Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Vĩnh Phúc: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS

Khánh Phúc - 00:05, 16/10/2023

Trong thời gian qua, công tác vận động, tuyên truyền đồng bào DTTS luôn được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm, thực hiện. Các cấp ủy Đảng, chính quyền xem công tác tuyên truyền trong đồng bào DTTS là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng trong việc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Vĩnh Phúc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật vùng đồng bào DTTS và miền núi
Vĩnh Phúc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật vùng đồng bào DTTS và miền núi

Vĩnh Phúc là tỉnh có số lượng đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 5%), sống đan xen tại nhiều địa phương trong tỉnh. Với sự quan tâm của chính quyền địa phương thông qua việc cấp kinh phí, ban hành các Nghị quyết, Đề án liên quan đến chính sách, chế độ đặc thù cho đồng bào DTTS, công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại địa phương đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Theo đó, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Vĩnh Phúc luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các thành viên trong Hội đồng như: Ban Dân tộc, Sở Tư pháp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Công an tỉnh và các huyện đã phối hợp tổ chức tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đang triển khai trên địa bàn vùng DTTS và miền núi của tỉnh với nhiều nội dung và hình thức đa dạng.

Như tại xã Quang Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) có trên 400 hộ đồng bào Cao Lan sinh sống với gần 2.000 nhân khẩu. Để thực hiện có hiệu quả việc nâng cao dân trí, nhận thức pháp luật của đồng bào DTTS, địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và linh hoạt qua nhiều hình thức khác nhau với phương châm “dễ gần, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện”.

Bà Trần Thị Độ, người Cao Lan ở xã Quang Yên cho biết, từ ngày tham gia câu lạc bộ dân ca dân vũ ở thôn, bà không chỉ được tham gia sinh hoạt văn hóa văn nghệ, truyền dạy, giữ gìn nét văn hóa của dân tộc mình mà còn thường xuyên được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Nhờ các hình thức tuyên truyền gần gũi, đa dạng như tuyên truyền miệng, sân khấu hóa, tham gia hội thi, giao lưu… mà bà Độ cùng các thành viên trong CLB dễ dàng tiếp cận và hiểu rõ hơn các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

“Nhờ đó, tôi có thể bảo ban và nhắc nhở con cháu chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không vi phạm pháp luật, tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương” bà Độ chia sẻ.

Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã góp phần nâng cao ý thức cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo ông Hoàng Anh, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các sở, ban, ngành và Người có uy tín tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân địa phương với các nội dung về giao thông, y tế, đất đai, môi trường; xây dựng tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, thực hiện mô hình điểm pháp luật ở nhiều cơ quan, đoàn thể, thôn, bản, tổ dân phố và mô hình tự quản về an ninh trật tự.

Bên cạnh đó, trong công tác tuyên truyền, Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng đến khâu lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng. Nội dung tuyên truyền tập trung vào  nghị quyết của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, lồng ghép tuyên truyền chương trình xây dựng nông thôn mới; vấn đề định canh định cư, ổn định sản xuất; không nghe theo kẻ xấu; không sinh con thứ 3; phát hiện, tố giác những hành vi vi phạm pháp luật…

Theo đó, ông Hoàng Anh khẳng định các hành vi vi phạm pháp luật trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã giảm hẳn, các giá trị văn hóa truyền thống được phát huy. Nhiều tập tục lạc hậu dần được loại bỏ, an ninh trật tự địa bàn miền núi, vùng DTTS ổn định; đồng bào ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng.