Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Giảm nghèo trong đồng bào DTTS: Cần nhất là thay đổi tư duy

PV - 17:19, 20/07/2022

Nhờ thực hiện tốt chiến lược công tác dân tộc, ưu tiên nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn xã hội hóa, cũng như các chương trình hỗ trợ từ Trung ương, mà chính sách giảm nghèo vùng đồng bào DTTS ở Bình Phước đã đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên, về lâu dài, các chính sách cần đi vào thực chất hơn và có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ngành liên quan trong việc chủ động thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với đồng bào DTTS luôn được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự đồng thuận tham gia đóng góp của cộng đồng; các chính sách giảm nghèo được hỗ trợ trực tiếp, sát nhu cầu thực tế. Qua đó, đã giúp đồng bào có nhà ở ổn định, có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, đời sống từng bước được cải thiện.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, hỗ trợ chăn nuôi gia súc là một trong những chính sách đang phát huy hiệu quả tích cực
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, hỗ trợ chăn nuôi gia súc là một trong những chính sách đang phát huy hiệu quả tích cực

Một trong những điểm nhấn trong công tác này, là chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS được triển khai từ năm 2019. Trong đó, có 9 chính sách thuộc chương trình này được hỗ trợ trực tiếp đến người nghèo thụ hưởng, gồm: Hỗ trợ nhà ở, nhà vệ sinh, điện, nước sinh hoạt, tạo việc làm, vay vốn để phát triển sản xuất… Nhờ triển khai thực hiện các chính sách một cách trọng tâm, trọng điểm, mà giai đoạn 2018 - 2021, Bình Phước đã giảm 4.747 hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS/tổng số hộ DTTS giảm từ 7,6% (năm 2019) còn 1,12% (năm 2021). Những kết quả này phần nào cho thấy hiệu quả của các chính sách và sự cải thiện trong đời sống của hộ nghèo DTTS.

Cần sự thay đổi trong tư duy

Dù đạt được những kết quả nhất định, nhưng công tác giảm nghèo cho đồng bào DTTS vẫn tồn tại một số hạn chế. Nguyên nhân là do nguồn vốn hỗ trợ còn hạn chế; nhận thức của đồng bào DTTS về thoát nghèo chưa thực sự thay đổi, còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; việc hỗ trợ giảm nghèo còn thực hiện theo hình thức một chiều; công tác rà soát, lựa chọn đối tượng, xác định nhu cầu cần hỗ trợ cho các hộ thoát nghèo có một số địa phương làm chưa chính xác, chưa chú trọng đến việc xác định nguyên nhân nghèo để tư vấn, hướng dẫn hình thức hỗ trợ phù hợp nhằm đạt được mục tiêu của chương trình đề ra…

Trong đó, thay đổi tư duy của người dân là quan trọng nhất. Bởi chỉ khi nhận thức thay đổi, luôn nỗ lực vươn lên thì các chính sách mới phát huy tối đa hiệu quả và mang tính bền vững.

“Chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, đồng thời đổi mới, đa dạng các hình thức hỗ trợ giảm nghèo để phát huy khả năng và tính sáng tạo của các hộ nghèo đồng bào DTTS. Thay vì hỗ trợ bò, dê thì chúng tôi sẽ có các chính sách hỗ trợ vốn để địa phương và người thụ hưởng linh hoạt trong việc vận dụng nguồn vốn phù hợp tình hình thực tế của người dân”.

Bà Huỳnh Thị Thùy TrangGiám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước

Hộ chị Điểu Thị Chu ở thôn Đắk Côn, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập là một trong nhiều gia đình trên địa bàn xã thụ hưởng từ chương trình hỗ trợ bò giống dành cho đồng bào DTTS khó khăn. Chị Chu chia sẻ: “Làm lớn không được thì mình phải làm nhỏ, làm từ từ. Mình chăn nuôi con bò, con dê dù nhỏ nhưng nếu chịu khó chăm sóc thì vẫn hiệu quả. Bây giờ đã không có tiền mà không có sự hỗ trợ, thì mình muốn chăn nuôi thêm chắc cũng khó. Mình phải cố gắng làm lụng, chứ không phải bỏ đó ra sao thì ra”.

Tuy nhiên, không phải hộ dân nào cũng có ý thức vươn lên thoát nghèo như gia đình chị Chu. Tâm lý của các hộ nghèo DTTS vẫn còn “không muốn thoát nghèo”. Hơn nữa, trình độ học vấn còn hạn chế, cũng khiến họ lúng túng trong việc sử dụng nguồn vốn vay, sản phẩm làm ra chưa kết nối được thị trường, sức cạnh tranh thấp… Điều này cũng dễ làm nảy sinh tâm lý chán nản và khiến hộ nghèo trở lại con đường “no bữa nào hay bữa đấy”.

Để khắc phục hạn chế và nâng cao hiệu quả các chính sách giảm nghèo, trong thời gian tới, Sở Lao động Thương binh và Xã hội sẽ chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh đánh giá, phân loại hộ nghèo nhằm có giải pháp riêng cho từng nhóm và xác định số hộ DTTS có khả năng thoát nghèo bền vững.

Trong đó, nhóm 1 là các gia đình già yếu, bệnh tật, thiếu lao động, không có khả năng thoát nghèo, cần vận động hỗ trợ và thực hiện các chính sách xã hội để bảo đảm an sinh xã hội. Đây là nhóm đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội thường xuyên.

Nhóm 2 là các đối tượng có nhân lực, có nhu cầu lao động nhưng thiếu tư liệu sản xuất, thiếu việc làm. Các đối tượng này sẽ được tập trung cho vay vốn, hỗ trợ tư liệu sản xuất, giới thiệu, tạo việc làm để thoát nghèo bền vững.

Nhóm 3 là đối tượng không chịu lao động, còn tư duy trông chờ, ỷ lại. Đây là nhóm khó chuyển biến nhất và cần tập trung tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để thay đổi tư duy trước khi hỗ trợ vốn và tư liệu sản xuất.

Tin cùng chuyên mục
Bình Định: Hiệu quả từ các câu lạc bộ chống tảo hôn

Bình Định: Hiệu quả từ các câu lạc bộ chống tảo hôn

Nhận thức được những tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, sức khoẻ sinh sản của thế hệ trẻ đồng bào DTTS, tỉnh Bình Định và các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để giảm thiểu nạn tảo hôn. Trong đó, việc đẩy mạnh thành lập các câu lạc bộ (CLB) phòng chống tảo hôn trong trường học đã mang lại hiệu quả bước đầu.