Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Vườn hồ tiêu “chống bão” ở Vĩnh Kim

PV - 15:45, 18/06/2018

Qua một thời gian được áp dụng, nhiều vườn hồ tiêu xây dựng theo kiểu thích ứng với biến đổi khí hậu ở xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị đã tỏ rõ được sức chống chịu tốt với gió bão, đồng thời mang lại năng suất, sản lượng cao.

Xã Vĩnh Kim có vị trí chỉ cách biển tầm 1 km, bởi vậy nhiều loại cây trồng chủ lực như cao su, hồ tiêu ở địa phương thường bị thiệt hại nặng mỗi khi có bão lớn. Trước thực trạng đó, cách đây vài năm một số hộ đã mạnh dạn áp dụng mô hình trồng hồ tiêu theo hình thức “chống bão”. Mô hình trồng hồ tiêu này có 2 điểm khác biệt với kiểu trồng thông thường, đó là: trồng bằng trụ bê tông lục giác kiên cố thay trụ sống; chăng dây néo kết nối giữa các trụ lại với nhau.

Mô hình trồng hồ tiêu “chống bão” ở xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh. Mô hình trồng hồ tiêu “chống bão” ở xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh.

 

Trong khu vườn tiêu của mình, ông Nguyễn Tấn Trí ở thôn Tây cần mẫn chăm sóc từng gốc hồ tiêu đã hơn 3 năm tuổi đang lên xanh tốt. Ông Trí cho hay, trước đây cứ mỗi mùa bão đi qua thì vườn hồ tiêu của gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác tại địa phương thường trở nên xơ xác, xiêu vẹo. Qua học hỏi các mô hình trồng hồ tiêu ở miền Nam, Tây Nguyên, năm 2014, gia đình ông đã quyết định thử nghiệm trồng theo kiểu này trên 100 gốc. “Qua mấy mùa “thử lửa” bởi gió bão tôi nhận thấy mô hình trồng tiêu này đã hoàn toàn trụ vững nên quyết định nhân rộng trồng tăng lên 500 trụ”, ông Trí nói.

Theo ông Trí, ưu thế của hình thức trồng tiêu này là tiết kiệm được nguồn nước, chất dinh dưỡng khá nhiều. Bởi trụ tiêu làm bằng bê tông nên không hút chất dinh dưỡng và nước như loại trụ sống (chủ yếu là cây mới), chi phí phân bón vì vậy cũng được giảm thiểu; năng suất qua đối chứng cũng đạt cao hơn trồng trụ sống (đạt bình quân 14 tạ/ha). Toàn bộ vườn hồ tiêu của gia đình ông Trí hiện nay đã lên xanh tốt, các hàng cây được bố trí thẳng tắp, trụ cách trụ 2m, mỗi trụ có chiều cao 3,5m. Đặc biệt, tất cả các trụ được chăng dây thép néo với nhau thành một khối rồi cố định bởi các cọc chôn sâu quanh vườn.

“Năm 2017 vừa qua trải qua mấy trận bão lớn, trong khi các vườn trồng bằng trụ sống bị gãy đổ rất nhiều nhưng vườn hồ tiêu gia đình tôi không hề hấn gì. Điều này đã khiến tôi rất an tâm gắn bó với cây hồ tiêu trong bối cảnh khí hậu biến đổi ngày càng khắc nghiệt, có nhiều bão tố”, ông Trí cho biết thêm.

Cũng như gia đình ông Trí, năm 2016, ông Nguyễn Tấn Hòa ở thôn Thủy Nam quyết định đầu tư trồng mới vườn tiêu 650 trụ theo hình thức “chống bão”. “Dù chi phí ban đầu có cao hơn chút so với trồng trụ sống. Nhưng qua 2 năm, hồ tiêu sinh trưởng phát triển rất tốt, đã bắt đầu cho quả bói”, ông Hòa vui vẻ nói.

Từ những mô hình ban đầu, đến nay tại xã Vĩnh Kim đã có nhiều hộ áp dụng trồng hồ tiêu theo hình thức này với quy mô từ 300-700 trụ, như các hộ: Nguyễn Hữu Triển, Nguyễn Hữu Nguyên… Những gia đình trồng mới vườn hồ tiêu tại địa phương cũng bắt đầu áp dụng trồng vườn hồ tiêu “chống bão”, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tự động. Đến nay toàn xã Vĩnh Kim có 150ha hồ tiêu, trong đó 50% diện tích đã cho thu hoạch ổn định.

Ông Nguyễn Tấn Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim đánh giá: Bước đầu có thể khẳng định đây là mô hình có nhiều ưu thế hơn hẳn so với trồng hồ tiêu truyền thống. Mô hình này chống chịu tốt với gió bão lớn, đạt năng suất, sản lượng cao, chi phí chăm bón được giảm thiểu, sâu bệnh được hạn chế. Xu hướng trồng hồ tiêu theo hình thức này hiện nay đang được các hộ dần ưa chuộng.

Về phía địa phương, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với dự án Phát triển nông nghiệp bền vững (ROP- Hoa Kỳ) để tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hồ tiêu theo mô hình này để bà con yên tâm canh tác, hướng đến sản xuất hồ tiêu một cách bền vững, cho ra sản phẩm sạch, có sức cạnh tranh lớn hơn trên thị trường.

Năm 2017 vừa qua trải qua mấy trận bão lớn, trong khi các vườn trồng bằng trụ sống bị gãy đổ rất nhiều nhưng vườn hồ tiêu gia đình tôi không hề hấn gì. Điều này đã khiến tôi rất an tâm gắn bó với cây hồ tiêu trong bối cảnh khí hậu biến đổi ngày càng khắc nghiệt, có nhiều bão tố”. Ông Nguyễn Tấn Trí (thôn Tây, Vĩnh Kim)

ĐỨC VIỆT