Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Xã Tam Hiệp (Phúc Thọ, Hà Nội): Cán bộ đùn đẩy trách nhiệm khi cấp sổ đỏ cho người không được chia đất

Kẻ Sĩ - 17:30, 18/04/2022

Báo Dân tộc và Phát triển nhận được đơn kêu cứu của các bà Tăng Thị Xảo (SN 1956), Tăng Thị Sểu (SN 1960) cùng trú tại xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Theo phản ánh của người dân, mảnh đất phần trăm của gia đình được chia từ năm 1960, nhưng bất ngờ năm 2017, mảnh đất này lại được UBND huyện cấp sổ đỏ cho người khác, vốn không được chia đất năm 1960.

Người không có đất nhưng lại được cấp sổ đỏ?

Cụ thể, theo phản ánh của hai bà Xảo, Sểu, năm 1960, chính quyền địa phương đã thực hiện chia đất phần trăm cho những người sinh trước năm 1960 trở về trước. Theo đó, gia đình hai bà Tăng Thị Xảo, Tăng Thị Sểu cùng bố mẹ là cụ Tăng Hữu Sửu và vợ là Đỗ Thị Then, được chia một mảnh đất gần 300 m2 tại cụm 5 xã Tam Hiệp. Sau này, ông Sửu, bà Then sinh thêm 2 người con là Tăng Hữu Sang (SN 1963), Tăng Thị Xuân (SN 1966). Hai người này vốn không có tên trên mảnh đất được cấp năm 1960, do sinh sau thời gian này.

Trong đơn gửi báo Dân tộc và Phát triển, hai bà Tăng Thị Xảo, Tăng Thị Sểu xúc động trình bày hoàn cảnh: Năm 1969, mẹ tôi là Đỗ Thị Then không may qua đời vì bạo bệnh. Cha chúng tôi là ông Tăng Hữu Sửu ít lâu sau đó, phần vì thương nhớ vợ, phần vì những vết thương do quân địch gây ra khi ông bị chúng giam cầm ở nhà tù Côn Đảo nên cũng mất. Lúc này, 4 chị em chúng tôi bơ vơ trong cảnh không còn cha mẹ. Nhìn cảnh hai em gày guộc ốm yếu bụng lúc nào cũng đói, chúng tôi không ngại cực khổ, ngày đêm làm lụng để mong có đủ bữa cơm no cho hai em”.

Các bà Tăng Thị Xảo, Tăng Thị Sểu bên mảnh đất đang tranh chấp (phía sau tường bao)
Các bà Tăng Thị Xảo, Tăng Thị Sểu bên mảnh đất đang tranh chấp (phía sau tường bao)

Cứ như vậy, vừa làm chị vừa làm mẹ, các bà quên mình chăm lo cho hai em khôn lớn thành người. Năm tháng trôi qua, theo mong muốn của em trai, năm 1984, hai bà làm lễ cưới cho em với cô gái Đỗ Thị Lộc. Sau khi em trai lấy vợ, hai bà mới yên tâm nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình. Thế nhưng năm 1996, em trai hai bà là Tăng Hữu Sang không may qua đời do tai nạn giao thông. Mới đây, hai bà tá hỏa phát hiện, mảnh đất phần trăm của gia đình trước đây đã được UBND huyện Phúc Thọ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho bà Đỗ Thị Lộc từ năm 2017.

Trao đổi với báo Dân tộc và Phát triển, bà Tăng Thị Sểu bức xúc cho biết: “Chúng tôi rất buồn vì sau bao năm chăm lo cho người em ruột lại bị đối xử bất công như vậy. Hơn nữa, về mặt pháp luật, mảnh đất phần trăm vốn được chia cho những người sinh trước năm 1960, thế mà UBND huyện Phúc Thọ lại cấp cho hộ gia đình sinh sau 1960, là điều hết sức phi lý. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ sự việc”.

Cơ quan chức năng “né” báo chí?

Trên cơ sở đơn thư của các bà Tăng Thị Xảo, Tăng Thị Sểu, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển trực tiếp về cơ sở để xác minh. Tại hiện trường, mảnh đất đang tranh chấp đã được xây dựng tường bao nằm giữa khu dân cư khá đông đúc. Tại đây, một số hộ dân như ông Đỗ Văn Đà, ông Đỗ Văn Hiệp, bà Đỗ Thị Dần, bà Đỗ Thị Dung… người dân tại thôn 5 xã Tam Hiệp đã ký giấy xác nhận: “Quá trình sinh sống tại địa phương, tôi có nghe và thấy hai bà Tăng Thị Xảo, Tăng Thị Sểu được chính quyền địa phương cấp đất phần trăm. Đây là quyền lợi của những người sinh trước năm 1960 nhận được. Phần đất này của hai bà được Nhà nước cấp chung một mảnh với đất của bố mẹ hai bà là cụ Tăng Hữu Sửu và cụ Đỗ Thị Then”.

Theo tài liệu mà phóng viên thu thập được, vấn đề này UBND xã Tam Hiệp cũng đã tổ chức hòa giải tranh chấp lần 1 vào ngày 29/4/2020, lần 2 vào ngày 29/5/2020. Theo đó, ông Đỗ Trọng Đại, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp, chủ tọa buổi hòa giải cung cấp thông tin: Thông qua báo cáo chuyên môn sau khi làm việc với bà Xảo, bà Sểu và bà Lộc, thì thửa đất tranh chấp trên đã được cấp sổ đỏ năm 2017 với số thửa 907, tờ bản đồ số 2, diện tích 273 m2.

Trình bày tại buổi hòa giải, bà Đỗ Thị Lộc cho biết: Khoảng năm 1984, tôi lấy ông Tăng Hữu Sang. Đến năm 2017, Nhà nước có cấp sổ đỏ mảnh đất này.

Ông Đỗ Công Thi, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Tổ trưởng tổ hòa giải cụm 5 trình bày: Sau khi tổ hòa giải thực hiện tại cụm và qua buổi hội nghị hôm nay, tôi khẳng định mỗi người chỉ được cấp đất phần trăm 1 lần (năm 1960). Vậy thôn cung cấp số liệu để UBND xã tiếp tục giải quyết”.

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ, Hà Nội), ông Đinh Xuân Hanh - Chánh Văn phòng UBND huyện Phúc Thọ và bà Nguyễn Thị Ly - Phó Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Phúc Thọ. 

Thế nhưng, các cán bộ này đều đùn đẩy trách nhiệm. Thậm chí, bà Nguyễn Thị Ly còn lập biên bản về việc sẽ cung cấp thông tin cho báo chí. Thế nhưng đến nay, không hiểu vì lý do gì, chính quyền huyện Phúc Thọ vẫn phớt lờ, né tránh không cung cấp thông tin cho báo chí?

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc sự việc này!

Tin cùng chuyên mục
Dự án treo ở Vân Đồn (Quảng Ninh) - Hàng trăm hộ dân "đi cũng dở, ở không xong"

Dự án treo ở Vân Đồn (Quảng Ninh) - Hàng trăm hộ dân "đi cũng dở, ở không xong"

Đã gần chục năm nay, hàng trăm hộ dân chủ yếu là người DTTS ở xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đang phải sống trong cảnh "đi cũng dở, ở không xong" do nằm trong quy hoạch Khu công viên phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp. Theo thời gian, đặc biệt là ảnh hưởng cơn bão số 3, nhiều nhà cửa, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được tu sửa, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân địa phương.