Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Vùng DTTS và miền núi sau 10 năm xây dựng NTM: Sức bật mới cho vùng khó

Hoàng Thanh - 14:52, 15/05/2020

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thay đổi diện mạo vùng DTTS và miền núi. Sau 10 năm (2010 - 2020), từ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng của đồng bào các dân tộc, nhiều địa bàn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) đã “vượt cạn” thành công.

Diện mạo nông thôn miền núi đã thay đổi rõ nét
Diện mạo nông thôn miền núi đã thay đổi rõ nét

Với nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ, cùng với những giải pháp đột phá, công tác xây dựng NTM tại các địa phương vùng DTTS và miền núi thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Theo Báo cáo số 02/BC-BCĐCTMTQG, ngày 27/4/2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG, hết quý I/2020, cả nước đã có 5.064 xã (57%) đạt chuẩn NTM; vượt 7% so với mục tiêu đề ra của giai đoạn 10 năm (2010 - 2020). Đồng thời, đã có 63 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 

Đối với các địa phương vùng DTTS và miền núi, tính hết tháng 3/2020 đã có 2.947 xã (45%) đạt chuẩn NTM. Trong đó, riêng tỉnh Hòa Bình đã có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đặc biệt, trong 125 xã sau khi thoát khỏi tình trạng ĐBKK, đã có 109 xã “về đích” NTM. 

Có được kết quả này, ngoài sự chung sức đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân cùng với chính quyền các cấp, thì yếu tố quyết định chính là nguồn lực đầu tư của Nhà nước. Trong những năm qua, nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ các địa phương đã được ban hành, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các xã ĐBKK và xã đạt dưới 5 tiêu chí cao hơn 4 - 5 lần so với các địa phương khác.

Đời sống tinh thần của người dân được nâng cao
Đời sống tinh thần của người dân được nâng cao

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ thôn, bản, ấp thuộc các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020”. Trong đó, bổ sung khoảng 1,4 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho 3.513 thôn, bản, ấp thuộc 36 tỉnh triển khai Đề án.

Nhờ có nguồn lực đầu tư lớn, thông qua Chương trình MTQG xây dựng NTM, đời sống của đồng bào các dân tộc cả nước đã được cải thiện rõ nét. Tỷ lệ hộ nghèo các xã ĐBKK vùng DTTS và miền núi giảm khoảng 3 - 4%/năm. Đến nay, vùng DTTS và miền núi đã có 61,3% số xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập và 60,7% số xã hoàn thành tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo.

Tuy nhiên, công cuộc xây dựng NTM tại vùng DTTS và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng NTM ở vùng DTTS và miền núi trong giai đoạn tới, việc tăng mức hỗ trợ vốn trực tiếp để thực hiện Chương trình cho các địa phương có đặc thù (bị chia cắt, thường xuyên xảy ra thiên tai…); ưu tiên các hạng mục về hạ tầng để giúp các thôn, xã giáp biên đẩy mạnh giao lưu hàng hóa, phát triển sản xuất… là những giải pháp cần được quan tâm triển khai. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.