Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Vững bước dưới cờ Tổ quốc

Sỹ Hào - 17:44, 01/09/2024

Với các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, vùng DTTS và miền núi đã chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực; đời sống của đồng bào DTTS được nâng lên. Những thành tựu trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc và sự quan tâm xuyên suốt, thường xuyên, liên tục của Đảng, Nhà nước đã bồi đắp niềm tin của đồng bào DTTS để tiếp tục vững bước dưới cờ Tổ quốc, vượt khó đón thời cơ, cùng với Nhân dân cả nước thực hiện mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.

Đồng bào Tày, Nùng sinh sống ở xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk trong bộ trang phục truyền thống vui đón Tết Độc lập. Ảnh: TL
Đồng bào Tày, Nùng sinh sống ở xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk trong bộ trang phục truyền thống vui đón Tết Độc lập. Ảnh: TL

Cách đây 79 năm, ngày 02/9/1945, trên Vườn hoa (nay là Quảng trường) Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kể từ đó, bên cạnh Tết cổ truyền và Tết Dương lịch, mỗi năm, Nhân dân ta đón thêm một cái Tết đặc biệt - Tết Độc lập.

Đó là cái Tết biểu tượng cho hòa bình, độc lập, tự do. Với đồng bào DTTS, Tết Độc lập không chỉ là ngày hội mà còn là dịp để ôn lại truyền thống hào hùng của quê hương; là dịp để tỏ lòng biết ơn Đảng, Nhà nước; biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem lại độc lập, tự do và quan tâm chăm lo mọi mặt đời sống cho đồng bào các dân tộc.

Tình cảm của đồng bào các DTTS là một lẽ tự nhiên, như chính sự quan tâm thường xuyên, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào các dân tộc. Ngay trong Cương lĩnh đầu tiên (năm 1930), Đảng ta đã xác định, nhiệm vụ tối cao của cách mạng Việt Nam là “Độc lập dân tộc và người cày có ruộng”. Đó là nguyện vọng, là khát vọng của Nhân dân Việt Nam, trong đó có đồng bào các DTTS.

Và để khát vọng đó thành sức mạnh, tại Đại hội lần thứ Nhất (từ 27 đến 31/3/1935), Đảng ta (lúc đó là Đảng Cộng sản Đông Dương) đã ban hành các nghị quyết về công tác vận động lực lượng quần chúng; trong đó có Nghị quyết về công tác trong các DTTS, được thông qua ngày 28/3/1935. Nghị quyết đã nêu một số nhiệm vụ cần kíp để vận động, bảo vệ quyền lợi của các DTTS, từ đó đoàn kết các dân tộc, tăng thêm sức mạnh của cách mạng.

Cùng với Nhân dân cả nước, đồng bào các dân tộc nguyện vững bước dưới cờ Tổ quốc, sắt son làm theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vang vọng giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử của mùa Thu 79 năm trước: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Sau hơn 10 năm kể từ Đại hội lần thứ Nhất, vượt bao gian khó, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã kết tụ dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam độc lập, tự do. Cùng với Nhân dân cả nước, đồng bào các dân tộc nguyện vững bước dưới cờ Tổ quốc, sắt son làm theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vang vọng giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử của mùa Thu 79 năm trước: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ cần kíp trong Nghị quyết về công tác trong các DTTS được thông qua tại Đại hội lần thứ Nhất, ngày 03/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 58/SL về tổ chức bộ máy Bộ Nội vụ; trong đó có Nha Dân tộc thiểu số (nay là Ủy ban Dân tộc), với nhiệm vụ “Xem xét các vấn đề về chính trị và hành chính về các DTTS trong nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam”.

Kể từ đó, chủ trương “bênh vực quyền lợi hằng ngày” của các DTTS được đề ra tại Đại hội lần thứ Nhất năm 1935 đã được Đảng, Nhà nước ta kế thừa, phát triển. Lĩnh vực công tác dân tộc thường xuyên được bổ sung, với hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi. Tính đến năm 2020, đã có 118 chính sách được ban hành, triển khai nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu các dân tộc bình đẳng, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển.

Từ năm 2021, bên cạnh 2 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, lần đầu tiên, nước ta có Chương trình MTQG dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, với 10 Dự án và 14 Tiểu Dự án thành phần. Sau gần 4 năm triển khai, đến nay, nhiều vấn đề cấp bách ở vùng DTTS và miền núi tiếp tục được giải quyết căn cơ.

Theo tổng hợp của Ủy ban Dân tộc, tính đến đầu năm 2024, đã có 25/52 tỉnh, thành phố đạt chỉ tiêu giảm mỗi năm trên 3% hộ nghèo người DTTS; 18/52 tỉnh, thành phố đạt 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 16/52 tỉnh, thành phố hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; 14/52 tỉnh, thành phố quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí trên 60% số hộ DTTS đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở…

Tình hình giáo dục, y tế, an sinh xã hội của đồng bào DTTS đã và đang ngày càng cải thiện. Trong đó, có 36/52 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%; 36/52 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%; 25/52 tỉnh, thành phố giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%...

Những thành tựu trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc và sự quan tâm xuyên suốt, thường xuyên, liên tục của Đảng, Nhà nước đã bồi đắp thêm niềm tin của đồng bào các DTTS để tiếp tục vững bước dưới cờ Tổ quốc. Đón Tết Độc lập năm nay, đồng bào các dân tộc càng quyết tâm hơn để thực hiện mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Tin cùng chuyên mục
Những hòn than nguội ngắt!

Những hòn than nguội ngắt!

UBND huyện Bát Xát (Lào Cai) vừa ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 2 chủ tịch xã vì lơ là trong công tác phòng chống bão lũ. Giữa thời điểm “nước sôi lửa bỏng”, khi mà vấn đề phòng chống mưa lũ, sạt lở đất liên tục được nâng mức cảnh báo nguy hiểm, thì các ông lại bỏ nhiệm sở đi đâu và làm gì?