Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tìm trong di sản

Khu bảo tồn di tích văn hóa Sa Huỳnh: Chưa xứng tầm với giá trị di sản

Lê Phương - 10:42, 13/03/2020

Gọi là Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh, nhưng trong “ruột” chỉ có ảnh chụp quang cảnh, còn khu vực khai quật khảo cổ trơ trọi nền đất không bảng chỉ dẫn... Đó là thực trạng ở Khu bảo tồn di tích văn hoá Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi).

Khách đến thăm quan Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh chủ yếu để xem ảnh
Khách đến thăm quan Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh chủ yếu để xem ảnh

Khu bảo tồn di tích văn hóa Sa Huỳnh được xây dựng trên diện tích 20ha ở Gò Ma Vương, thôn Long Thạnh 2, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ; gồm các hạng mục bảo tồn ngoài trời, nhà trưng bày bổ sung di tích, di vật thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh từng được các nhà khảo cổ khai quật ở Quảng Ngãi trong vòng 100 năm qua. Khu di tích được xây dựng từ năm 2012, với tổng vốn đầu tư gần 32 tỷ đồng từ nguồn vốn của Trung ương và ngân sách tỉnh Quảng Ngãi. 

Khu bảo tồn di tích lịch sử văn hóa Sa Huỳnh được kỳ vọng là điểm nhấn trưng bày, tái hiện nền văn hóa cổ xưa của người Việt; kết nối với “Con đường di sản miền Trung”, tạo sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động năm 2017 đến nay, Khu bảo tồn di tích này được đánh giá là chưa xứng tầm. 

Trong khuôn viên 400m², Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh được xây dựng trên chính vùng lõi nền Văn hóa Sa Huỳnh cổ xưa. Nhưng Nhà trưng bày chỉ vỏn vẹn có ba bộ sưu tập 122 hiện vật về Sa Huỳnh. Còn 5 mộ chum lớn - biểu tượng đặc trưng của đời sống cư dân Sa Huỳnh, dưới ánh đèn lờ mờ không gây ấn tượng cho người xem. 

Các hiện vật nồi, bát đồng, bình hoa bằng gốm giống na ná nhau nhiều kích cỡ trong tủ kính. Những hiện vật trang sức bằng đá, vỏ ốc, hạt chuỗi - niềm kiêu hãnh của Sa Huỳnh xưa được bày biện sơ sài, đơn giản, không điểm nhấn. Giữa không gian rộng lớn của Nhà trưng bày là 250 bức ảnh đa dạng kích cỡ, màu sắc trưng bày các chủ đề văn hóa Sa Huỳnh. 

Chỉ tay lên những ảnh màu, anh Nguyễn Quốc Triều, một du khách đến thăm quan bày tỏ: “Mấy cái địa điểm di tích này toàn là ảnh chụp cảnh quan thôi. Lịch sử phát hiện cả nền văn hóa mà ảnh có bấy nhiêu thì kỳ quá. Đến đây là để xem hiện vật như thế nào, chứ xem ảnh thì ở nhà lên mạng xem còn đẹp hơn”, anh Triều thất vọng nói.

Cách Nhà trưng bày không xa là Khu di tích khảo cổ học Long Thạnh trên gò Ma Vương. Tại đây, hai hố khai quật có diện tích 223m2 và nhà bao che rộng 320m2 xây dựng ngay vị trí phát hiện Kho Chum Sa Huỳnh từ những năm 1909. 

Hố khai quật phía Nam gò Ma Vương phục dựng 16 ngôi mộ táng của cư dân Sa Huỳnh; hố khai quật phía Bắc phục dựng tầng văn hóa Sa Huỳnh 3.000 năm trước. Thế nhưng, bên trong di tích hố khai quật, nhiều tầng đất nông, sâu được phục dựng bằng những mảnh gốm vụn vỡ xỉn màu, nằm rải rác. 

Ngoài ra, Khu di tích phục vụ nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa Sa Huỳnh, nhưng chỉ mở cửa từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần. Ngày cuối tuần đóng cửa, không đón khách. 

Khi chúng tôi thắc mắc về vấn đề này, ông Huỳnh Chí Cường, Phó Trưởng phòng Phụ trách Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh phân trần: “Do không có nhân lực, cả khu này chỉ có tôi và một người bảo vệ làm tất cả mọi công việc từ bảo quản hiện vật đến đến thuyết minh cho du khách nên chỉ phục vụ được từ thứ Hai đến thứ Sáu. Còn ngày nghỉ, nếu có khách đến thăm quan liên hệ trước, tôi sẽ điện thoại cho bảo vệ đến mở cửa và hướng dẫn cho khách”.

Cũng theo ông Cường, là người trực tiếp quản lý ở đây, hằng ngày nhìn cảnh đìu hiu của khu di tích cũng cảm thấy chạnh lòng. Ông mong muốn các cấp ngành có sự quan tâm đầu tư, đặc biệt là bổ sung thêm nhân lực để hoàn thiện bộ khung quản lý Khu bảo tồn di tích và đẩy mạnh công tác truyền thông để thu hút du khách đến thăm quan.

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đồng ý chủ trương mở một tuyến đường, nối từ Quốc lộ 1A vào thẳng Khu bảo tồn di tích, với số vốn đầu tư hơn 49 tỷ đồng. Hy vọng sau khi có con đường,di tích này sẽ bớt vắng vẻ hơn” .

Ông Huỳnh Chí Cường,

Phó Trưởng phòng Phụ trách Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh


Tin cùng chuyên mục
Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Khi người trẻ đam mê cổ ngoạn (Bài 1)

Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Khi người trẻ đam mê cổ ngoạn (Bài 1)

Đam mê sưu tầm, lưu giữ các cổ vật văn hóa, những người trẻ với tư duy mới không giữ khư khư những bộ sưu tập cổ vật quý giá trong cánh cửa gia đình mình mà họ đã mang đi trưng bày, giới thiệu và chia sẻ với đông đảo công chúng để mọi người hiểu hơn, biết trân trọng hơn giá trị di sản của cha ông để lại.