Cơ hội việc làm cho đồng bào vùng DTTS và miền núi
Trong chuyến ghé thăm xã Quang Chiểu, huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay từng ngày của vùng đất này. Những nếp nhà khang trang mọc lên, đời sống người dân khởi sắc, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên ổn định. Đáng chú ý, nguồn thu nhập từ xuất khẩu lao động đã trở thành điểm tựa quan trọng, góp phần tạo động lực phát triển cho địa phương.
Nhờ xuất khẩu lao động, những ngôi nhà tầng khang trang không còn hiếm gặp ở vùng đất nghèo xã Quang Chiểu, huyện Mường LátTheo ông Vi Hồng Inh, người dân bản Pùng, xã Quang Chiểu, trước đây, con trai ông là Vi Văn Hiếu (SN 1990) dù tốt nghiệp cao đẳng, nhưng vẫn loay hoay tìm kiếm việc làm phù hợp. Khi Nhà nước triển khai chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đi xuất khẩu lao động, gia đình đã động viên Hiếu học tiếng Hàn Quốc để nắm bắt cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp.
Những ngày đầu đặt chân đến Hàn Quốc, Hiếu làm việc trong lĩnh vực trồng trọt với mức thu nhập 30 - 50 triệu đồng/tháng. Sau này, khi chuyển sang ngành xây dựng, thu nhập của Hiếu tăng lên 70 - 80 triệu đồng/tháng. Nhìn thấy hiệu quả rõ rệt từ xuất khẩu lao động, năm 2019, người con thứ hai của ông Inh là Vi Văn Hào (SN 1996) cũng quyết định sang Hàn Quốc làm việc. Đến nay, Hào có mức thu nhập tương tự anh trai, dao động từ 70 - 80 triệu đồng/tháng.
“Các con tôi hiểu rõ cái nghèo, cái khó của quê hương, nên luôn chăm chỉ làm việc, tích góp từng đồng gửi về để xây nhà, dành dụm lo cho tương lai sau này”, ông Inh chia sẻ.
Không riêng gia đình ông Inh, nhiều hộ dân khác trong xã cũng nhờ xuất khẩu lao động mà vươn lên thoát nghèo. Gia đình ông Phan Văn Liều (SN 1967), bản Suối Tút, hiện đang xây dựng ngôi nhà mới khang trang bằng số tiền con trai gửi về từ công việc lao động xuất khẩu. Ông Liều cho biết, gia đình có 2 con đi xuất khẩu lao động, hiện nay kinh tế gia đình ngày càng ổn định, không chỉ thoát nghèo mà còn có của ăn của để.
“Xuất khẩu lao động không chỉ mang đến thu nhập cao mà còn giúp nhiều gia đình miền núi như ở Quang Chiểu có cơ hội xây dựng nhà cửa, có vốn đầu tư làm ăn phát triển kinh tế, cũng vì thế mà từng bước thay đổi diện mạo quê hương”, ông Vi Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, khẳng định.
Theo ông Thứ, từ năm 2012, khi Nhà nước triển khai chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, diện mạo xã Quang Chiểu đã có những đổi thay rõ rệt, cuộc sống của người dân ngày một khấm khá. Đặc biệt, trong 4 năm trở lại đây, số lượng xuất khẩu lao động tại Quang Chiểu tăng cao. Hiện nay, cả 13 bản trong xã đều có lao động làm việc tại Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, với tổng số hơn 300 người. Đông nhất là bản Pùng và bản Xim, nơi nhiều hộ gia đình có con em đi làm việc ở nước ngoài, mang lại nguồn thu nhập đáng kể.
Nhờ kinh tế cải thiện, người dân không chỉ lo cho gia đình mà còn tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, hệ thống giao thông trong xã có sự thay đổi đáng kể, với 50km đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa vững chắc. Đến nay, 8/13 bản đã đạt chuẩn nông thôn mới, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của Quang Chiểu.
Góp phần giảm nghèo cho người dân
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa, trong 02 năm qua, Ngân hàng đã thực hiện cho vay 1.129 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, với tổng số tiền 72.991 triệu đồng, trong đó cho vay 1.052 lao động là người dân tộc thiểu số với số tiền 66.886 triệu đồng.
Chương trình xuất khẩu lao động đang tạo sự khởi sắc cho nhiều xã nghèo trên địa bàn huyện Mường LátTrong 02 năm qua (tính đến 31/10/2024), toàn tỉnh Thanh Hóa đã đưa được 27.729 lao động đi làm việc ở nước ngoài; trong đó, năm 2023 là 15.129 lao động; 10 tháng năm 2024 là 12.600 lao động. Hằng năm, số tiền người lao động tỉnh Thanh Hóa đi làm việc tại nước ngoài gửi về gia đình ước khoảng 345 triệu USD, tương đương 8.797 tỷ VNĐ. Trong đó, số lao động là đồng bào dân tộc thiểu số đã xuất cảnh từ năm 2023 đến nay có 6.976 lao động.
Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, khẳng định: Xuất khẩu lao động là giải pháp thiết thực giúp đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và nâng cao thu nhập.
Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai đồng bộ chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài, huy động cả hệ thống chính trị tham gia. Sở sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường tư vấn, giới thiệu thị trường có thu nhập ổn định; các huyện miền núi đẩy mạnh thông tin trên Đài truyền thanh để người dân tiếp cận cơ hội việc làm.
Đồng thời, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ phối hợp với doanh nghiệp đào tạo lao động theo nhu cầu thị trường quốc tế, nâng cao chất lượng tuyển chọn, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn các thị trường có thu nhập cao, môi trường làm việc hiện đại.