Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

"Vườn rừng bản Thổ"- Mô hình kinh tế của một cô gái giàu nghị lực

Quỳnh Chi - 15:18, 22/06/2021

Ấp ủ giấc mơ phát triển kinh tế rừng ngay trên mảnh đất quê hương từ rất lâu, nhưng gần đây, Nguyễn Lê Ngọc Linh, sinh năm 1990, dân tộc Thổ, ở xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân (Thanh Hóa), mới thực hiện mục tiêu “bỏ phố về rừng” xây dựng mô hình “Vườn rừng bản Thổ”, với hy vọng tạo nên những sản phẩm thiên nhiên sạch và có giá trị kinh tế cao.

Cô gái dân tộc Thổ- Nguyễn Lê Ngọc Linh với sản phẩm mật ong sạch của Vườn rừng bản Thổ.
Cô gái dân tộc Thổ- Nguyễn Lê Ngọc Linh với sản phẩm mật ong sạch của Vườn rừng bản Thổ.

Nguyễn Lê Ngọc Linh sinh ra và lớn lên tại thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân. Sau khi tốt nghiệp khoa Quan hệ công chúng – Quảng cáo (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), năm 2013, Linh về làm truyền thông cho một công ty thuộc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Công việc với thu nhập ổn định, cuộc sống tiện nghi giữa Thủ đô, nhưng trong thâm tâm cô gái trẻ luôn ấp ủ ước mơ được trở về quê hương lập nghiệp. Chứng kiến đất đai rộng lớn ở quê chưa được nhiều người chú ý khai thác sử dụng; người thân vẫn phải vất vả ra thành phố kiếm việc làm mà chẳng đủ ăn, Linh mong muốn làm nên một điều gì đó để mang lại lợi ích bền vững hơn cho quê nhà.

Mặc sự phản đối của gia đình và can ngăn của bạn bè, năm 2018, cô quyết định bỏ thành phố về quê trồng rừng. Bắt đầu khởi nghiệp với mô hình “Vườn rừng bản Thổ” trên diện tích 3ha. Đây là mô hình sản xuất trên đất đồi tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất. Những khu rừng sau khi trồng, sẽ giúp đất đai bổ sung lại chất hữu cơ, tái sinh rừng và phủ xanh núi đồi, góp phần phòng, chống lũ quét và sạt lở đất.

Cũng như bao bạn trẻ khác, lúc đầu, Linh cũng gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn ít, kiến thức về trồng rừng không có nhiều. Thế nhưng, Linh vẫn kiên trì thực hiện. Ngay sau khi vay mượn đủ vốn dự định, cô đã bắt đầu tìm những giống cây bản địa về trồng như keo, lát. Bước đầu, các loài cây này đều phát triển tốt.

Đến tháng 1/2019, khi vườn rừng đã phát triển, cô bắt đầu đưa các lại cây có giá trị kinh tế cao vào trồng tại vườn rừng và kết hợp trồng các loài cây rừng quý như lim, trám, mắc khén, dổi… Đồng thời, Linh trồng thêm các loài cây như dổi rừng lấy hạt; cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi, cam, ổi, mít. Dưới tán rừng, Linh còn trồng thêm các loài cây hoa màu, cây bobo, cây ngô để làm thức ăn chăn nuôi tại chỗ và trồng các cây dược liệu như: cây thiên môn đông, gừng, nghệ, tỏi…

Mô hình "Vườn rừng bản Thổ" của Nguyễn Lê Ngọc Linh
Mô hình "Vườn rừng bản Thổ" của Nguyễn Lê Ngọc Linh

Đến nay, tính sơ sơ "Vườn rừng bản Thổ" đã có hơn 50 loài cây rừng bản địa, ngoài ra, Linh còn kết hợp chăn nuôi ong, gà trong khu vườn rừng này.

Nếu ở nơi khó khăn trăm bề như thế này, mô hình của tôi vẫn thành công, thì ở bất kì nơi đâu, rừng cũng sẽ được tái sinh lại, người nông dân sẽ sống thật tốt trên mảnh đất của mình.

Nguyễn Lê Ngọc LinhChủ nhân "Vườn rừng bản Thổ"

Hiện các sản phẩm từ "Vườn rừng bản Thổ" như: mật ong, các cây rừng, dược liệu, trái cây, nguyên liệu liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, gà đồi… đã được Linh bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Doanh thu của Vườn đạt khoảng 600 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động và 10 lao động thời vụ với mức lương 4 - 5 triệu/người/tháng.

Linh thông tin, năm 2020, Dự án “Phát triển vườn rừng, xây dựng hệ sinh thái thực phẩm tạo sinh kế bền vững gắn liền với khôi phục văn hóa cho đồng bào dân tộc Thổ tại Hóa Quỳ - Như Xuân – Thanh Hóa” của Linh, đã lọt vào vòng Chung kết cuộc thi dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2020 và đạt giải “Dự án nông nghiệp phát triển bền vững”. Đồng thời, được tặng Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Vừa qua, Nguyễn Lê Ngọc Linh được tôn vinh là 1 trong 90 cán bộ đoàn viên, thanh niên tiêu biểu nhân dịp Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1930 - 26/3/2021) do Tỉnh Đoàn Thanh Hóa tổ chức.

Cô gái trẻ dân tộc Thổ chia sẻ: Hiện diện tích đất đồi, nương rẫy tại huyện Như Xuân nói riêng và các huyện miền núi Thanh Hóa nói chung còn rất rộng lớn. Linh hy vọng mô hình này thành công, có thể nhân rộng thành các vùng nguyên liệu vệ tinh có kiểm soát quy trình.

Tin cùng chuyên mục