Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Vùng đồng bào DTTS và miền núi với mục tiêu tăng trưởng toàn diện: Tăng trưởng kinh tế bao trùm (Bài 1)

Sỹ Hào - 15:02, 25/10/2022

LTS: Tăng trưởng toàn diện là một giai đoạn trên con đường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Từ một nước nghèo, thu nhập thấp, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam đã từng bước triển khai chiến lược tăng trưởng toàn diện, bao trùm mọi vùng miền, trong đó có sự ưu tiên vùng đồng bào DTTS và miền núi. Những thành tựu vượt bậc về tăng trưởng toàn diện của vùng đồng bào DTTS và miền núi, ở 3 trụ cột đo lường chính (kinh tế, bình đẳng, điều kiện sống và an sinh xã hội), là bằng chứng đanh thép bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch về chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hệ thống chính sách dân tộc tập trung ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất vùng có đông người DTTS, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. (Ảnh minh họa)
Hệ thống chính sách dân tộc tập trung ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất vùng có đông người DTTS, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. (Ảnh minh họa)

Tăng trưởng về kinh tế là chỉ tiêu cơ bản để đo lường tăng trưởng toàn diện. Cùng với cả nước, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Điều này khẳng định nguyên tắc nhất quán: Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tăng trưởng ấn tượng

Kể từ khi bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới vào năm 1986 đến nay, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, và được duy trì trong một thời gian dài. Năm 2020 và 2021, dưới tác động của đại dịch Covid – 19, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, được xem là điểm sáng đáng ghi nhận.

Trước đó, giai đoạn 1985 - 2020, báo cáo của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân của Việt Nam đạt 6,4%/năm. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng so với mức tăng trưởng bình quân 2,78%/năm của toàn thế giới, 3,8%/năm của các nước có thu nhập thấp và 4,2%/năm của các nước có thu nhập trung bình thấp trong cùng thời kỳ.

Theo Báo cáo “Tăng trưởng vì mọi người: Báo cáo phát triển con người Việt Nam 2015 về tăng trưởng bao trùm” của Chương trình phát triển Liên hợp quốc, tăng trưởng được coi là toàn diện khi tăng trưởng được tối đa hóa ở tất cả các nhóm thu nhập, nam giới và phụ nữ, nhóm xã hội và dân tộc, các vùng miền; người dân được hưởng sự bình đẳng cơ hội và lợi ích từ việc tham gia trực tiếp vào quá trình tăng trưởng, chủ yếu thông qua mức độ cao về việc làm và sự cải thiện năng suất lao động.

Cùng với sự phát triển chung của đất nước, vùng đồng bào DTTS và miền núi, cũng đạt mức tăng trưởng thần kỳ. Chỉ tính giai đoạn 2016 – 2018, Báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10/6/2021 của Ủy ban Dân tộc về Tổng kết Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020 cho thấy, GDP bình quân của vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 7%/năm và tăng dần hằng năm, cao hơn mức bình quân chung cả nước. Trong đó, năm 2016 tăng trưởng đạt 6,67%, năm 2017 là 6,890% và năm 2018 là 7,56%.

Đáng chú ý, năm 2018, vùng DTTS và miền núi có 12/52 tỉnh thành có mức tăng trưởng trên 8%. Trong đó, Lào Cai đạt 10,3%, Thanh Hóa đạt 14,07%, Trà Vinh đạt 9,56%, Quảng Ngãi đạt 8,74%,… Trong khi đó, GDP cả nước năm 2018 tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở lại đây.

Mức tăng trưởng thần kỳ của vùng đồng bào DTTS và miền núi xuất phát từ việc các bộ ngành, địa phương đã triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020 theo Quyết định 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ. 

Các chính sách theo từng ngành, từng lĩnh vực được ban hành trong giai đoạn này đã huy động được nguồn lực lớn để đầu tư phát triển sản xuất ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các địa phương trong vùng đã phát huy tiềm năng, thế mạnh, tập trung phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng cơ chế thị trường…

Những năm gần đây, tăng trưởng của một số địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi cao hơn bình quân chung cả nước.
Những năm gần đây, tăng trưởng của một số địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi cao hơn bình quân chung cả nước.

“Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược Công tác dân tộc, các địa phương cũng đã ban hành các chính sách đặc thù, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; trong đó tập trung ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất vùng có đông người DTTS, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào”, Báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10/6/2021 của Ủy ban Dân tộc nêu rõ.

Bảo đảm bình đẳng về tăng trưởng

Cùng với Nghị định 05/NĐ-CP ngày 14/01/2011 về Công tác dân tộcChiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020 đã cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng và định hướng của Nhà nước về vấn đề đại đoàn kết dân tộc và công tác dân tộc trong giai đoạn 2011 – 2020. Thành tựu của vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là ở góc độ tăng trưởng kinh tế, là kết quả xứng đáng cho nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị và quyết tâm vươn lên của đồng bào các dân tộc.

Một nỗ lực đáng ghi nhận là sự tăng trưởng vượt bậc của 16 DTTS rất ít người (có dân số dưới 10 nghìn người). Các DTTS rất ít người chỉ chiếm 0,08% dân số toàn quốc, 0,55% so với DTTS; chủ yếu cư trú tại những địa bàn khó khăn thuộc lõi nghèo của cả nước, tập trung ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn của các tỉnh vùng núi cao, biên giới. Do đó, các DTTS rất ít người luôn bị tụt hậu trong việc tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ công và cơ hội phát triển; đặc biệt, nguy cơ suy thoái giống nòi luôn hiện hữu khi trong đời sống, đồng bào vẫn còn những hủ tục lạc hậu.

Kinh tế - xã hội của cộng đồng 16 DTTS rất ít người đã chuyển biến tích cực, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng như của cả nước. (Trong ảnh: Đồng bào dân tộc Rơ Măm, một trong 16 DTTS rất ít người ở Làng Le, xã Mo Rai của huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum).
Kinh tế - xã hội của cộng đồng 16 DTTS rất ít người đã chuyển biến tích cực, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng như của cả nước. (Trong ảnh: Đồng bào dân tộc Rơ Măm, một trong 16 DTTS rất ít người ở Làng Le, xã Mo Rai của huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum).

Với quyết tâm “không bỏ ai lại phía sau” trong quá trình tăng trưởng, ngoài các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ chung cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, các chính sách đặc thù riêng dành cho các DTTS rất ít người đã được ban hành, triển khai thực hiện. Đó là Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, Cống, Cờ lao, La Hủ” theo Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 26/9/2011; Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An” theo Quyết định 280/QĐ-TTg ngày 16/12/2016;… Giai đoạn 2017 – 2020, các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng các DTTS rất ít người được triển khai theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016.

Ngoài ra, các địa phương cũng đã ban hành chính sách đặc thù riêng để hỗ trợ các DTTS rất ít người phát triển. Trong đó, tỉnh Kon Tum có Đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội DTTS rất ít người Brâu” theo Quyết định số 941b/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 và Đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội DTTS rất ít người Rơ Măm” theo Quyết định 941c/QĐ-UBND ngày 20/9/2017; tỉnh Nghệ An triển khai Đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016 - 2025” theo Quyết định số 3829/QĐ-UBND ngày 22/8/2017;…

Các chính sách của Trung ương và địa phương, đã góp phần thay đổi diện mạo ở 194 thôn bản trên địa bàn 93 xã thuộc 37 huyện của 12 tỉnh có đồng bào DTTS rất ít người sinh sống. Tình hình kinh tế - xã hội của cộng đồng 16 DTTS rất ít người đã chuyển biến tích cực, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng như của cả nước.

Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã chuyển mình rõ nét. (Trong ảnh: Làng nông thôn mới Kínonh, xã A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam
Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã chuyển mình rõ nét. (Trong ảnh: Làng nông thôn mới Kínonh, xã A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam)

Để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội vùng các DTTS rất ít người, ngày 10/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 499/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và phát triển các DTTS rất ít người giai đoạn 2021 - 2030”. Căn cứ vào tình hình thực hiện chính sách dân tộc trong tình hình mới, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng Dự án “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn” và đặt trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Dự án là sự tích hợp các Quyết định số 1672/QĐ-TTg, Quyết định số 2086/QĐ-TTg, Quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Các quyết sách phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi chung, vùng các DTTS rất ít người nói riêng đã khẳng định nguyên tắc nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là: Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, yêu thương, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nguyên tắc này còn được cụ thể hóa ở các chỉ tiêu khác về tăng trưởng như: tăng trưởng việc làm, năng suất lao động,…, với những thành tựu rất ấn tượng.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Ngày 14/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1227/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025. Danh sách gồm 32 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn và 14 dân tộc có khó khăn đặc thù sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn các xã khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Đây là căn cứ để tiếp tục triển khai và xây dựng, ban hành các chính sách đặc thù áp dụng đối với các DTTS rất ít người trong giai đoạn tới.