Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Bao giờ Tú Ạc thoát nghèo?

Quỳnh Trâm - 15:20, 08/08/2024

Thôn Tú Ạc, là nơi tập trung chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Đây là một trong những thôn thuộc diện khó khăn nhất của xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa). Những năm qua, xã Xuân Chinh, cũng như thôn Tú Ạc nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền, nhờ đó cuộc sống của người dân nơi đây đã bớt khó khăn và không còn cảnh đứt bữa. Tuy nhiên, tìm hiểu từ thực tế trong thôn, từ tập quán sản xuất canh tác, điều kiện môi trường sống, sinh hoạt... của người dân đều đang rất khó khăn, khiến cho hầu hết hộ vẫn chưa thoát khỏi cảnh quẩn quanh với thiếu thốn.

Mới đây có dịp về thôn Tú Ạc, dù cách trung tâm thị trấn Thường Xuân chừng 30km nhưng con đường từ trung tâm xã đến thôn Tú Ạc vẫn còn gập ghềnh và phần đường giao thông trong thôn là đường cấp phối, nhiều ổ gà nhấp nhô, xói lở.

Con đường vào thôn Tú Ạc xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân vẫn còn nhiều khó khăn.
Con đường vào thôn Tú Ạc xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân vẫn còn nhiều khó khăn

Bí thư Chi bộ Vi Văn Trường (SN 1962) chia sẻ, được sự tín nhiệm của bà con, đảng viên trong thôn, ông được bầu giữ chức Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ từ năm 2010 đến nay, ông chứng kiến rất nhiều cái khó, sự thăng trầm của vùng đất này.  

Theo lời ông Trường, xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Toàn xã có 6 thôn, trong đó Tú Ạc được sáp nhập giữa thôn Tú Tạo và thôn Cụt Ạc từ năm 2018, là 1 trong 3 thôn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ nghèo còn cao. Toàn thôn có 186 hộ, với 99% là đồng bào dân tộc Thái sinh sống, thì có đến 55 hộ nghèo, 97 hộ cận nghèo. Hiện nay, bà con Tú Ạc chủ yếu làm ruộng, chăn nuôi, trồng keo, buôn bán nhỏ lẻ, một số người trẻ đi làm ăn xa ở các công ty, hay đi xuất khẩu lao động.

Cái khó nhất về kinh tế của bà con, là phụ thuộc vào nông nghiệp, nhưng toàn thôn chỉ có 29,7ha đất trồng lúa nước cho hai vụ mỗi năm. Nếu chia bình quân, diện tích đất trồng lúa của mỗi hộ dân, là rất hạn chế. Hơn nữa, thôn vẫn chưa có hệ thống kênh mương nội đồng và công trình chứa nước tưới tiêu, điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng, sản lượng cây trồng, vật nuôi của bà con.

Để khắc phục tình trạng này, người dân phải tự tạo guồng nước và dùng dây dẫn nước từ suối vào đồng ruộng. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ mang tính tạm thời và không thể đảm bảo cho sản xuất lâu dài.

Cũng phải kể đến cái khó khác, đó là nhiều năm trước, khu vực rừng thôn Tú Tạo (nay là thôn Tú Ạc) giáp ranh với thôn Bàn Tạn, xã Xuân Lẹ,  là điểm nóng diễn ra hoạt động khai thác vàng tặc. Đến năm 2008-2009, tỉnh, huyện, địa phương quyết liệt xử lý, vì vậy hoạt động khai thác vàng đã không còn diễn ra. Nhờ đó, cuộc sống của bà con nơi đây mới được bình yên.

Bí thư chi bộ Vi Văn Trường nói hiện thôn Tú Ạc vẫn chưa có nhà văn hóa, nên ngôi nhà của ông là nơi diễn ra các cuộc họp thôn, sinh hoạt chi bộ và hoạt động văn hóa, văn nghệ vào dịp lễ, tết của thôn
Bí thư Chi bộ Vi Văn Trường nói hiện thôn Tú Ạc vẫn chưa có nhà văn hóa, nên ngôi nhà của ông là nơi diễn ra các cuộc họp thôn, sinh hoạt chi bộ và hoạt động văn hóa, văn nghệ vào dịp lễ, Tết của thôn

Trò chuyện cùng ông Trường trong ngôi nhà của ông làm bằng gỗ, lợp fibro xi măng, ông còn chia sẻ, thôn Tú Ạc vẫn chưa có nhà văn hóa nên bao năm qua, mọi cuộc họp thôn, sinh hoạt chi bộ và hoạt động văn hóa, văn nghệ vào dịp lễ, tết của thôn Tú Ạc đều diễn ra tại nhà của ông. "Sắp tới, thôn sẽ có nhà văn hóa rồi, nguồn vốn đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia đấy", ông Trường phấn khởi khoe.

Ông Trường cho biết thêm, cũng may, thôn Tú Ạc có diện tích trồng keo nhiều so với các thôn khác. Những năm gần đây, giá keo ổn định nên bà con có thu nhập từ khai thác, thu hoạch keo.Trung bình mỗi ha thu hoạch 50 - 60 tấn keo, bà con thu về khoảng 50 triệu đồng/ha. Nhưng số hộ này cũng không nhiều nên nhìn chung cuộc sống của bà con còn vất vả lắm, tuy không còn hộ đói, nhưng nhiều gia đình quẩn quanh với thiếu thốn trong sinh hoạt.

Dẫn chúng tôi ra thăm cánh rừng trồng keo của gia đình, ông Trường phấn khởi cho biết: Gia đình ông trồng 2ha keo, hiện nay keo chuẩn bị cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch keo từ 5 đến 7 năm, với gia đình ông, cũng như nhiều hộ dân khác, thì keo là cây trồng đem lại thu nhập ổn định. Hiện nay Chi bộ, Ban quản lý thôn Tú Ạc cũng khuyến khích, tuyên truyền bà con mở rộng diện tích trồng keo trên diện tích đất rừng sản xuất của thôn, đồng thời bảo vệ diện tích đất rừng phòng hộ hơn 3.200ha để được hỗ trợ công bảo vệ, chăm sóc có thêm thu nhập cho gia đình.

Ngoài sự nỗ lực của mỗi người dân thì Tú Ạc rất cần sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước từ các chính sách, chương trình MTQG
Ngoài sự nỗ lực của mỗi người dân thì Tú Ạc rất cần sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước từ các chính sách, chương trình MTQG

Chia sẻ về thực trạng tình hình đời sống kinh tế-xã hội của đồng bào Thái thôn Tú Ạc,  ông Cầm Bá Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh cho biết: Những năm qua, thôn Tú Ạc và đồng bào Thái cũng đã được thụ hưởng những chương trình, dự án chính sách dân tộc đầu tư, hỗ trợ, qua đó cuộc sống của người dân từng bước khởi sắc, bớt khó khăn hơn. 

Tuy nhiên, Tú Ạc xuất phát điểm thấp, do đó điều kiện kinh tế - xã hội của thôn còn rất khó khăn nên chưa thể tự vươn lên được. Những cái khó cũng đã thấy rõ rồi, nhất là đất sản xuất ít, điều kiện canh tác hạn chế, Tú Ạc cần có sự hỗ trợ, đầu tư tăng cường các mô hình sinh kế. Hiện nay, bà con Tú Ạc mong có một con đường bê tông liên thôn để đi lạigiao thương hàng hóa nông sản,  mở ra nhiều cơ hội kinh tế mới cho người dân, cũng như việc đến trường của các cháu được thuận lợi hơn, nhưng Xuân Chinh cũng là xã còn nhiều khó khăn, toàn xã Xuân Chinh có 666 hộ, trong đó có 227 hộ nghèo, 253 hộ cận nghèo, do vậy nguồn kinh phí địa phương có hạn, việc đầu tư, hỗ trợ giải quyết các vấn đề cấp thiết của người dân chỉ trông chờ ngân sách tỉnh, huyện và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tin cùng chuyên mục
Nguyên Bình - Nơi sáng lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Nguyên Bình - Nơi sáng lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ ngày 7 - 10/9, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, mưa lớn kéo dài liên tục, xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trên diện rộng, đặc biệt ở huyện Nguyên Bình có 3 điểm sạt lở tại các xóm Khuổi Ngọa, Lũng Lỳ, xã Ca Thành và xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc, làm chết, bị thương và mất tích nhiều người. Ngay khi mưa lũ xảy ra, các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường, triển khai công tác ứng cứu.