Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lễ hội văn hóa Tết cổ truyền dân tộc Hà Nhì

Vũ Lợi - 17:35, 18/12/2020

Nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa cộng đồng người Hà Nhì ở các xã, bản trên biên giới Tây Bắc, huyện Mường Nhé (Điện Biên) đã tổ chức “Lễ hội văn hóa Tết cổ truyền dân tộc Hà Nhì” cho người dân 4 xã: Leng Su Sìn, Chung Chải, Sín Thầu và Sen Thượng.


Lần đầu tiên, huyện Mường Nhé tổ chức Lễ hội văn hóa Tết dân tộc Hà Nhì.
Lần đầu tiên, UBND huyện Mường Nhé tổ chức Lễ hội văn hóa Tết dân tộc Hà Nhì.

Có mặt ở xã Sín Thầu trong những ngày bà con Hà Nhì vui tết cổ truyền Hồ Sự Chà, chúng tôi cảm nhận được không khí tưng bừng, rộn rã, ai nấy cũng rất phấn khởi. Trên mọi ngả đường, ngõ thôn đều được quét dọn tinh tươm, căng nhiều băng rôn và trang hoàng rực rỡ bởi sắc thắm của những lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới dưới ánh nắng chan hòa…

Vận trên mình bộ trang phục lộng lẫy truyền thống của dân tộc Hà Nhì, chị Pờ Sơn Mé, thành viên đội văn nghệ quần chúng xã Sín Thầu chia sẻ: Tết cổ truyền Hồ Sự Chà năm nay với chị và mọi người rất đặc biệt. Bởi lần đầu tiên cộng đồng Hà Nhì ở 4 xã biên giới Mường Nhé đều tề tựu đông vui tại đây. Để chuẩn bị cho ngày tết quan trọng diễn ra được vui vẻ và ý nghĩa, bản thân chị đã tích cực cùng cán bộ xã chuẩn bị chu đáo các công đoạn khánh tiết: Dọn sân chơi thể thao, dựng nhà đoàn kết... Chị còn cùng với chị em Hội Phụ nữ xã sưu tầm trang phục truyền thống, tổ chức luyện tập các tiết mục văn nghệ đặc sắc của người Hà Nhì như: Múa vui hội xuân, hát vui sản xuất, điệu xòe không ngủ...

Người Hà Nhì gói bánh để cúng trong ngày tết cổ truyền.
Người Hà Nhì gói bánh để cúng trong ngày tết cổ truyền.

Ngày đầu tiên của năm mới, cộng đồng người Hà Nhì tập trung tại bản Tá Miếu, xã Sín Thầu. “Tá Miếu” tiếng Hà Nhì nghĩa là “Miếu to” - đây là khu vực linh thiêng của cộng đồng người Hà Nhì. Chính vì vậy, trước khi diễn ra các hoạt động lễ hội, các già làng, trưởng dòng họ cùng đại biểu tham dự đã tổ chức lễ cúng tưởng nhớ vị anh hùng có công lập bản, bảo vệ vùng đất của tổ tiên. Nhân dịp này, người dân cùng nhau ôn lại truyền thống tham gia giữ gìn, bảo vệ biên giới qua nhiều thế hệ.

Phần lễ của tết cổ truyền Hà Nhì được thực hiện theo mô phỏng của 1 gia đình. Để chuẩn bị cho hoạt động này, mỗi xã đã dựng một ngôi nhà truyền thống, chuẩn bị các các nhu yếu phẩm tổ chức lễ cúng tổ tiên, làm bánh trôi, bánh dày, làm cỗ đón du khách đến chung vui… Người Hà Nhì quan niệm, trong những ngày tết gia đình nào đón được càng đông anh em, bạn bè, du khách muôn phương đến thăm, chúc tết thì năm mới sẽ nhiều tài lộc, may mắn.

Người Hà Nhì làm bánh đón tết cổ truyền.
Người Hà Nhì làm bánh đón tết cổ truyền.


Ðan xen với các nghi thức trong lễ hội, người dân và du khách cùng hòa mình vào không gian văn hóa truyền thống của dân tộc Hà Nhì với các trò chơi dân gian: Bập bênh (à chu chì), chơi đu (a gừ chì), ném còn (lê po á sì pè), đẩy gậy... Ðặc biệt, cùng thưởng thức những làn điệu, câu hát giao duyên, điệu múa; khám phá vẻ đẹp đặc sắc trang phục qua phần trình diễn trang phục truyền thống Hà Nhì. Màn đêm buông xuống, bên ánh lửa bập bùng, hòa với tiếng chiêng rộn rã vang vọng núi rừng, mọi người lại tay trong tay vui điệu múa xòe đoàn kết.

Phụ nữ Hà Nhì duyên dáng ngày tết.
Phụ nữ Hà Nhì duyên dáng ngày tết.

Ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Lễ hội lần đầu tiên được tổ chức trong 2 ngày (15 - 16/12). UBND huyện đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, 4 xã tập trung đồng bào người Hà Nhì sinh sống (Chung Chải, Leng Su Sìn, Sen Thượng, Sín Thầu) đẩy mạnh việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức (pa nô, áp phích, xe lưu động...) để người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa của lễ hội. Tham dự lễ hội, mỗi xã thành lập 1 đoàn nghệ nhân, xây dựng mô hình nhà từ 3 - 5 gian, chuẩn các nghi thức cúng, dâng lễ vật, mâm cơm năm mới… Sau đó 1 nghệ nhân đại diện chủ hộ giới thiệu với du khách những nét văn hóa đặc sắc, phong tục truyền thống ngày Tết cổ truyền người Hà Nhì.

Ném còn trong ngày tết.
Ném còn trong ngày tết.

Ngoài ra, mỗi xã còn tổ chức trưng bày và giới thiệu các sản vật đặc trưng như: Đồ dùng sinh hoạt, trang phục truyền thống, sản phẩm nông nghiệp...; tổ chức nấu và trang trí các món ăn mang đậm hương vị Hà Nhì như: xúc xích, thịt hun khói, bánh dày... để đón chào du khách đến vui tết.

Tin cùng chuyên mục
Lễ hội "Bun Vốc Nặm" của người Lào ở Lai Châu

Lễ hội "Bun Vốc Nặm" của người Lào ở Lai Châu

Dân tộc Lào ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu là cộng đồng dân cư sinh sống chủ yếu ở ven các con suối, những nơi có nhiều nước, thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp. Dân số không đông nhưng đời sống văn hóa tinh thần của người Lào có nhiều nét đặc sắc. Một trong những lễ hội tiêu biểu của người Lào là "Bun Vốc Nặm"- lễ hội té nước được tổ chức vào cuối mùa Xuân với mong ước, cầu mưa thuận, gió hòa một vụ mùa mới bội thu…