Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Viêm màng não do não mô cầu, đôi điều cần lưu ý khi giao mùa

Như Ý (T/h) - 14:59, 10/05/2022

Não mô cầu là bệnh lưu hành hàng năm trên khắp thế giới. Bệnh thường bùng phát vào thời điểm giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa. Hiện tại miền Nam của Việt Nam đang vào thời gian giao mùa nên đây là thời gian bệnh não mô cầu phát triển, nguy cơ lây nhiễm cao.

Bệnh viêm màng não do mô cầu thường bùng phát vào thời điểm giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa. Ảnh minh họa
Bệnh viêm màng não do mô cầu thường bùng phát vào thời điểm giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa. Ảnh minh họa

Viêm màng não do não mô cầu là bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Khoảng thời gian từ tháng 6 tới tháng 10 là thời gian bệnh não mô cầu phát triển mạnh nhất nên phụ huynh cần đặc biệt lưu ý tới các nhóm trẻ có nguy cơ nhiễm bệnh cao như trẻ em dưới 5 tuổi và trẻ thanh thiếu niên từ 10 – 16 tuổi.

Tại Việt Nam, vi khuẩn não mô cầu có nhiều type và thường hay gặp nhất là type A, B và C. Ổ chứa vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là ở người, do vậy nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Mọi người đều có cảm nhiễm với vi khuẩn não mô cầu, nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao nhất là lứa tuổi trẻ và cũng ở nhóm tuổi này có số người lành mang vi khuẩn nhiều nhất.

Nguyên nhân

Bệnh lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp với các giọt dịch tiết nước bọt hoặc dịch tiết niêm mạc chứa vi trùng trong không khí. Thêm vào đó, có khoảng 10% người nhiễm có thể phát tán nguồn bệnh ra bên ngoài mà hoàn toàn không biểu hiện triệu chứng, vi khuẩn não mô cầu tồn tại trong vùng hầu họng và mũi của những người được gọi là "người lành mang trùng".

Triệu chứng

Các triệu chứng của não mô cầu thường xuất hiện từ 1 đến 14 ngày sau khi bị nhiễm vi khuẩn. Bệnh xuất hiện đột ngột với biểu hiện sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng, chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước.

Tình trạng nhiễm trùng có thể tiến triển rất nhanh và gây ra tình trạng bệnh lý nặng, một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong. Những biến chứng nặng có thể bao gồm viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm khớp, và viêm kết mạc. Có khoảng 50% các trường hợp có triệu chứng sẽ biểu hiện viêm màng não, một tình trạng nhiễm trùng nặng lớp màng bao bọc xung quanh não bộ. Đây là một bệnh lý cần sự can thiệp y tế ngay lập tức.

Viêm màng não do não mô cầu, đôi điều cần lưu ý khi giao mùa 1

Biện pháp phòng bệnh

Để phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.

Chủ động tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho trẻ, vắc xin được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Các khuyến cáo về việc tiêm vaccine

Hiện nay, Việt Nam đang lưu hành hai loại vaccine não mô cầu. Một loại gồm hai thành phần huyết thanh B và C có thể tiêm cho người từ 6 tháng tuổi đến 45 tuổi, gồm hai liều, mỗi liều cách nhau 6-8 tuần. Loại thứ hai cộng 4 loại huyết thanh, gọi là tứ giá, dùng cho trẻ 9 tháng tuổi đến người 55 tuổi. Trẻ 9-23 tháng tuổi sẽ tiêm hai liều, cách nhau ba tháng; từ hai tuổi trở lên tiêm một liều duy nhất./.

Tin cùng chuyên mục