Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Du lịch làng nghề, lợi cả đôi đường

Trọng Bảo - 17:31, 30/06/2022

Tỉnh Lào Cai có 25 dân tộc, mỗi dân tộc có những nét văn hóa đặc sắc riêng. Trong đó, các làng nghề truyền thống là một trong những yếu tố góp phần làm nên bản sắc văn hóa của từng dân tộc. Việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống không chỉ có ý nghĩa bảo tồn văn hóa mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua hoạt động du lịch làng nghề.

Du khách thích thú khi tham quan làng nghề truyền thống
Du khách thích thú khi tham quan làng nghề truyền thống

Trong xu hướng phát triển du lịch bền vững hiện nay thì du lịch làng nghề được xem là một trong những mục tiêu được nhiều địa phương trong cả nước hướng đến. Tỉnh Lào Cai hiện có 30 làng nghề, trong đó có 20 làng nghề truyền thống, chủ yếu là thêu dệt thổ cẩm, chạm khắc bạc, làm hương, mây tre đan, rèn đúc...

Gia đình anh Tẩn Phù Lìn, thôn Nậm Giàng, xã Dền Sáng, huyện Bát Xát là một trong những hộ của thôn đã theo đuổi nghề chạm bạc từ nhiều năm nay. Không chỉ bảo tồn được nghề truyền thống của cha ông để lại, nghề chạm bạc còn mang đến cho gia đình anh Lìn một nguồn thu nhập tương đối ổn định, đủ nuôi con cái học hành.

“Trước đây thì thì các sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ trong gia đình và bà con trong thôn, xã. Bây giờ khách du lịch cũng biết tới và đến mua tại nhà, rồi mang ra chợ phiên bán… Bình quân mỗi tháng gia đình cũng thu nhập khoảng trên 6 triệu đồng”, anh Lìn cho biết.

Nghề chạm bạc ở Dền Sáng được khôi phục mấy năm trở lại đây. Toàn xã hiện có gần 10 hộ tham gia chế tác bạc. Các sản phẩm bạc được chế tác ở Dền Sáng có những nét tinh xảo và bản sắc riêng; vì thế, được thị trường yêu thích.

Hay như ở xã Mường Hum, huyện Bát Xát, nhận thấy nghề chạm bạc của người Dao đỏ thôn Séo Pờ Hồ có nhiều tiềm năng phát triển làng nghề, chính quyền địa phương đã vận động, khuyến khích người dân phát huy truyền thống làm nghề, gây dựng làng nghề thành điểm đến tham quan cho du khách mỗi khi đến với Mường Hum.

“Việc bảo tồn và phát huy các làng nghề rất quan trọng, nếu bảo tồn được thì chính bà con cũng có thêm thu nhập không chỉ từ nghề mà còn từ du lịch. Chính vì vậy, xã cũng đã tỏ chức mở lớp học nghề, mời các nghệ nhân về giảng dạy. Nhờ đó mà hiện nay các sản phẩm chế tác từ bạc của Mường Hum đa dạng hơn, tính xảo hơn…”, ông Tẩn Láo San, Bí thư xã Mường Hum chia sẻ.

Nghề chạm bạc của người Dao ở Bát Xát đã và đang được bảo tồn, phát huy
Nghề chạm bạc của người Dao ở Bát Xát đã và đang được bảo tồn, phát huy

Cùng với nghề chạm bạc của Bát Xát, các nghề truyền thống như nghề rèn, nấu rượu, mây tre đan... tại nhiều địa phương cũng đang từng bước được khôi phục và phát triển mạnh mẽ. Đây là một tiềm năng du lịch đang được khai thác hiệu quả, tiêu biểu như nghề dệt thổ cẩm tại Sa Pa. Ngày nay, thổ cẩm không chỉ hiện diện trên váy, trên áo của bà con người Mông, người Dao, người Xa Phó… mà còn theo chân các bà, các mẹ xuống chợ, đến với du khách gần xa. Du lịch làng nghề đã và đang được “đánh thức” và là điểm đến hấp dẫn của du khách trong hành trình khám phá bản sắc văn hoá của các dân tộc Lào Cai.

Ngành du lịch của tỉnh Lào Cai thời gian qua đã có sự phát triển mạnh mẽ, thu hút ngày càng nhiều du khách nên các làng nghề có điều kiện thuận lợi để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 của tỉnh Lào Cai xác định rõ phát triển sản phẩm theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.

“Tỉnh Lào Cai đã, đang và sẽ khai thác giá trị văn hóa các dân tộc trên cơ sở vừa bảo tồn vừa tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển. Cùng với đó, tăng cường gắn kết cộng đồng với nhau để tạo ra các sản phẩm mới. Ngành du lịch sẽ hỗ trợ xây dựng các điểm du lịch cộng đồng đạt chuẩn; trong đó, ưu tiên các nghề truyền thống để xây dựng các điểm du lịch hội tụ đầy đủ vẻ đẹp thiên nhiên và đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương”, ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai nhấn mạnh.


Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.