Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Vui tết Hồ Sự Chà của người Hà Nhì

Trọng Bảo - 17:13, 18/11/2021

Sau một vụ mùa bội thu, thóc gạo đầy nhà, khi những bông hoa dã quỳ đua nhau khoe sắc cũng là thời điểm đồng bào Hà Nhì ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu rộn ràng chuẩn bị đón tết Hồ Sự Chà. Đây là ngày tết truyền thống còn lưu giữ nhiều nghi lễ và nét văn hóa đẹp mang đậm bản sắc của người Hà Nhì trên mảnh đất biên cương cực Tây Tổ quốc.

Vào ngày tết Hồ Sự Chà, mỗi gia đình người Hà Nhì đều chọn con lợn to nhất để mổ cúng ông bà tổ tiên
Vào ngày Tết Hồ Sự Chà, mỗi gia đình người Hà Nhì đều chọn con lợn to nhất để mổ cúng ông bà tổ tiên

Bà Lù Lỳ Pứ, ở bản Lò Ma, xã Ka Lăng huyện Mường Tè cho biết: Tết Hồ Sự Chà là ngày tết truyền thống được người Hà Nhì tổ chức để mừng  vụ mùa bội thu, cầu khấn tổ tiên phù hộ cho năm mới mọi điều may mắn, tốt lành. Ngày tết được tổ chức vào ngày Thìn, tức là ngày con rồng của tháng 10 âm lịch. Theo quan niệm của người Hà Nhì, ngày Thìn là ngày tượng trưng cho sự bình an, giàu có… Trong ngày tết, bà con dân bản gói bánh giầy, bánh chưng, mổ lợn cùng những sản phẩm nông nghiệp do bà con trồng cấy, hoặc khai thác từ tự nhiên để cúng ông bà, tổ tiên.

Chị Phùng Khừ Pư, con dâu bà Pứ chia sẻ: Trong Tết Hồ Sự Chà, bánh giầy là món không thể thiếu và cũng là lễ vật cúng tổ tiên vào đầu giờ sáng ngày tết đầu tiên. Việc làm bánh giầy được giao cho những người phụ nữ trong gia đình chuẩn bị. Ngày xưa, việc làm bánh giầy rất vất vả, chị em phải lựa chọn gạo nếp nương thật ngon và ngâm từ hôm trước, sáng dậy sớm đồ xôi và giã nhuyễn để nặm làm bánh.

“Bây giờ, việc giã bánh giầy được thay thế bằng máy, nên việc làm bánh của chị em phụ nữ cũng đã đỡ vất vả hơn nhiều. Tuy nhiên, món bánh giầy vẫn giữ được hương vị thơm ngon truyền thống. Việc cúng bánh giầy là để gia đình báo cáo với tổ tiên kết quả sản xuất nông nghiệp trong năm qua…”.

Sau công đoạn làm bánh giầy, mọi người tập trung mổ lợn để ăn tết, việc này thường được những người đàn ông trong gia đình đảm nhiệm. Anh Pờ Pó Chừ, con trai bà Pứ bảo: “Với người Hà Nhì, ăn Tết Hồ Sự Chà mà nhà nào mổ con lợn to chứng tỏ năm vừa qua nhà đó mùa màng bội thu, chăn nuôi tốt... Bởi thế, những con lợn được các gia đình mổ tết thường là những con lợn to nhất, đã được cả gia đình dày công chăm sóc, nhiều nhà năm nay mổ lợn nặng tới hơn 1 tạ. Khi mổ lợn, sẽ mang lợn vào trong nhà để cắt tiết…”.

Việc đưa lợn vào trong nhà để cắt tiết cũng là một nghi thức đặc biệt. Theo quan niệm của đồng bào, việc đưa lợn vào nhà là để báo cáo ông bà, tổ tiên kết quả của việc sản xuất, chăn nuôi của gia đình trong năm qua. Sau khi đã cắt tiết xong, con lợn mới được đưa ra ngoài để mổ. Trong quá trình mổ lợn, việc quan trọng nhất là lấy gan lợn để gia chủ và già làng xem. Với người Hà Nhì, lá gan tượng trưng cho ngôi nhà, những đường chỉ gan tượng trưng cho đường làm ăn, sinh sống; do đó, xem gan lợn là để đoán vận mệnh và con đường làm ăn của gia đình trong năm mới. Phong tục xem gan lợn ngày tết  của người Hà Nhì đã được lưu truyền, thể hiện ước muốn bình dị cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới…

Xem gan lợn là một nét văn hóa độc đáo của người Hà Nhì ở Mường Tè
Phong tục xem gan lợn của người Hà Nhì ở Mường Tè được lưu truyền từ lâu đời

Sau khi xem gan lợn xong, mọi người trong gia đình sẽ đi chuẩn bị mâm cúng năm mới. Mỗi phần của con lợn sẽ được chủ nhà lấy một chút, đem luộc để sắp mâm cúng. Mâm cúng thường có bánh giầy, cơm, rượu và một chút muối trắng. Sau khi cúng, mọi người trong gia đình quây quần bên nhau để ăn bữa cơm đầu năm mới và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp. Mâm cỗ tết của người Hà Nhì cũng có những nét đặc trưng riêng, mang hương vị của núi rừng, khi mà hầu hết các món ăn đều được chế biến từ lợn như thịt luộc, thịt nướng và đặc biệt biệt là món ăn được chế biến từ sản vật của núi rừng như: Sâu măng, cháo măng, nấm hương...

Chủ tịch UBND xã Ka Lăng, Khoàng Sỳ Chừ cho biết: Năm nay, do dịch bệnh Covid-19, nên xã đã tuyên truyền vận động bà con không tổ chức tập trung đông người như mọi năm. Chính vì vậy, bà con năm nay ăn tết chủ yếu là mời họ hàng, con cháu về, chứ không mời mở rộng như các năm trước. Các hoạt động lễ hội như múa hát, văn nghệ cũng rất hạn chế, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh.

“Ngày tết của đồng bào Hà Nhì thường diễn ra từ 3 - 5 ngày. Trong ngày vui đầu năm, mọi người tuyệt đối không để xảy ra to tiếng, cãi vã. Bởi theo quan niệm của người Hà Nhì, những người để xảy ra xô xát đầu năm mới sẽ phải gánh chịu một năm mới không may mắn. Bây giờ đời sống của đồng bào cũng có nhiều thay đổi, bà con đã trồng được những cây có giá trị kinh tế cao như mắc ca, sa nhân tím… nên những năm gần đây, tết của bà con cũng đủ đầy hơn trước nhiều”, anh Chừ cho biết thêm.

Cũng như tết Ga Tho Tho của người Hà Nhì ở huyện Bát Xát (Lào Cai), tết Hồ Sự Chà của đồng bào Hà Nhì ở Mường Tè, Lai Châu là dịp để báo cáo với tổ tiên, ông bà một năm lao động sản xuất. Qua đó, cũng là ước nguyện của đồng bào vào một vụ mùa bội thu trong năm mới.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.