Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Vùng đồng bào dân tộc Chăm với nhiều thành tựu phát triển mang tính toàn diện

Thư Thi - 06:21, 05/11/2022

Hiện 99,5% hộ đồng bào dân tộc Chăm đã được sử dụng điện lưới; 97% hộ có nguồn nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ vay vốn chính sách ưu đãi chiếm 26% tổng số hộ;… Đây là những con số minh chứng cho sự đổi thay mạnh mẽ của vùng đồng bào dân tộc Chăm.

Lễ hội Katê năm 2022 tỉnh Bình Thuận diễn ra từ ngày 24 - 26/10 (Trong ảnh: Các vị chức sắc đồng bào Chăm Bình Thuận đánh chiêng, bắt đầu nghi thức đi rước y trang tại Lễ hội Katê 2022 - Nguồn: TTXVN)
Lễ hội Katê năm 2022 tỉnh Bình Thuận diễn ra từ ngày 24 - 26/10 (Trong ảnh: Các vị chức sắc đồng bào Chăm Bình Thuận đánh chiêng, bắt đầu nghi thức rước y trang tại Lễ hội Katê 2022 - Nguồn: TTXVN)

Thành tựu vượt bậc

Trước năm 2004, bên cạnh khó khăn về kinh tế - xã hội (KT – XH) thì hệ thống chính trị cơ sở ở một số nơi có đông đồng bào Chăm sinh sống còn yếu, lực lượng đảng viên cốt cán là người Chăm còn mỏng… là điều kiện để các thế lực thù địch kích động. Nhằm giải quyết một cách căn bản những khó khăn, tạo động lực cho đồng bào Chăm nhanh chóng hòa nhập với sự phát triển chung của đất nước, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg về tiếp tục đẩy mạnh phát triển KT - XH, bảo đảm an ninh, trật tự ở vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới.

Theo Kết quả điều tra thực trạng KT – XH 53 DTTS, tại thời điểm tháng 4/2019, đồng bào dân tộc Chăm trong cả nước có 46. 573 hộ, với 178. 948 nhân khẩu. Ngoài một bộ phận nhỏ sinh sống ở Trung du miền núi phía Bắc (28 người), đồng bằng sông Hồng (109 người), Tây Nguyên (670 người), đồng bằng sông Cửu Long (3.569 người), Đông Nam bộ (8.473 người) thì đồng bào dân tộc Chăm cư trú tập trung ở Duyên hải miền Trung (33.724 người); chủ yếu ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

Kể từ đó, với sự hỗ trợ có tính ưu tiên của Trung ương, các địa phương có đông đồng bào dân tộc Chăm sinh sống, đã ưu tiên nguồn ngân sách địa phương và các nguồn lực khác, lồng ghép thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách trên địa bàn. Đến nay, 100% xã đã có đường ô tô được kiên cố hóa đến trung tâm xã, có trạm y tế, trường học, nhà văn hóa, điểm bưu điện văn hóa xã; vấn đề thiếu và không có đất sản xuất cơ bản được giải quyết. 

Ngành, nghề truyền thống của đồng bào Chăm được khôi phục, bảo tồn, phát huy, gắn phát triển làng nghề với du lịch cộng đồng đã tạo thêm công ăn, việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đời sống kinh tế người Chăm được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.

Theo Kết quả điều tra thực trạng KT – XH 53 DTTS, do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Ủy ban Dân tộc thực hiện, tại thời điểm tháng 4/2019, nhiều chỉ số về tiếp cận dịch vụ cơ bản của đồng bào Chăm cao hơn mức bình quân của 53 DTTS. Trong đó, tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố của đồng bào dân tộc Chăm đạt 92,4% (bình quân chung 53 DTTS đạt 79,2%), tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia là 99,5% (bình quân chung 53 DTTS là 96,7%), tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh là 97% (bình quân chung 53 DTTS là 88,6%), tỷ lệ hộ được vay vốn chính sách ưu đãi là 26% (bình quân chung 53 DTTS là 19,7%),…

Về thôn Tuy Tịnh 2, xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bỉnh Thuận mới thấy được đổi thay rõ nét của vùng đồng bào dân tộc Chăm hôm nay. Trước đây, thôn Tuy Thịnh 2 là một vùng đất khô cằn, canh tác khó khăn do thiếu nước, cuộc sống của bà con người Chăm nơi đây thiếu thốn trăm bề. Nhưng nay, cả thôn có hơn 350 hộ, thì hiện chỉ còn 5 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.

Đời sống của đại bộ phận người dân vùng đồng bào dân tộc Chăm đã được nâng lên, mức sống khá cao so với mặt bằng chung của 53 DTTS. (Trong ảnh: Bán hàng lưu động ở làng Chăm Châu Giang, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang - Ảnh: TL)
Đời sống của đại bộ phận người dân vùng đồng bào dân tộc Chăm đã được nâng lên, mức sống khá cao so với mặt bằng chung của 53 DTTS. (Trong ảnh: Bán hàng lưu động ở làng Chăm Châu Giang, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang - Ảnh: TL)

Hay ở Ninh Thuận – tỉnh có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống đông nhất cả nước (18.134 hộ/85.256 khẩu), hiện 100% xã vùng đồng bào dân tộc Chăm của tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% hộ được sử dụng điện, có trạm y tế, có nhà văn hóa xã, 100% thôn, khu phố vùng đồng bào Chăm có trường mẫu giáo tiểu học,… Đến hết năm 2021, 11/13 xã vùng đồng bào Chăm của tỉnh đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020.

Phát huy bản sắc trong quá trình hội nhập

Thành tựu phát triển vượt bậc của vùng đồng bào dân tôc Chăm hôm nay, là minh chứng cụ thể nhất cho đường lối nhất quán “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng tiến bộ” của Đảng, Nhà nước ta. Cùng với các chính sách phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân tộc Chăm, các địa phương còn thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ để không ngừng nâng cao đời sống văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Chăm trong tình hình mới.

Đồng bào Chăm ở huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) thu hoạch lúa vụ Mùa. (Nguồn: TTXVN)
Đồng bào Chăm ở huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) thu hoạch lúa vụ mùa. (Nguồn: TTXVN)

Đi dọc duyên hải miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận, rất dễ để bắt gặp những dấu tích văn hóa của người Chăm đã và đang được bảo tồn. Đó là những ngọn tháp rêu phong cổ kính, như: Lâm Ấp cổ thành tại Quảng Bình; tháp Bạc, tháp Bình Lâm, tháp Cánh Tiên và thành Chà Bàn, tháp Thủ Thiện, tháp Hưng Thạnh tại Bình Định; tháp Nhạn tại Phú Yên; tháp Ppo Nagar tại Khánh Hoà; cụm tháp Hòa Lai, tháp Ppo Klaung Garai và tháp Ppo Rome tại Ninh Thuận; cụm tháp Po Dơm, tháp Phú Hài tại Bình Thuận…

Một nét đặc sắc phải kể đến trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Chăm, chính là lễ hội, điển hình là Lễ hội Katê. Đây là Lễ hội của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn, được phục dựng từ năm 2005, tại Di tích cấp quốc gia Pô Sha Inư (tỉnh Bình Thuận), với đầy đủ các nghi thức và các giá trị văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc vốn có trong lịch sử, mang đậm yếu tố tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào Chăm.

Đồng bào Chăm ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận vươn lên làm giàu từ trồng cây măng tây xanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đồng bào Chăm ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận vươn lên làm giàu từ trồng cây măng tây xanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong khuôn khổ Lễ hội Katê năm 2022 diễn ra từ ngày 24 - 26/10, UBND tỉnh Bình Thuận đã công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch về việc đưa lễ hộ Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào danh mục văn hóa phi vật thể Quốc gia. Trước đó, năm 2017, đồng bào Chăm ở tỉnh Ninh Thuận cũng đã đón nhận Bằng chứng nhận Lễ hội Katê vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Những thành quả trong mọi lĩnh vực đời sống càng làm cho đồng bào Chăm phấn khởi, thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; góp phần quan trọng vào việc củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 Giai đoạn 2021 – 2030, vùng đồng bào dân tộc Chăm tiếp tục được thụ hưởng các chương trình, dự án đầu tư để phát triển; trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào, tin tưởng rằng trong tương lai gần, vùng đồng bào dân tộc Chăm tiếp tục đạt được những thành tựu ấn tượng, hội nhập cùng sự phát triển của đất nước./.