Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Viết từ thượng nguồn dòng Nậm Nơn...

Thanh Hải - 01:25, 24/10/2023

Những bản làng người Thái nằm tít tắp ở xã biên giới Mỹ Lý (Kỳ Sơn, Nghệ An) đã bớt cách sông, cách suối. Dòng Nậm Nơn dữ dằn “rạch đôi” Mỹ Lý, chảy từ nước bạn Lào về, dường như cũng đã bớt gào thét hơn xưa. Duy chỉ có điều, những đói nghèo, khốn khổ của vùng “sơn cùng thủy tận” này thì vẫn đang còn hiện hữu hàng ngày…

Ngã ba cửa Rào ở xã Xá Lượng huyện Tương Dương - nơi hợp lưu của dòng Nậm Mộ (bên phải) và dòng Nậm Nơn (bên trái)
Ngã ba cửa Rào ở xã Xá Lượng huyện Tương Dương - nơi hợp lưu của dòng Nậm Mộ (bên phải) và dòng Nậm Nơn (bên trái)

Trầm tích một vùng đất

Khi đường bộ từ vùng Tương Dương lên Kỳ Sơn chưa được mở mang, thậm chí, cung đường từ trung tâm huyện lị Kỳ Sơn vào các xã Mỹ Lý, Keng Đu… chưa thuận tiện như hôm nay, thì dòng Nậm Nơn là huyết mạch đưa khách dưới xuôi lên vùng biên giới và ngược lại.

Tôi chưa có cơ may ngồi lên chiếc thuyền độc mộc vượt thác, vượt ghềnh trên dòng Nậm Nơn; nhưng cùng với hồi tưởng của những người cao tuổi trên các bản làng sống ven dòng Nậm Nơn, và nhất là từ trên cầu treo bản Yên Hòa, nhìn thẳng xuống lòng sông lởm chởm đá, với những vùng nước xoáy tung bọt trắng xóa, thì cũng đã mường tượng đủ đầy về một dòng sông dữ dằn, hiểm ác.

Nậm Nơn khởi nguồn từ nước bạn Lào, rồi “nhập tịch” vào Việt Nam ở địa bàn xã Keng Đu, qua Mỹ Lý (Kỳ Sơn), xuôi về Tương Dương và hợp lưu với dòng Nậm Mộ ở Cửa Rào (xã Xá Lượng) để “khai sinh” nên dòng sông Lam.

Vượt thác trên dòng Nậm Nơn
Vượt thác trên dòng Nậm Nơn

Hiện tại, phần lớn sông Nậm Nơn đã thành lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, đoạn qua Keng Đu và Mỹ Lý, được xem là thượng nguồn, với hàng trăm thác, ghềnh lớn nhỏ làm nên nét đặc trưng của một vùng đất “sơn cùng thủy tận”.

Hai bên dòng Nậm Nơn, đoạn qua địa phận xã Mỹ Lý, là các bản làng người Thái sinh sống hàng bao đời. Trên hành trình ấy, thuyền phải vượt qua hàng chục con thác lớn nhỏ, với vô số những hòn đá bày binh bố trận giữa lòng sông. Và cũng chỉ mỗi 7 bản thôi, nhưng chiều dài đến 33km đường sông cơ đấy.

Sông chia đôi xã Mỹ Lý như một sự vô tình của tạo hóa. Hầu hết đàn ông người Thái ở các bản ven dòng Nậm Nơn như Hòa Lý, Xốp Tụ, Xiềng Tắm, Xằng Trên và Cha Nga... đều có thể lái thuyền vượt thác, vì đó là công việc gắn với nhu cầu đi lại và sinh hoạt hàng ngày. Không chỉ chài cá, mà khi lên rẫy thăm lúa, lên rừng lấy gỗ, đến bản khác thăm nom họ hàng hay xuống chợ đều phải đi trên con thuyền nhỏ… 

Có lẽ vì thế mà suốt một quãng dài, nghề lái đò trên dòng Nậm Nơn đã hình thành; nhiều người vì công việc, cũng đã phải chấp nhận ngồi lên chiếc thuyền độc mộc để một sống một còn với dòng sông. Nhưng, đó là chuyện của mấy năm trước; bởi kể từ năm 2016, khi thủy điện tích nước, giao thông đường sông thưa vắng dần.

Huyền bí tháp cổ Yên Hòa bên dòng Nậm Nơn
Huyền bí tháp cổ Yên Hòa bên dòng Nậm Nơn

Trầm tích ở vùng biên viễn Mỹ Lý còn hiển hiện một ngọn tháp cổ cao trên 30m, thấp thoáng ven dòng Nậm Nơn ở địa phận bản Yên Hòa. Thân tháp xây dựng bằng gạch đặc, xung quanh tháp là những hoa văn lạ chạm khắc tỉ mỉ, có hình Phật chắp tay. 

Anh Vi Văn Vinh, Trưởng bản Yên Hòa, xã Mỹ Lý  bảo: Các cụ cao tuổi kể lại, tháp được xây dựng cách nay chừng trên dưới nghìn năm. Trước đây, Mỹ Lý không chỉ có một tháp như vậy, mà có đến 3 tháp cổ ở các bản Xiềng Tắm, Tả Lày và Xiềng Trên, nhưng 3 ngôi tháp đó đã sụp đổ.

Mỹ Lý còn rất nghèo…

Trên hành trình đến với vùng đất này, ngoại trừ một số bản vùng dưới là đã có đường nhựa, do nằm kề liền quốc lộ 16, còn lại 4 bản phía trên, kéo dài lên sát biên giới, thì hãy còn là đường đất mà hễ mưa xuống là trơn trượt, lầy lội. Gọi là đường nhưng tôi cứ có cảm tưởng như đó là vệt mòn vắt qua bao dãy núi, có lúc chui tọt xuống dưới những tán rừng già.

Đường lên 4 bản phía trên gồm Yên Hòa, Xằng Trên, Xốp Dương và Cha Nga vẫn còn là đường đất
Đường lên 4 bản phía trên gồm Yên Hòa, Xằng Trên, Xốp Dương và Cha Nga vẫn còn là đường đất

Chủ tịch UBND xã Lương Văn Bảy cứ mãi xuýt xoa: Khó khăn lớn nhất là đường giao thông và điện thắp sáng. Cả xã còn 4 bản dọc sông Nậm Nơn là Yên Hòa, Xằng Trên, Xốp Dương và Cha Nga vẫn lưu thông đường đất; và 3 bản Xốp Dương, Cha Nga, Nhọt Lợt, với 181 hộ chưa có điện lưới thắp sáng.

Mỹ Lý có 8 bản người Thái, 3 bản người Mông và 1 bản người Khơ Mú cùng sinh sống. Nằm ở vùng đất “sơn cùng thủy tận”, nên kinh tế của đồng bào nơi đây chủ yếu tự cung tự cấp với sản xuất nông nghiệp như ngô, sắn, chăn nuôi trâu bò, lợn, gà… và đánh bắt cá trên sông.

Ngoài việc thiếu đường, thiếu điện, giao thông còn khó khăn, xa ngái thì còn thiếu những cây cầu. Trên suốt cả khúc sông Nậm Nơn vắt qua 7 bản, với 33km nhưng chỉ có 2 cây cầu; cầu phía dưới là cây cầu cứng ở bản Hòa Lý và một cây cầu treo ở bản Yên Hòa. Thành ra, việc đi lại, thông thương hàng hóa rất bất tiện.

Cây cầu treo bản Yên Hòa là cánh cửa mở ra thế giới bên ngoài với 3 bản khác bên kia sông
Cây cầu treo bản Yên Hòa là cánh cửa mở ra thế giới bên ngoài với 3 bản khác bên kia sông

Lại là lời Chủ tịch xã Lương Văn Bảy: Đời sống đồng bào rất khó khăn. Địa phương đã thử chuyển đổi trồng bí xanh, trồng gừng, trồng cây dược liệu dưới tán rừng và nuôi cá trên lòng sông… nhưng hầu như không thành công, bởi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được; cá thì đến mùa mưa, nước đầu nguồn đổ về cuốn trôi hết. Đất bằng ít, đất dốc nhiều nên trồng cây gì cũng khó. Cuối cùng chỉ còn nuôi trâu bò là trụ lâu được, nhưng mấy năm nay, giá bò giảm mạnh nên bà con vẫn còn khổ.

Suốt gần một ngày ở Mỹ Lý, điều đọng lại trong chúng tôi, là người dân vùng đất này chưa bao giờ thôi cố gắng. Cứ nhìn cái cách người dân tự chế lấy điện từ các tua bin nước trên lòng Nậm Nơn có chút ánh sáng khi đêm về; rồi cảnh người trẻ bảo nhau học nghề, đi làm ăn xa; còn người lớn tuổi, phụ nữ và trẻ em ở lại thì tích cực chuyển đổi trồng trọt, chăn nuôi, đắp đổi qua ngày… đã cho thấy biết bao nỗ lực vượt khó của người dân nơi đây.

 Xin được dẫn chứng một ví dụ điển hình về nỗ lực vượt khó của người dân Mỹ Lý bằng tấm gương thoát nghèo của gia đình ông Vi Văn Khạt ở bản Xốp Tụ. Phía trước nhà ông Khạt là những xoài, mít sum suê quả; là đàn trâu bò hàng chục con.

Ông Khạt kể: Năm 2013, ông được vay vốn 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Kỳ Sơn theo chương trình dành cho hộ nghèo để đầu tư phát triển chăn nuôi. Lấy ngắn nuôi dài, đến nay, nhà ông  đã thoát nghèo, có trong tay đàn trâu bò 20 con.

Hộ gia đình ông Vi Văn Khạt ở bản Xốp Tụ xã Mỹ Lý nay đã có cuộc sống khấm khá hơn
Chăm chỉ làm ăn, gia đình ông Vi Văn Khạt ở bản Xốp Tụ, xã Mỹ Lý đã có cuộc sống khấm khá hơn

Còn cấp ủy, chính quyền địa phương, cũng đang tìm cách để phát triển kinh tế, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống cho người dân, bằng việc đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; bằng việc phục hồi và xây dựng làng nghề thổ cẩm truyền thống ở bản Yên Hòa, kết hợp phát triển du lịch cộng đồng gắn với tham quan, tìm hiểu ngọn tháp cổ, hang Thầm Lạn, khe tôm bản Xiềng Tắm…tạo nhiều việc làm để người dân có thu nhập

Nhưng, lại nói như ở đầu, chừng nào con đường liên xã, liên bản còn chưa được xây dựng, kết nối thuận tiện hơn; điện lưới sinh hoạt, sóng điện thoại và internet còn chưa được phủ kín… thì chừng đó, Mỹ Lý còn chưa thể hội tụ đủ điều kiện để phát triển.

Rời Mỹ Lý, chúng tôi cũng tin vào lời Chủ tịch xã Lương Văn Bảy nhấn mạnh, cấp ủy và chính quyền, đồng bào nơi đây đang kỳ vọng vào nguồn lực đầu tư, hỗ trợ để thực hiện các dự án với các tiểu dự án, nội dung thành phần cụ thể từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, sẽ từng bước giải quyết được những khó khăn, đáp ứng nhu cấp thiết của đồng bào các DTTS và miền núi nói chung, của Mỹ Lỹ nói riêng...

Tin cùng chuyên mục
Chuyện ở thung lũng nóc Ông Đến

Chuyện ở thung lũng nóc Ông Đến

Nóc Ông Đến là tên người dân gọi thân thương về nơi ở của mình. Còn gọi theo tên hành chính là tổ 4, thuộc thôn 2, xã Trà Giang, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi). Nóc Ông Đến như một một thung lũng nằm biệt lập giữa rừng xanh, nơi đây có 14 nóc nhà, với hơn 60 nhân khẩu là đồng bào Co sinh sống hòa mình với núi rừng.