích tụ trong gan, thận, độc tố từ thực phẩm có thể dùng uống nước cây phèn đen mỗi ngày.

Lưu ý:

Cây phèn đen là một cây thuốc nam có chứa một số loại thuốc kháng sinh có tác dụng đẩy các loại độc tố ra khỏi cơ thể. Chính vì thế, lá cây phèn đen tươi giã nát có công dụng hút máu độc do rắn độc cắn rất hiệu quả. Do đặc tính độc của cây phèn đen còn mạnh hơn cả nọc độc rắn, mới có thể hút độc ra ngoài cơ thể, ngăn không cho độc lan khắp cơ thể, có thể kéo dài thời gian sống của bệnh nhân và trong thời gian đó hãy di chuyển người bệnh đến các cơ sở y tế.

Do cây phèn đen có độc tính mạnh nên nếu dùng không đúng cách, đúng liều lượng cây phèn đen cũng có thể gây hại đến sức khỏe và tính mạng nên điều này cần đặc biệt chú ý./.

Tin cùng chuyên mục
Bài thuốc hay từ cây mận

Bài thuốc hay từ cây mận

Mận có tên gọi khác là lý tử, lý thực,… có vị ngọt, chua, tính bình. Theo Y học cổ truyền, quả mận có công dụng thanh can, điều nhiệt, giải độc, hoạt huyết, sinh tân, chỉ khát, lợi thủy. Được sử dụng trong điều trị các chứng hư lao, nóng trong xương, chữa tiểu đường, bụng tích nước, bệnh gan, thủy thũng. Sau đây là một số bài thuốc từ cây mận mời các bạn tham khảo.