Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Vượt lên nghịch cảnh chàng trai sáng tác nhạc bằng một ngón tay

T.Nhân-H.Trường - 11:14, 04/03/2024

Không may bị tai nạn trong một trận lũ năm 2017 đã khiến anh Trần Bình Phương (phường Thanh Hà, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam) từ một chàng trai khoẻ mạnh bị tàn tật. Thế nhưng, vượt lên số phận bằng nghị lực phi thường, chàng thanh niên Trần Bình Phương đã gửi gắm niềm tin cuộc sống bằng việc sáng tác cho ra đời những ca khúc mang phong cách riêng, được cộng đồng âm nhạc đánh giá cao.

“Tôi bất tiện chứ không bất hạnh”

Đó là câu nói ấn tượng, khi lần đầu tiên chúng tôi gặp chàng trai khuyết tật Trần Bình Phương. Anh bảo, anh không xem khuyết tật của cơ thể là điều bất hạnh mà chỉ gây bất tiện trong sinh hoạt mà thôi. Thậm chí điều này càng khiến anh quyết tâm hơn, nỗ lực hơn để trở thành người sống có ích.

Bằng niềm đam mê âm nhạc, anh Trần Bình Phương đã sáng tác nhiều tác phẩm hay, được giải thưởng cao
Bằng niềm đam mê âm nhạc, anh Trần Bình Phương đã sáng tác nhiều tác phẩm hay, được giải thưởng cao

Phương kể, anh là con đầu trong gia đình có hai anh em. Sinh ra và lớn lên ở đất xứ Quảng nên từ nhỏ, anh đã đắm chìm trong những câu hát ru, những làn điệu dân ca, những câu hò khoan, điệu đàn xuân nữ, câu hát bài chòi xứ Quảng… Lớn lên, mình luôn trăn trở phải làm sao để giữ gìn những cái hay, cái đẹp của âm nhạc dân tộc. Để theo đuổi đam mê, mình đã chọn theo học chuyên ngành Đàn Nhị, khoa Âm nhạc truyền thống ở Học viện Âm nhạc Huế. Sau đó, vì nhiều lý do riêng, mình phải gác lại việc học, trở về quê làm nhạc công, biểu diễn các nhạc cụ dân tộc.

Một biến cố lớn đã xảy ra, anh không may bị tai nạn, liệt toàn thân, khiến cho bao ước mơ, hoài bão đành dang dở. “Mình nung nấu biết bao nhiêu dự định, tuy nhiên chưa thực hiện được thì bị như vậy. Sau vụ tai nạn đó, mình từ một người khoẻ mạnh trở thành tàn tật vì bị liệt tuỷ sống, chỉ còn một ngón tay hoạt động được. Mọi sinh hoạt hằng ngày đều phải nhờ đến người mẹ. Lúc đó, mình cảm thấy rất buồn vì trở thành gánh nặng của gia đình”, anh Phương kể lại.

Sau vụ tai nạn, phần lớn thời gian của anh chủ yếu dành cho việc điều trị. Nhiều lúc anh định bỏ cuộc, nhưng nhờ sự động viên của người thân, bạn bè và nhất là của người mẹ lớn tuổi ngày đêm chăm sóc, anh Phương đã quyết tâm vượt lên nghịch cảnh. "Mình thấy rất nhiều người cũng ở trong hoàn cảnh như mình, nhưng họ vẫn vươn lên và tạo ra nhiều giá trị cho bản thân và xã hội. Mình còn trẻ, không thể bỏ cuộc giữa chừng được, nên đặt quyết tâm tập đi lại và tìm một công việc để phần nào có thêm niềm vui và phụ giúp cho gia đình", anh Phương bộc bạch.

Anh Phương sáng tác nhạc chỉ bằng một ngón tay cái, các khác khác bị co rút không cử động được
Anh Phương sáng tác nhạc chỉ bằng một ngón tay

Cũng trong thời gian điều trị bệnh, niềm đam mê âm nhạc của Phương trỗi dậy mãnh liệt, anh bắt đầu tập sáng tác nhạc trên điện thoại. Thời gian đầu rất khó khăn vì hai tay anh đều tê liệt, chỉ còn một ngón tay cái là sử dụng được. Mỗi lần viết xong bản thảo trên điện thoại, ảnh gửi sang nhờ bạn bè sao chép trên laptop để sử dụng những phần mềm chuyên nghiệp hơn.

 “Mình không thể chơi đàn nên mọi giai điệu đều sắp xếp trong đầu và viết ra. Tôi bất tiện chứ không bất hạnh, miễn là mình có niềm tin và một khối óc sáng tạo, thì mọi khó khăn cũng chỉ là thử thách. Những thử thách đó là gia vị để mình kiên trì hơn với đam mê của mình. Mình sẽ cố gắng luyện tập để có thể làm việc trên laptop một cách thuận tiện mà không còn nhờ đến người khác. Hơn nữa, hiện tại mình đã quen với viết thể hiện các giai điệu từ trong đầu mình ra điện thoại một cách dễ dàng hơn”, anh Phương trải lòng.

Cuộc sống có ý nghĩa hơn nhờ âm nhạc

Tính đến nay, anh Phương đã sáng tác gần 20 ca khúc, ngoài hai tác phẩm “Về thương Thanh Hà” viết về quê hương của anh, ca khúc “Những đoá hoa tuổi trẻ” đạt giải B Trung ương Đoàn, thì còn một số ca khúc đạt giải cao như: “Khát vọng của thanh xuân” (đoạt giải nhì ở Công đoàn Bắc Giang), “Mây nghiêng bóng phố” (đoạt giải 3 ở TP.Cao Bằng)... Hiện anh đang ấp ủ phát triển các làn điệu dân ca, âm nhạc truyền thống trở nên mới mẻ hơn và mang hơi thở thời đại, đến gần với giới trẻ và mọi người hơn. Qua đó, khiến cho mọi người đến gần với âm nhạc dân tộc hơn.

Sinh hoạt của anh Phương nhờ sự giúp đỡ của người mẹ
Sinh hoạt của anh Phương nhờ sự giúp đỡ của người mẹ

Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình sáng tác nhạc, anh Phương không ngần ngại chia sẻ: Có hai ca khúc mà anh ấn tượng nhất là “Về thương Thanh Hà” và “Những đoá hoa tuổi trẻ”. Tác phẩm “Về thương Thanh Hà” được anh sáng tác và hoàn thiện vào năm 2021. Đây là tác phẩm đầu tay của anh được đông đảo mọi người đón nhận, là “viên gạch” đầu tiên để anh đến sống với đam mê âm nhạc của mình. Riêng đối với bài hát “Những đoá hoa tuổi trẻ”, là quả ngọt đầu tiên mà anh dự thi và đạt giải B từ Trung ương Đoàn.

Anh nhớ lại, lúc được mọi người động viên dự thi, anh đã dồn hết tâm huyết để suy nghĩ lời bài hát cũng như giai điệu. Tuy nhiên, khi đã hình thành lời bài hát thì gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên chính là vấn đề kinh phí để hoàn thiện sản phẩm; tiếp đến là trở ngại trong việc ghi chép sheet (bản nhạc) và có thể truyền đạt ý tưởng nó đến với người hòa âm phối khí, ca sĩ. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của bạn bè và thầy cô, cùng với sự nỗ lực của bản thân, cuối cùng mọi việc đã được giải quyết.

“Ngày nhận bằng khen và giấy chứng nhận của Trung ương Đoàn, mình thậm chí còn không thể tin được đây là sự thật. Mình đã về khoe ngay với mẹ, và mẹ đã khóc vì hạnh phúc. Như vậy là sau bao nhiêu cố gắng, cùng với sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè thì cũng đã được thành quả, được mọi người công nhận ở một cuộc thi lớn như vậy. Mình được tiếp xúc với nhiều nhạc sĩ, được học hỏi rất nhiều thứ, và mình bắt đầu tin vào bản thân của mình hơn”, anh Phương kể lại.

Tinh thần lạc quan của Trần Bình Phương truyền cảm hứng đến nhiều bạn trẻ
Tinh thần lạc quan của Trần Bình Phương truyền cảm hứng đến nhiều bạn trẻ

Ngoài công việc sáng tác nhạc, anh Phương cũng đã thực hiện được ước mơ của mình là thành lập một nhóm nhạc để biểu diễn mang tên “Tiếng Thu Bồn”, với 6 thành viên cốt cán gồm những nghệ sĩ, giảng viên của các trường âm nhạc. Mục tiêu của nhóm nhạc là lan toả những giai điệu tinh tế và mang tính sáng tạo làm phong phú thêm bản sắc âm nhạc đa dạng của quê hương, đất nước. Lan toả tinh thần khởi nghiệp, thắp sáng ước mơ, truyền năng lượng tích cực đến những người trẻ dám nghĩ dám làm. Một phần kinh phí của nhóm nhạc sẽ được trích ra để phục vụ cộng đồng cũng như hỗ trợ các bạn trẻ khuyết tật khởi nghiệp.

“Âm nhạc đã giúp cho mình có nhiều suy nghĩ tích cực hơn, giúp mình quên đi những cơn đau từ việc bị co rút hàng đêm, có thêm nhiều niềm tin hơn trong cuộc sống. Âm nhạc như đem đến cho tôi cuộc đời thứ hai. Hiện nay, ngoài việc sáng tác nhạc để ca sỹ trong nhóm biểu diễn, mình nhận được nhiều đơn đặt hàng sáng tác nhạc cho các công ty – đây cũng là một phần kinh tế giúp mình trang trải và thuốc men chữa bệnh. Mình cũng muốn gửi thông điệp đến những bạn trẻ rằng, miễn là mình có niềm tin thì mọi thứ đều trở nên tốt đẹp”, anh Phương chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục
Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Gần 26 năm gắn bó với học sinh các DTTS ở xứ Nghệ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Kiều Hoa, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An đã dìu dắt biết bao thế hệ học trò miền núi vượt khó vươn lên, chinh phục ước mơ, tự tin bay ra “biển lớn”. Đồng thời, cô đóng góp quan trọng đưa trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An trở thành một địa chỉ giáo dục uy tín, chất lượng, không chỉ của tỉnh Nghệ An mà của cả hệ thống các trường Dân tộc nội trú trong toàn quốc.