Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Vĩnh Long: Phát triển du lịch gắn với làng nghề và sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số

N.Tâm –H.Diễm - 08:20, 03/11/2022

Vĩnh Long là tỉnh thuộc trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống, trong đó có những làng nghề tồn tại hàng trăm năm, mang dấu ấn văn hóa truyền thống đặc trưng của các dân tộc vùng Nam bộ xưa. Tỉnh Vĩnh Long xác định, đây là một trong những lợi thế để phát triển kinh tế du lịch.

Làng nghề làm gạch nằm nép mình bên dòng Long Hồ hiền hòa
Dọc bên dòng sông Long Hồ là những làng nghề truyền thống

Tạo điểm nhấn từ làng nghề

Dọc tuyến sông thuộc huyện Long Hồ, có chiều dài khoảng 7km là những làng nghề truyền thống được hình thành từ rất nhiều năm, như xóm nghề chằm nón lá, làm gạch, đan rổ tre, sản xuất hủ tiếu, bún... Có thể thấy, chỉ một đoạn sông nhưng chứa đựng cả một bề dày văn hóa trăm năm. Nhiều sản phẩm đặc trưng của đồng bào các dân tộc đã tạo điểm nhấn cho làng nghề.

Men theo tuyến sông Long Hồ, đến xóm nghề chằm nón lá tại khóm 6, thị Trấn Long Hồ, nơi có nhiều hộ gia đình gắn bó, truyền nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà trong đó lực lượng chủ lực, là những người phụ nữ khéo tay ngày ngày miệt mài làm nên những chiếc nón lá, trở thành một trong những biểu tượng khi nghĩ tới vùng quê miền Tây sông nước.

Làng nghề truyền thống chằm nón được duy trì lâu đời. Hiện, địa bàn có hơn 400 hộ dân, trong đó hơn một nửa theo nghề. Hầu hết phụ nữ tranh thủ thời gian nông nhàn để chằm nón, có thêm thu nhập. Nhiều người mong ước, nếu làng nghề được chính quyền, đơn vị chuyên ngành quan tâm, kết hợp với phát triển du lịch sẽ có ý nghĩa rất lớn, vừa hỗ trợ kinh tế, vừa góp phần quảng bá làng nghề đến du khách gần xa, và như vậy nghề chằm nón lá mới không bị mai một.

Cũng nằm trên dòng sông này, đoạn qua xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít, du khách có thể tìm đến xóm nghề đan đát rổ, rế từ tre trúc. Nơi đây có gần 200 hộ dân theo nghề. Nét độc đáo của làng nghề, là sử dụng nguyên liệu sẵn có ở địa phương như cây tre, cây trúc và những bụi rơm. Đây là nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo từ đôi bàn tay của người thợ.

Với kinh nghiệm hơn 50 năm trong nghề, bà Lê Thị Tuyết Mai chia sẻ: “Nghề này phải chịu khó, tỉ mẩn công phu mới theo được. Để hoàn thành một cái rổ tre, một chiếc rế lót nồi, cần qua nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm phải thật khéo, để ý từng chi tiết nhỏ mới có thể đan được rổ đều và tròn. Vì vậy, mấy đứa nhỏ giờ không mê, nếu như xóm nghề được gắn kết với du lịch có thể giới thiệu nghề truyền thống đến với nhiều người.”

Trải nghiệm làng nghề làm cốm nổ
Du khách được trải nghiệm và thưởng thức sản phẩm của làng nghề làm cốm nổ

Tăng thu nhập từ làng nghề

Có dịp về cù lao An Bình (huyện Long Hồ) du khách sẽ được lênh đênh sông nước, ghé thăm những vườn trái cây trĩu quả, tự tay hái những quả chín mọng còn trên cây. Và cũng tại đây, du khách có thể tận mắt chứng kiến và tham gia làm cốm nổ của bà con trên miệt cù lao, một loại cốm được bắt nguồn từ phum sóc của đồng bào Khmer.

Vừa thoăn thoắt đôi tay rang chảo cốm, ông Dương Hữu Nghĩa chủ cơ sở làm cốm Cửu Long cho biết: Gia đình ông sống với nghề này trên 20 năm. Lúc đầu làm để bán cho bà con trong xóm, thời gian gần đây được Nhà nước đưa vào hệ thống làng nghề phục vụ khách du lịch, so với việc làm để bán ra thị trường, thì làm để phục vụ du lịch khỏe hơn, thu nhập cũng cao hơn.

 Hiện tại, cơ sở có khoảng 10 lao động, cả thường xuyên và thời vụ, mỗi ngày làm trên dưới 50 mẻ để phục vụ trải nghiệm và bán cho du khách. Đa số lao động là người dân địa phương, thu nhập ổn định, ai cũng có cuộc sống ổn định.

Mục tiêu thu hút lượng khách du lịch đến Vĩnh Long từ nay đến năm 2025, tăng trung bình 9%/năm, doanh thu tăng bình quân 25%/năm; giai đoạn 2026 – 2030 lượng khách tăng trung bình tăng 10%/ hàng năm, doanh thu tăng bình quân 30%/năm. Đặc biệt việc phát triển làng nghề truyền thống và sử dụng lao động là người DTTS, đã được quan tâm, xây dựng trong quy hoạch phát triển du lịch, gắn với bảo tồn văn hoá của đồng bào các dân tộc.

Du khách tham quan vườn trái cây ở cù lao An Bình
Du khách tham quan vườn trái cây ở cù lao An Bình

Theo ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, để trợ lực cho ngành Du lịch của địa phương, tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh. Nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch, triển khai thực hiện các đề án về phát triển du lịch như: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch đến năm 2025”, “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù Vĩnh Long”, “Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, “Di sản đương đại Mang Thít”, “Cơ cấu lại ngành du lịch đến năm 2025”.

"Với đề án phát triển du lịch của tỉnh, chúng tôi kỳ vọng, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Việc triển khai Đề án cũng sẽ tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương tham gia. Bởi Đề án cũng chú trọng đến đào tạo nghề cho lao động là người DTTS, tạo mọi điều kiện để đồng bào có cơ hội tham gia trực tiếp vào các làng nghề truyền thống để phát huy được hết giá trị của ngành nghề đặc thù ", ông Phân Văn Giàu chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Tăng cường hỗ trợ lao động DTTS tiếp cận với thông tin chính sách về đào tạo nghề và việc làm

Sóc Trăng: Tăng cường hỗ trợ lao động DTTS tiếp cận với thông tin chính sách về đào tạo nghề và việc làm

Thực hiện Tiểu dự án 3 "Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi" của Dự án 5, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719); bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền giúp lao động vùng DTTS tiếp cận với thông tin chính sách hỗ trợ đào tạo nghề gắn với thị trường lao động. Từ đó, giúp nhiều lao động có việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống và thoát nghèo.
Đọc nhiều