Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Vùng DTTS và miền núi tiếp tục phát triển ổn định

Lê Hường - CTV - 19:49, 25/08/2022

Ngày 25/8, tại Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XV đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 4, để đánh giá kết quả thực hiện chính sách dân tộc trong 8 tháng đầu năm 2022. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm chủ trì hội nghị. Tham dự còn có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Vinh Tơr và đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr báo cáo kết quả thực hiện công tác dân tộc 8 tháng đầu năm tại phiên họp
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr báo cáo kết quả thực hiện công tác dân tộc 8 tháng đầu năm tại phiên họp

Theo báo cáo tóm tắt về tỉnh hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 8 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển KT-XH năm 2023 đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi; tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong 8 tháng đầu năm, tình hình an ninh, chính trị vùng DTTS - miền núi cơ bản ổn định, không có các điểm nóng, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, khối Đại đoàn kết dân tộc được giữ vững.

Các ngành, lĩnh vực kinh tế chủ yếu ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tiếp tục phục hồi tích cực, đặc biệt là các ngành công nghiệp, dịch vụ... tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc. Đời sống của đồng bào ngày càng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Đến nay, các địa phương đã khẩn trương triển khai 3 Chương trình MTQG: Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, góp phần phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Phiên họp nhằm đánh giá kết quả thực hiện chính sách dân tộc trong 8 tháng đầu năm 2022
Phiên họp nhằm đánh giá kết quả thực hiện chính sách dân tộc trong 8 tháng đầu năm 2022

Riêng về thực hiện chính sách dân tộc, kể từ năm 2022, các chính sách dân tộc hầu hết được tích hợp vào Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Bên cạnh việc thực hiện các Chương trình MTQG và chính sách dân tộc của Trung ương, 21 tỉnh, thành vùng đồng bào DTTS và miền núi ban hành 56 chính sách đặc thù tập trung vào các lĩnh vực: Đầu tư phát triển hạ tầng tại các thôn, buôn, bản khó khăn; phát triển sản xuất nông nghiệp; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tạo nguồn, phát triển nguồn nhân lực; bảo hiểm y tế; hỗ trợ học tập cho học sinh DTTS… nhằm hỗ trợ tốt hơn cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển bình đẳng giữa các vùng, dân tộc trên địa bàn.

Năm 2022, Ủy ban Dân tộc được giao 3 nhiệm vụ trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 5 nhiệm vụ, đề án trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Công tác xây dựng các đề án đáp ứng tiến độ, chất lượng theo quy định. Bên cạnh đó, UBDT ban hành 6 Thông tư theo thẩm quyền và tiếp tục rà soát các văn bản pháp lý để kịp thời tham mưu cho Đảng và Nhà nước về chủ trương, chính sách phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Các chính sách, đề án như chính sách đối với Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS; Đề án bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức; Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS; Đề án hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS… cũng được triển khai sâu rộng và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cho rằng: Tăng trưởng kinh tế của vùng DTTS và miền núi còn thấp, đời sống của một bộ phận đồng bào vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao. Tiến độ triển khai 3 Chương trình MTQG còn chậm; công tác ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện và phân bổ vốn cho 3 Chương trình MTQG chưa kịp thời; việc áp dụng chính sách đối với các xã khu thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 còn nhiều bất cập. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có lúc, có nơi vẫn còn tiềm ẩn yếu tố bất ổn…

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được, phân tích nguyên nhân tồn tại hạn chế. Từ đó đề ra giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ đã đặt ra. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đại biểu phát biểu ý kiến tại phiên họp
Đại biểu phát biểu ý kiến tại phiên họp

Tại phiên họp các đại biểu tập trung thảo luận, đề ra các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm ổn định đời sống, phát triển KT-XH trong 4 tháng cuối năm 2022 và năm 2023 cho vùng đồng bào KT-XH và kiến nghị đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành về những giải pháp thực hiện Chương trình trong thời gian tới bảo đảm tiến độ, đạt hiệu quả cao.

Phiên họp lần này, đại diện lãnh đạo Bộ Công an và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thông tin về tình hình an ninh, trật tự, công tác bảo vệ biên giới vùng Tây Nguyên; đồng thời các đại biểu còn tham gia ý kiến thẩm tra Dự án Luật Đất đai (sửa đổi); thảo luận, góp ý kiến về định hướng xây dựng Đề cương giám sát tối cao của Quốc hội về Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; tham gia ý kiến Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc… để trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sắp tới. Phiên họp sẽ bế mạc vào chiều 26/8.

Tin cùng chuyên mục
Nhiều họat động chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhiều họat động chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), tại tỉnh Điện Biên và TP. Hà Nội diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng bộ, các tầng lớp Nhân dân, lực lượng vũ trang và thế hệ trẻ về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ.