Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Việc sử dụng công nghệ số để làm báo đã trở thành vấn đề sống còn của báo chí

Ngọc Vân - 6 giờ trước

Đây là nội dung được ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh tại Hội nghị "Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải báo chí quốc gia và tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững" khu vực phía Bắc, diễn ra sáng 22/11 tại Hà Nội, do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

Tham gia Hội nghị có ông Vũ Quý Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, phụ trách khu vực phía Nam và đại diện các cơ quan báo chí khu vực phía Bắc.

Đây là diễn đàn để lãnh đạo các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố trao đổi, đề xuất các giải pháp chuyển đổi số báo chí, phát triển đa dạng sản phẩm báo chí số đáp ứng nhu cầu thông tin trong tình hình mới; bàn giải pháp để có những tác phẩm báo chí chất lượng cao đáp ứng điều lệ Giải Báo chí quốc gia sửa đổi.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam thông tin, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chính trị của báo chí: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Trong đó, tính chuyên nghiệp và hiện đại theo yêu cầu của Đảng có nghĩa là báo chí cách mạng của Việt Nam cũng phải phấn đấu, bắt kịp với các xu hướng phát triển chung của thế giới: một trong số đó chính là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số.

Vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết quan trọng, mang tầm chiến lược: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.

"Thực tiễn cho thấy công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên, mạnh mẽ và sâu rộng tới lĩnh vực báo chí, truyền thông. Việc sử dụng công nghệ số để làm báo đã trở thành vấn đề sống còn của báo chí" – ông Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị
Ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị

Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia được nêu rõ trong nhiều Nghị quyết và văn kiện Đại hội Đảng. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Hội Nhà báo đã giới thiệu, hướng dẫn và làm rõ những điểm mới của Điều lệ Giải báo chí quốc gia (sửa đổi) năm 2024; các quy trình, quy định trong thẩm định, tuyển chọn tác phẩm báo chí chất lượng cao tham dự Giải báo chí quốc gia, Giải báo chí cấp tỉnh và các giải báo chí chuyên ngành khác. Trong đó, bổ sung 2 nhóm giải mới là “Giải báo chí đa phương tiện” và “Giải báo chí sáng tạo”.

Theo đó, sản phẩm báo chí đa phương tiện là: Tác phẩm, sản phẩm báo chí sử dụng dữ liệu đa phương tiện và áp dụng quy trình sản xuất, kỹ thuật, công nghệ truyền thông số trong quá trình sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất, có định dạng độc lập như: Infographic, Video clips, Podcast, Gói tin tức đa phương tiện, sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí tương tác…

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Sản phẩm báo chí sáng tạo là: tác phẩm, sản phẩm, chương trình báo chí có tính sáng tạo, đột phá, qua đó thể hiện rõ tác giả, nhóm tác giả có giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng suất lao động nghề báo, tiết kiệm chi phí sản xuất, tác động tới đúng nhóm công chúng, tác động hiệu quả đến các tầng nhận thức, thái độ và hành vi của công chúng, tăng cường sự tham gia tương tác của công chúng hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia, vùng miền và địa phương.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí phía Bắc đã chia sẻ những kinh nghiệm chuyển đổi số báo chí trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, thay vì chỉ có những sản phẩm báo chí truyền thống (tex) thì phải tạo ra các sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí đa phương tiện, báo chí thị giác… để đáp ứng nhu cầu tất yếu của báo chí số trong giai đoạn hiện nay.

Theo Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật – Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Vietnamplus chia sẻ: Mỗi khi triển khai một đề tài, các phóng viên, biên tập viên đừng suy nghĩ mình sẽ làm bao nhiêu chữ, bao nhiêu kỳ, thể loại gì (phản ánh hay phóng sự). Hãy nghĩ về những thể loại mới, kèm theo nhiều yếu tố đa phương tiện, kể chuyện bằng ảnh, video hay đồ họa, dữ liệu... Việc nâng cao trải nghiệm cho độc giả cũng chính là nâng cao giá trị cho bản thân mỗi phóng viên, biên tập viên. Vì vậy, học kỹ năng mới chưa bao giờ là quá muộn.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật – Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Vietnamplus chia sẻ tại hội nghị
Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật – Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Vietnamplus chia sẻ tại Hội nghị

Còn theo ông Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng: Các cơ quan báo chí cũng cần hướng đến việc liên kết xây dựng các nền tảng chung để lan tỏa thông tin trên diện rộng; coi trọng việc đưa thông tin chính thống lên nền tảng các mạng xã hội; xây dựng các chương trình tiếng Anh để dần tiếp cận với độc giả trên thế giới…

Ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam thông tin: Trong 3 năm (2021 - 2023) thực hiện Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các cấp Hội Nhà báo, ngân sách nhà nước hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở Trung ương là 11,46 tỷ đồng; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở địa phương là 277 tỷ đồng. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí.

Nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao được hỗ trợ đã đoạt Giải báo chí Quốc gia và Giải báo chí của các địa phương, Giải báo chí các bộ, ngành, đoàn thể.


Tin cùng chuyên mục
Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum đạt thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024

Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum đạt thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024

Ghi nhận những nỗ lực của tuổi trẻ ngành điện trong thời gian qua, tại chương trình Tổng kết chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè gắn với lễ kỷ niệm 10 năm “Thanh niên tình nguyện” và kỷ niệm 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, Tỉnh đoàn Kon Tum đã khen thưởng 01 tập thể và 01 cá nhân thuộc Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Kon Tum về thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên tình nguyện hè giai đoạn 2000-2024.