Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã đầu tiên về đích nông thôn mới trên vùng cao A Lưới

Mạnh Cường - 10:05, 18/08/2020

A Ngo là một trong những xã đầu tiên của huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) về đích trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) và hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020. Kết quả đó đã và đang tác động, làm thay đổi đời sống kinh tế - xã hội (KT-XH) của đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã.

Với nguồn lực đầu tư từ các chính sách dân tộc, hạ tầng nông thôn ở A Ngo đã khang trang hơn so với 5 năm trước.
Với nguồn lực đầu tư từ các chính sách dân tộc, hạ tầng nông thôn ở A Ngo đã khang trang hơn so với 5 năm trước.

Dẫn chúng tôi đi trên những con đường làng trải bê tông phẳng phiu, Chủ tịch UBND xã A Ngo, ông Nguyễn Đức chia sẻ: A Ngo có 877 hộ, 3.567 nhân khẩu, trong đó dân tộc Tà Ôi chiếm trên 80%. 5 năm qua, từ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của các Chương trình 135, NTM… đời sống KT-XH của người dân ở địa phương đang có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân đã được nâng lên. Người dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua phát triển KT-XH, xây dựng đời sống văn hóa… do các cấp, các ngành của địa phương phát động. Nhờ đó, cuối năm 2018, A Ngo là một trong những xã của huyện A Lưới về đích sớm trong Chương trình xây dựng NTM và hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020.

Ở A Ngo, hợp phần hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135 được ví như “đòn bẩy” giúp cho các hộ dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Minh chứng như gia đình chị Hoàng Thị Kén, thôn Diên Mai. Năm 2017, chị Kén được tham gia lớp tập huấn trồng nấm và gia đình chị được hỗ trợ nấm giống. Nhờ cần cù, chịu khó, chị Kén đã triển khai, mở rộng mô hình trồng nấm. Hiện, với hơn 5.000 bịch nấm rơm, nấm sò, linh chi… trung bình mỗi ngày gia đình chị thu hoạch 15 - 20kg nấm. Với giá bán bình quân 50.000 đồng/kg, có ngày chị thu về tiền triệu. Từ một hộ nghèo, gia đình chị Kén vươn lên, có cuộc sống sung túc hơn trước.

Từ định hướng phát triển kinh tế của xã, gia đình ông Trần Văn Lưu, thôn Diên Mai được hỗ trợ thực hiện mô hình vườn mẫu. Năm 2016, chuyển từ trồng rau nhỏ lẻ, manh mún qua vườn mẫu, thu nhập của gia đình ông Lưu đã tăng lên đáng kể. Riêng việc trồng rau thâm canh, đã giúp ông thu về gần 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông còn trồng mướp, bí… mỗi tháng thu về 2 - 3 triệu đồng…

Trong giai đoạn từ năm 2015 - 2018, xã A Ngo đã lồng ghép nguồn vốn từ các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó các công trình như, đường dân sinh, lưới điện hạ thế, hệ thống nước sạch, kênh mương nội đồng... được chính quyền xã ưu tiên thực hiện, với tổng mức đầu tư gần 7 tỷ đồng. Địa phương đã hoàn thành các hạng mục thuộc dự án khu tái định cư Khe Bùn thuộc Chương trình “Di dân, định canh, định cư cho đồng bào DTTS”.

“Cán bộ xã quan tâm, chúng tôi được hỗ trợ xây nhà tái định cư, làm đường, cấp đất sản xuất, hỗ trợ cây, con giống… nên cuộc sống của bà con giờ đây đã ổn định hơn so với trước kia”, chị Hồ Thị Vân, ngụ thôn Khe Bùn chia sẻ.

Với việc triển khai đồng bộ các chương trình, chính sách dân tộc, chương trình mục tiêu quốc gia… bộ mặt nông thôn xã A Ngo có nhiều khởi sắc, đời sống người dân có bước phát triển. Hiện tại, tỷ lệ hộ gia đình ở A Ngo tham gia sản xuất kinh doanh, dịch vụ chiếm hơn 40%. Đến nay, 100% các thôn trên địa bàn xã có lưới điện quốc gia, trạm truyền thanh, các trường học được xây dựng khang trang. Xã có bưu điện văn hóa, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng. Hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn được bê tông hóa, nhựa hóa 100%.

Từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 30%, năm 2015), cuối năm 2019 tỷ lệ này giảm xuống còn 4,7% (giảm 214 hộ). Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/người/năm; 2 thôn đặc biệt khó khăn của xã đã ra khỏi Chương trình 135, đưa A Ngo lên vị trí top đầu trong thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc trên địa bàn huyện A Lưới. 

Tin cùng chuyên mục
Triển khai Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Khẩn trương nhưng cẩn trọng vì mục tiêu lớn

Triển khai Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Khẩn trương nhưng cẩn trọng vì mục tiêu lớn

Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/1/2022 đặt mục tiêu đến năm 2045, các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, cơ bản không còn hộ nghèo... Để hướng tới mục tiêu này, Ủy ban Dân tộc (UBDT) và các bộ, ngành, địa phương đã và đang triển khai các nhiệm vụ trong Chiến lược, trên tinh thần khẩn trương nhưng cẩn trọng.